Người Việt chạy đua mua ô tô tránh tháng 'cô hồn'

17/08/2015 05:03 GMT+7

Doanh số xe tháng 7 bất ngờ tăng trưởng mạnh mẽ, cao hơn 9% so với tháng 6 và tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái do người dân e ngại mua xe trong tháng 7 âm lịch.

Doanh số xe tháng 7 bất ngờ tăng trưởng mạnh mẽ, cao hơn 9% so với tháng 6 và tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái do người dân e ngại mua xe trong tháng 7 âm lịch.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất và láp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7 thị trường Việt tiêu thụ 20.349 xe, tăng 9% so với tháng 6 và tăng tới 61% nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng được dự đoán trước bởi sức mua bình quân từ đầu năm đến nay đều cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự bùng nổ doanh số của thị trường Việt 2015 nói chung và tháng 7 nói riêng chủ yếu đến từ nhu cầu xe cá nhân với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong phân khúc xe du lịch. Chỉ tính riêng tháng 7 đã có 11.647 xe du lịch được bán ra, tăng trưởng tới 19,2 % so với tháng 6 trong khi xe thương mại chỉ tăng 0,4% với 7.862 xe. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu của phân khúc xe du lịch bởi dịp cuối năm mới là thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh loại xe này “vào cầu” do nhu cầu mua sắm tăng mạnh.

Người VIệt đẩy mạnh mua xe trước tháng 7 âm lịch (hay còn gọi là tháng cô hồn)
Trong tháng 7, hai “chiến tuyến” xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập (CBU) lại tiếp tục cuộc chiến giành khách hàng và khối CBU vẫn tiếp tục dẫn trước về… đà tăng trưởng dù còn thua kém nhiều khi so doanh số. Cụ thể, có 15.013 xe CKD bán ra trong tháng 7, tăng trưởng 4% so với tháng trước trong khi xe CBU tăng 26%, đạt 5.336 xe. Đây có thể xem là nghịch lý khi thời điểm miễn thuế nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam năm 2018 đang tới gần. Tuy nhiên, sau những lùm xùm về thuế mới với xe nhập và các chính sách khác người tiêu dùng lại xem thời điểm này là tốt nhất để sở hữu một chiếc xe CBU.

Nguyên nhân khiến tháng 7 “bùng nổ” về doanh số xe hơi là do đây là bước đệm đầu tiên của năm để chuẩn bị cho bước nhảy mới. Khác với xe thương mại hay xe chuyên dụng các doanh nghiệp thường đầu tư mạnh sau dịp nghỉ tết để phục vụ cho cả năm thì xe du lịch hoàn toàn ngược lại. Với doanh số xe chiếm phần lớn thị phần, đà “ngụp lặn” của xe du lịch sẽ ảnh hưởng quyết định tới sự thăng trầm của doanh số bán hàng toàn ngành công nghiệp ô tô.

Thời điểm sau Tết Nguyên đán không bao giờ là mùa mua sắm của xe du lịch. Nó được ví như chặng dừng chân của chuyến tàu doanh số trong cả năm và tháng 6-7 chính là thời điểm vàng để “con tàu” này bắt khách cho chuyến hành trình mới. Sau mùa mua sắm dịp cuối năm ngoái thì những tháng đầu năm là lúc các “thượng đế” của các hãng xe làm việc để vung tiền mua chiếc xe yêu thích vào giữa hoặc cuối năm.

Xe nhập khẩu đang tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường Việt Nam

Lý do quan trọng nhất dẫn tới sự bùng nổ doanh số trong tháng 7 dương lịch chính là tâm lý e ngại tháng "cô hồn” (tháng 7 âm lịch) sắp đến. Theo truyền thống tại Việt Nam thì có rất nhiều yếu tố phải kiêng kị trong tháng này bao gồm cả việc mua sắm xe hơi. Với tâm lý “tránh voi chả xấu mặt nào” nên tháng 7 (âm lịch) thường có doanh số bán xe khá thấp so với các tháng còn lại. Chính vì vậy, những khách hàng có đủ tiền tậu xe sẽ không ngần ngại mua ngay trước tháng 7 (âm lịch) dẫn tới sự bùng nổ doanh số trong tháng này. 

Năm 2015 tiếp tục là một năm thành công của các hãng xe tại Việt Nam. Chỉ tính riêng doanh số cộng dồn 7 tháng đầu năm đã có 123.841 xe đến tay khách hàng tăng 59% với 71.779 xe du lịch. Cũng trong số này, xe CKD đạt 91.751 xe tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái và xe CBU tăng 67%, đạt 32.090 xe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.