Chấp nhận tốn thêm ít tiền để con học bơi
Với tư cách một phụ huynh học sinh, chị Trần Thị Thụy Khanh (đường Dương Bá Trạc, Q.8, TP.HCM) nhận định: "Bơi là một môn thể thao giúp các em nâng cao thể chất như cao lớn hơn, khỏe mạnh hơn. Bên cạnh đó, học bơi cũng sẽ giúp trí não thoải mái và tâm hồn thêm nhẹ nhàng, phong phú từ đó trẻ sẽ say mê học thêm những điều bổ ích khác trong trường". Chị Thụy Khanh còn chia sẻ: "Tôi được biết Sở GD-ĐT TP.HCM đã phổ cập bơi nhưng thực hiện hay không thì còn tùy điều kiện của từng trường. Vì vậy, để bảo vệ con mình, từ nhiều năm qua tôi thường xuyên khuyến khích con tham gia môn thể thao này". Đồng tình với quan điểm trên, anh Hải Thanh (Q.11) còn thẳng thắn: "Đợi trường tổ chức thì còn lâu con mình mới được học".
|
Từ những thông tin học sinh chưa biết bảo vệ mình khi gặp nạn dưới nước, nhiều phụ huynh cho rằng nên có sự bắt buộc với môn học này. Chẳng hạn ông Trường Khang - phụ huynh học sinh trường THCS Lê Lợi (Q.3, TP.HCM) cho rằng: "Nên chăng nhà nước cần quy định học sinh lớp 9 phải có chứng chỉ bơi. Trường nào khó vì không có hồ bơi, không có giáo viên hướng dẫn thì tổ chức học bơi ở hồ bơi của quận. Theo tôi, mỗi học sinh chỉ mất 10 - 12 buổi học là có thể bơi được nên không nhất thiết phải phó mặc cho nhà trường. Bản thân phụ huynh nên chủ động cho con mình đi học. Tuy nhiên, rất cần nhà trường đứng ra làm vai trò đầu tàu liên kết với hồ bơi để xem xét giá học phí phù hợp".
Đang lo lắng vì con học lớp 11 nhưng chưa biết bơi, anh Phú Hòa - phụ huynh học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình, TP.HCM) hào hứng: "Cháu chỉ đá bóng hoặc chơi bóng rổ nên nếu nhà trường có tổ chức cho học sinh học bơi thì tốn thêm ít tiền chúng tôi cũng chấp nhận. Phải bắt buộc học sinh biết bơi và cấp chứng chỉ đàng hoàng. Có học mới có sức khỏe, mới học tập và làm việc tốt".
Xây dựng nhiều khung học phí khác nhau
Trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó chủ nhiệm CLB Bơi lặn Nguyễn Tri Phương TP.HCM, phụ trách công tác đào tạo và giảng dạy chuyên môn, ông cho biết: "Với mục tiêu xóa mù bơi trong trường học nên thu học phí phải phù hợp. Đơn vị dạy bơi thường lấy phí các trường từ 5.000 - 6.000 đồng/học sinh/tiết. Lớp học chỉ mang đến cho học sinh những khái niệm căn bản về bơi lội và cảm giác an toàn kỹ năng sống. Còn học sinh đó muốn bơi thành thạo, bơi được nhiều kiểu phải trải qua quá trình tự rèn luyện lâu dài. Những lớp bơi ở các trường cũng là cơ hội để chúng tôi tìm kiếm những hạt nhân cho bơi lội VN". Theo ông Khanh, một lớp học bơi được gọi là an toàn sẽ có số lượng dưới 30 học sinh với sự hướng dẫn của 1 HLV. Số lượng này đủ để HLV đảm bảo công tác cứu hộ, quản lý và giảng dạy. Trong thời gian từ 8 - 12 buổi với thời gian tập khoảng 1 giờ/buổi thì tỷ lệ biết bơi khoảng 70%.
Ông Khanh chia sẻ: Các đơn vị bơi lặn nên xây dựng nhiều khung học phí khác nhau: bơi tự chọn, bơi theo chương trình của trường, có chế độ miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, mồ côi, gia đình khó khăn". Trao đổi về việc bố trí lịch học để không quá tải, ông Khanh cũng cho biết có một số trường THCS hay phân thời khóa biểu dạy bơi vào một học kỳ (HK) trải đều từng năm. Ví dụ tại HK1 lớp 6 học sinh học bơi căn bản. HK1 lớp 7 thì phân loại trình độ bơi, hoàn thiện các động tác, kiểu bơi căn bản. HK1 lớp 8 chuyển sang bơi kiểu trườn sấp (sải). HK1 lớp 9 thì hoàn thiện kỹ năng bơi trườn sấp trên. Như vậy, sau thời gian học THCS, học sinh đều có thể bơi được.
Ngăn ngừa tình trạng trẻ “chết chùm” Bà Phạm Thị Thúy An - thuộc Tổ chức Save the Children Việt Nam, phụ trách dự án "Hỗ trợ ngành giáo dục chuẩn bị kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai trong trường học" tại tỉnh Tiền Giang cho hay: Từ năm 2008 đến nay, nhiều hồ bơi "dã chiến" đã xuất hiện ở một số huyện tỉnh Tiền Giang. Hồ được thiết kế từ việc ngăn những đoạn kênh rạch trong dân để hướng dẫn, dạy bơi chống đuối nước cho học sinh. Chị An chia sẻ kinh nghiệm: "Cha mẹ thường không dạy bơi được cho con vì xót con. Vì vậy chúng tôi không chỉ tập huấn cho trẻ, giáo viên mà cả phụ huynh về nguy cơ đuối nước. Cũng cần lưu ý, trẻ học bơi theo nhóm vừa át đi sự nhát nước vừa có môi trường tranh đua với nhau nên thường tiến bộ nhanh hơn".
Chị Thúy An cho biết thêm: Trước đây dự án chỉ tập huấn cho trẻ biết bơi để tự cứu mình nếu lỡ bị rơi xuống nước. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, thực trạng trẻ "chết chùm" do không biết bơi nhưng lại nhảy bừa xuống cứu bạn xảy ra khá phổ biến. Do đó, Save the Children Việt Nam phối hợp với Sở GD-ĐT Tiền Giang lên kế hoạch lồng ghép dạy trẻ kỹ năng bơi lội và cứu đuối vào tháng 7 tới. Chị An nhấn mạnh: "Ngành giáo dục và phụ huynh nên thường xuyên nhắc nhở học sinh phải biết tự lượng sức mình, nếu thấy không thể cứu được bạn thì gọi người lớn, lấy cây dài hoặc sợi dây vứt cho bạn nắm rồi kéo vào. Cứu bạn để rồi chết chùm do không đủ sức hoặc không có kỹ năng thì đó thực sự không phải là hành động dũng cảm. Và những cái chết như thế cũng không nên được tuyên dương". Như Lịch |
Bích Thanh - Phi Loan - Tuyết Vân
Bình luận (0)