Lý do mà Dehmer đưa ra, là vì đồng nghiệp của chị theo đuổi cuộc phỏng vấn này hơn 6 tháng mà chưa được. “Nhưng biết đâu ông ấy lại chấp nhận, bởi anh và ông ấy là đồng hương!”, Dehmer cười lớn.
Ẩm thực Việt tại Bonn
Hầu như người Đức nào cũng biết ông Bộ trưởng Y tế đương nhiệm của đất nước 82 triệu dân này là người Đức gốc Việt. Ở Đức, vấn đề chủng tộc được nhìn nhận là đã cởi mở hơn rất nhiều. Theo giáo sư Wilfried Lulei, Phó chủ tịch Hội Đức - Việt, cộng đồng người Việt ở Đức hòa nhập rất tốt vào xã hội nước này, làm kinh tế giỏi và nổi tiếng vì có con học hành luôn đứng đầu lớp. Thậm chí, có trường hợp đặc biệt, lớp học có 5 học sinh gốc Việt thì cả 5 đều xếp vị trí cao nhất.
Giáo sư Lulei giảng dạy bộ môn Việt Nam học, thuộc khoa Đông Nam Á của ĐH Hamburg, hiện đã nghỉ hưu, nói tiếng Việt khá thành thạo vì từng theo học tiếng Việt ở Hà Nội những năm 1964 - 1965 và đã làm việc cho Hội Đức - Việt 20 năm. Có thể nói, ông là người Đức gần gũi với cộng đồng người Việt ở Đức nhất. Và ông hiểu họ. Hiện ở Đức có hơn 10.000 người Đức gốc Việt, phần lớn sống ở khu vực miền đông Berlin, nơi có khu chợ người Việt được biết tới rất nhiều: chợ Đồng Xuân. Tuy nhiên, ở Đức, không khó để tìm được nhà hàng Việt Nam và thưởng thức phở, gỏi cuốn hay rau muống ở những thành phố lớn khác.
Ở Đức, các nhà hàng thường từ chối thanh toán bằng USD. Hôm dạo phố mua quà lưu niệm, do chưa kịp đổi tiền vì trời đã tối, các ngân hàng đều đóng cửa và rất khó tìm được các quầy đổi ngoại tệ, tôi đánh liều vào ăn ở nhà hàng Thái đối diện khách sạn Hilton để có thể nhận trả bằng đồng euro. Nhưng cô quản lý tuổi ngoài 50 từ chối, lát sau thấy tôi có vẻ “tha thiết” được ăn quá đành điện thoại hỏi ông chủ, nhưng bằng tiếng Việt. Quá mừng, vì gặp được đồng hương lúc khó khăn, tôi bắt đầu nói tiếng Việt. Thế là khi trả bằng USDä, ông chủ người gốc TP.HCM này đã tính hóa đơn cho tôi bằng với tỷ giá euro, ngoài ra còn mời thêm một ly bia Đức cỡ lớn. |
Lan, bà chủ trẻ mới 30 tuổi của Miss Sai Gon, kể rằng hầu hết người phục vụ, đầu bếp của nhà hàng đều là đồng hương. Nhưng thực khách thì hơn 90% là người nước ngoài, vì người Việt ít khi đến nhà hàng. Rời Việt Nam từ nhỏ, theo diện con nuôi của một đôi vợ chồng người Đức, nhưng Lan vẫn có thể nói tiếng Việt nhuần nhuyễn. “Đó là nhờ năm nào tôi cũng về TP.HCM thăm ba mẹ ruột, mua sắm đồ đạc để mang về bên này”, Lan nói rồi chỉ vào những tranh ảnh, đồ dùng trong nhà hàng. Lan tự hào khoe, để mở được nhà hàng ở vị trí tốt như Miss Sai Gon, cô không hề dựa dẫm vào ba mẹ, mà tích cóp tiền bạc, kinh nghiệm từ những công việc nhỏ nhất.
Cách Miss Sai Gon khoảng 1 km cũng có một nhà hàng Việt Nam - nhà hàng May May. Nằm cạnh trường Đại học Bonn, May May khiêm tốn hơn về diện tích nhưng đặc biệt hơn Miss Sai Gon vì chỉ bán thức ăn Việt, từ chả giò, bò bía cho đến phở… Chủ quán là chị Hà, người Hà Nội, nên quán toàn hương vị Bắc. Ở một nơi xa xôi tận trời Tây, dừng chân ở quán, kêu món ăn bằng tiếng Việt, được trò chuyện với những người đồng hương, nhấm từng cọng rau luộc, ăn miếng đậu hũ trắng mà nghe lòng thảnh thơi, đỡ nhớ nhà.
Chợ Đồng Xuân ở Berlin
Người Việt ở Berlin là một cộng đồng đông đúc. Không chỉ ở khu chợ Đồng Xuân, nơi được xem là một Việt Nam thu nhỏ, mà ngay tại trung tâm Berlin cũng không khó để tìm được nhà hàng Việt. Trên đường Kurfurten, những người Việt xa quê có thể đến nhà hàng Lieu in Berlin để ăn phở, mì gói, cá kho tộ, canh mùng tơi… Chủ quán, người Hà Nội, nói có thể gọi tên anh là gì cũng được, có thể là Liệu, là Liêu hay Liễu, miễn sao đừâng nhầm tưởng anh là người châu Á khác. Nhà hàng này luôn đông khách vào những buổi chiều hắt bóng, nắng đổ qua dãy phố uy nghiêm. Những đôi vợ chồng bản xứ dắt tay vào quán, gọi món ăn và cầm đũa thành thục như người Việt. Cách nhà hàng này không xa là tiệm tạp hóa cỡ lớn của anh Tuấn. Từ một người bươn chải làm thuê nơi xứ người, anh Tuấn giờ còn là chủ một tiệm nail bề thế ở Berlin.
|
Để có hàng hóa và rau cải, hằng tuần anh Tuấn, anh Liêu đều ngược về hướng đông - chợ Đồng Xuân để mua cả xe tải chở về. Chợ Đồng Xuân, hay còn gọi là Đồng Xuân Center, nằm ở quận Lichtenberg có khoảng 4.000 người Việt sinh sống, từ lâu đã trở thành địa chỉ mua sắm và gặp gỡ trò chuyện của cộng đồng người Việt không chỉ ở Đức. Với diện tích hơn 40.000m2 và 4 dãy nhà cho thuê làm cửa hàng buôn bán, ngoài người Việt, chợ Đồng Xuân còn có cộng đồng người Hoa, người Ấn, người Thổ Nhĩ Kỳ… Hàng hóa ở đây thì đủ loại, từ quần áo, dày dép cho tới rau cải, chè, quán ăn Việt Nam, cửa hàng xăm mình cho đến gội đầu, cắt tóc. Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ một cửa hàng bán băng đĩa nhạc, sách báo, tạp chí tiếng Việt, khi biết tôi là phóng viên của Báo Thanh Niên đã vui vẻ kể: “Báo Thanh Niên được chuyển qua đều đặn hằng tuần vào thứ tư. Mặc dù tin tức đã cũ, nhưng bà con vẫn khoái đọc. Bà con chỉ mong sao được cầm Báo Thanh Niên nóng hổi mỗi ngày”, chị Hạnh nói.
Giáo sư Wilfried Lulei cho biết đời sống người Việt ở Đức rất ổn định. Họ phát triển mà không cần sự giúp đỡ của chính phủ. Bằng giọng Hà Nội, ông nói: “Học sinh gốc Việt học giỏi nổi tiếng. Ở Berlin, người ta luôn nói sinh viên Việt Nam học giỏi hơn sinh viên Đức. Tuy nhiên, các cháu lại không biết nhiều về Việt Nam. Các cháu hầu hết nói được tiếng Việt nhưng lại không biết đọc, viết tiếng Việt, cho nên rất khó có thể tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam”.
Giáo sư Lulei cho rằng trong nội bộ gia đình người Việt ở Đức thực tế tồn tại một số mâu thuẫn. Chẳng hạn như bố mẹ nói tiếng Việt, nhưng con lại trả lời bằng tiếng Đức. Bố mẹ rất muốn con cái hiểu biết hơn về Việt Nam, nhưng họ lại không có nhiều thời gian dành cho con. “Nhiều bậc bố mẹ bỏ ra hơn 12 tiếng trong ngày để làm việc mong kiếm được nhiều tiền. Bù lại, họ đặc biệt quan tâm đến chuyện học của con và luôn thúc giục con học giỏi, đứng đầu lớp. Bố mẹ người Đức muốn con học hành bình thường là tốt rồi, nhưng bố mẹ người Việt lại muốn con trở thành số 1 trong lớp. Đó cũng là lý do các cháu không có nhiều thời gian cho việc tìm hiểu cuộc sống nguồn cội”, giáo sư Lulei phân tích.
N.Trần Tâm
Bình luận (0)