(TNO) Sự vĩ đại của Nelson Mandela không dựa trên những năm tháng lao tù đằng đẵng mà ở cách ông để lại những niềm cay đắng phía sau cánh cửa nhà tù để đoàn kết một đất nước Nam Phi đầy chia rẽ bằng ngọn lửa hy vọng bất diệt.
|
>> Các nguyên thủ bày tỏ lòng thương tiếc ông Nelson Mandela
>> Ông Nelson Mandela từ trần ở tuổi 95
>> Hàng loạt sao Hollywood tiếc thương ông Nelson Mandela
Ngày 11.2.1990 có lẽ là một khoảnh khắc thay đổi vĩnh viễn trong lịch sử Nam Phi hiện đại, ngày Nelson Mandela bước ra khỏi chốn ngục tù sau 27 năm trường. Từ đây, ông đã trở thành một biểu tượng của hòa bình, hòa giải, khoan dung và chiến thắng áp bức.
Rời nhà ngục ở tuổi 71, chính phủ của người da trắng đã đánh cắp những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của Mandela. Tuy nhiên, sự lạc quan và yêu đời vẫn tràn ngập trong tâm hồn và cuộc đời còn lại của ông.
Chính ngọn lửa hy vọng cùng lòng trắc ẩn luôn rực cháy trong trái tim đã biến Mandela trở thành một trong số ít ỏi những bậc trưởng thượng đáng kính ở cuối thế kỷ 20 mà bất kỳ ai cũng cảm thấy cơ hội diện kiến ông là niềm vinh hạnh của cuộc đời, dù họ có là chính khách lừng lẫy, siêu sao màn bạc nức tiếng hay danh thủ thể thao trứ danh. Hết thảy đều cảm thấy trở nên nhỏ bé trước chiếc bóng truyền cảm hứng vĩ đại của con người luôn nở nụ cười từ hòa trên môi.
Uy tín, sự hài hước và nhân cách vượt lên trên những cách đối xử khắc nghiệt dành cho ông cũng như câu chuyện cuộc đời ngoại hạng đã góp phần tạo nên sức hút trên toàn thế giới dành cho Mandela.
Kể từ khi rời chức tổng thống vào năm 1999, Mandela đã trở thành một đại sứ tối cao của Nam Phi, hoạt động chống đại dịch HIV/AIDS và giúp Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010. Ông cũng tham gia vào các tiến trình thương thuyết hòa bình ở CHDC Congo, Burundi và những nơi khác trên thế giới.
Năm 2004, Mandela tuyên bố rút lui vào cuộc sống ẩn dật để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè.
Vào ngày sinh nhật thứ 89, ông đã sáng lập nhóm “Những nguyên lão”, bao gồm những chính khách lão thành hàng đầu thế giới, nhằm đưa ra những lời khuyên để xử lý “một số vấn đề gai góc nhất của thế giới”.
Lần xuất hiện cuối cùng của Mandela trước công chúng là vào trận chung kết World Cup 2010 được tổ chức tại Nam Phi.
|
Chặng đường dài đến tự do
Long walk to freedom - Chặng đường dài đến tự do là tên cuốn hồi ký nổi tiếng của Nelson Mandela, từng được chuyển thể thành phim. Đó là cuốn hồi ký sống động về cuộc đấu tranh của một con người và của cả một quốc gia, một câu chuyện về sự trưởng thành và học hỏi, được kể lại với một niềm tin chói sáng về sự bất khả chiến bại của niềm hy vọng và phẩm giá con người.
Nelson Mandela, có tên khai sinh là Rolihlahla Mandela, sinh ra tại vùng Transkei thuộc Nam Phi vào ngày 18.7.1918. Cha ông là một cố vấn uy tín của hoàng gia Thembu và qua đời khi ông lên 9. Một thầy giáo của Mandela đã đặt cho ông cái tên Nelson.
Mandela theo học tại đại học Fort Hare và đại học Witwatersrand. Sau khi tốt nghiệp luật sư vào năm 1942, ông tham gia và Đại hội Dân tộc châu Phi (ANC), một phong trào nỗ lực mang lại thay đổi chính trị ở Nam Phi. Ông cưới người vợ đầu Evelyn Mase vào năm 1944. Họ ly hôn vào năm 1958 sau khi có với nhau bốn người con.
Vào năm 1948, đảng Quốc gia của người da trắng lên cầm quyền và bắt đầu thực thi chính sách phân biệt chủng tộc apartheid. ANC đã tổ chức phản kháng bất bạo động chống lại các luật lệ hà khắc của apartheid.
Vào năm 1952, Mandela trở thành một trong các phó chủ tịch của ANC. Vào cuối thập niên 1950, trước những sự phân biệt đối xử ngày càng gia tăng, Mandela cùng người bạn Oliver Tambo và những người khác bắt đầu dẫn dắt ANC đi theo con đường cực đoan hơn. Năm 1956, ông bị đưa ra tòa vì tội phản quốc song được tha bổng sau phiên tòa kéo dài năm năm.
Năm 1958, ông cưới người vợ thứ hai Winnie Madikizela, người sau này đóng vai trò tích cực trong cuộc vận động trả tự do cho chồng mình. Sau khi ly hôn bà Winnie vào năm 1996, Mandela kết hôn lần thứ ba với bà Graca Machel, quả phụ của cố Tổng thống Mozambique Samora Machel, vào dịp sinh nhật lần thứ 80.
Vào tháng 3.1960, 69 người biểu tình chống apartheid đã bị cảnh sát giết hại trong cuộc thảm sát ở thị trấn Sharpeville. Chính quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đặt ANC ra ngoài vòng pháp luật.
Đáp lại, tổ chức này từ bỏ chính sách phi bạo lực và Mandela đã giúp tổ chức cánh quân sự Umkhonto we Sizwe (Ngọn giáo của quốc gia) cho ANC. Ông được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy nhóm này và đi ra nước ngoài để huấn luyện quân sự và vận động hỗ trợ. Khi trở về, Mandela bị bắt và tuyên án năm năm tù giam.
Năm 1964, Mandela và những lãnh đạo khác của ANC bị kết tội phá hoại và âm mưu lật đổ chính phủ bằng bạo lực. Mandela đã sử dụng tòa án để chuyển tải niềm tin vào dân chủ, tự do và bình đẳng.
“Tôi đã ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do trong đó tất cả mọi người sống hòa thuận với những cơ hội bình đẳng. Đó là một lý tưởng tôi hy vọng có thể sống và đấu tranh vì nó. Song nếu cần thiết, đó cũng là một lý tưởng mà tôi sẵn sàng chết vì nó”, Mandela phát biểu trước tòa.
Với bản án chung thân, Mandela bị giam giữ tại nhà tù trên đảo Robben, ngoài khơi thành phố Cape Town và sau đó được chuyển đến nhà tù Pollsmoor trong đất liền. Trong những năm tháng tù ngục, ông đã trở thành biểu tượng quốc tế về phong trào phản kháng apartheid.
Năm 1990, trước những áp lực trong nước và quốc tế, chính quyền Nam Phi đã phóng thích Mandela, đồng thời rút bỏ lệnh cấm hoạt động với ANC (còn tiếp).
Sơn Duân
>> Thế giới tiếc thương ông Nelson Mandela
>> Những cột mốc quan trọng trong cuộc đời Nelson Mandela
>> Các nguyên thủ bày tỏ lòng thương tiếc ông Nelson Mandela
>> Ông Nelson Mandela từ trần ở tuổi 95
Bình luận (0)