Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy xuất hiện trên mạng xã hội một số hình ảnh kèm lời phê phán "trang phục đi chùa phản cảm". Tuy nhiên, nhiều người ghé thăm chùa rồi đi đây đi đó nên việc lựa chọn trang phục cũng cần được chú ý để phù hợp, tránh phản cảm.
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, trụ trì tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) cho hay, trong bối cảnh hiện nay, việc giao thoa văn hóa, nhất là văn hóa y phục mang nhiều sắc thái khác nhau. Những điều này ít nhiều tác động đến môi trường tâm linh, đặc biệt là hình ảnh mặc trang phục phản cảm đi chùa đôi lần xuất hiện trên mạng xã hội.
Thượng tọa Trí Chơn phân tích, ngày xưa người ta đi chùa là đi chùa, xong rồi về. Còn với điều kiện ngày nay, đi chùa xong, lịch trình mỗi người có thể ghé qua chúc tết, tham quan, du lịch, đi đâu đó nên có thể đã lựa chọn những bộ trang phục đẹp; tuy nhiên, khi đến môi trường tâm linh thì vô tình không phù hợp.
Trụ trì tu viện Khánh An cho rằng, trang phục đẹp nhất vẫn là trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam, đó là áo dài; nhưng không nhất thiết cứ đến chùa là phải mặc áo dài.
"Khi bước chân ra đường chúng ta nên giữ một phép lịch sự tối thiểu. Có những thời trang phù hợp cho nhạc hội, tiệc cưới, phù hợp cho sinh nhật thì mặc như vậy khi đi đến những nơi này. Nhưng những trang phục này mà mặc đến chùa thì có thể không phù hợp", thượng tọa nói.
Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cũng đưa ra lời khuyên, nếu đi chùa rồi chúng ta phải đi đến một nơi nào đó thì mọi người có thể khoác thêm chiếc áo choàng hay trang phục chống nắng như khi đi ngoài đường để đi chùa.
Trường hợp vì một lý do gì mà thiếu trang phục tôn nghiêm thì đến chùa, mỗi người cần lưu ý không bước vào chánh điện, không thực hiện các lễ nghi tôn giáo.
Thay vào đó, trụ trì tu viện Khánh An hướng dẫn, khi mặc trang phục thiếu tôn nghiêm, mọi người có thể đi dạo qua, đặt chân đi những bước chân nhẹ nhàng ở chốn thiền môn để cảm nhận sức sống tâm linh.
Tết Nguyên đán: Đi chùa ngày tết nên mặc gì?
"Mình có thể đứng một cách tôn nghiêm hướng về Đức Phật, khép đôi mắt lại, thở vào con biết con đang thở vào, thở ra con biết con đang thở ra, con biết được rằng con đang có mặt Đức Phật và con biết được rằng Đức Phật cũng đang có mặt cho con. Đứng ngay dưới thềm, hướng về Đức Phật và khép đôi mắt lại, ngay nơi đó Đức Phật có mặt cho mình rồi", thượng tọa chia sẻ.
Sau cùng, thầy Trí Chơn nhìn nhận, nếu chúng ta thực hiện những lễ nghi cầu cúng trong trang phục không phù hợp đôi khi rất phản cảm mà ý nghĩa không cao. Nếu vì bất khả kháng trang phục, chúng ta có thể đứng ngay ngoài sân hướng về Phật, chắp tay trang nghiêm để thẳng tay khép đôi mắt lại tưởng nhớ Phật, vậy cũng là đi chùa với lòng thành tâm.
Đi chùa ngày tết có đặc biệt hơn ngày thường?
Theo thượng tọa Trí Chơn, nhiều người coi trọng việc đi chùa ngày tết hơn ngày thường là do tâm lý. Sư thầy cho rằng, ngày đầu tiên của năm mới, mọi người hy vọng đi chùa để cả một năm đó mình được Đức Phật hộ trì bình an, sức khỏe, cầu cho cả một năm đó.
Còn ngày thường đi chùa, nhiều người có tâm lý thấy đã "quá bình thường", hai nữa là tự cảm nhận rằng bản thân đã được Đức Phật gia hộ từ ngày đầu năm mình nên tâm lý nó không còn sâu sắc, bản thân không còn thấy có ý nghĩa như ngày tết.
"Tôi đồng ý với quan niệm ngày tết là thời khắc thiêng liêng để mình đi chùa, cầu mọi điều tốt đẹp cho một năm mình bình an sung túc. Nhưng trong tất cả những điều mới thì làm mới với chính mình mới là cái làm mới tốt nhất. Vì vậy, ngày tết, chúng ta đi chùa để có cơ hội nhìn lại chính mình, dùng lời dạy của Đức Phật để hoàn thiện tư cách đạo đức và lý sống của mình cho mới", trụ trì tu viện Khánh An chia sẻ.
Theo thượng tọa, nếu đi chùa với tâm lý như trên thì ngày tết, ngày rằm, mùng 1, chủ nhật đi chùa, những lúc khó khăn, thuận lợi chúng ta đều có thể cảm nhận ngôi chùa như ngôi nhà tâm linh, là chỗ đi về cho mình mình thì mỗi người có thể cảm nhận đến chùa dù là dịp nào cũng đều thấy có giá trị như nhau.
"Về mặt tâm lý mình nghĩ đi chùa ngày tết thì được Đức Phật phù hộ cả năm xuất phát từ những phân tích trên. Đó là sự khác nhau từ tâm lý, còn về mặt đức tin thì bản thân nếu đã tin vào Đức Phật thì Đức Phật sẽ có mặt cho mình và mình sống theo lời dạy của Đức Phật thì mình được hoàn thiện, những gì mong muốn mà Đức Phật đã chỉ để có con đường nhân quả", thượng tọa nói.
Bình luận (0)