Người Việt tại Li-băng: Tiền đâu để về?

28/07/2006 00:13 GMT+7

>> Đưa 3 lao động nữ ra khỏi vùng nguy hiểm >> Chat với người đăng ký về nước đầu tiên Lúc 11h (26/7), tức 7h sáng tại Li-băng, từ thủ đô Beirut, anh Hoàng Mạnh Hà điện về cho biết, đã cập nhật danh sách 150 lao động VN, tăng hơn 50 người so với số liệu ban đầu trao cho đại diện Tổ chức Di cư quốc tế - IOM.

Tuy nhiên, theo danh sách mới nhất đến rạng sáng 27/7 giờ VN, chỉ mới có 62 người đăng ký trở về nước đợt đầu, trong đó có 5 người không còn hộ chiếu (đính kèm danh sách). Suốt 24 giờ qua, bà con đã tập họp đầy đủ tại Beirut chờ gặp cán bộ ĐSQ VN từ Ai Cập sang. Ai cũng sốt ruột nhưng theo kế hoạch, sau khi làm việc tại Syria, ông Tham tán Trần Việt Tú mới đến Beirut để có cuộc gặp đầu tiên vào đầu buổi chiều 27/7, tức 18 giờ tối cùng ngày tính theo giờ VN.

Từ những phát biểu chưa thật rõ...

Theo ông Houver Vincent, Trưởng điều hành Văn phòng tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Li-băng, đến chiều 26/7 đã có 200 người Việt đăng ký trở về. Còn theo ĐSQ VN tại Ai Cập, con số này là 148. So sánh, chúng tôi thấy con số của ĐSQ là sát đúng với danh sách tại đầu mối do anh Hoàng Mạnh Hà vừa cập nhật. Có thể có sự nhầm lẫn nào đó từ các nguồn thông tin? Còn một sự khác nhau căn bản trong các phát ngôn của IOM. Ông Huover Vincent nói IOM sẽ lo chi phí cho người VN di tản, lộ trình từ Beirut sang Syria, đoạn từ Syria về đến VN sẽ do Chính phủ VN lo liệu.

Ngược lại, trả lời báo chí trong và ngoài nước, ông Nguyễn Quốc Nam, cố vấn cao cấp của IOM tại VN cho biết, ngay sau khi các công việc chuẩn bị được hoàn tất, IOM sẽ đưa người Việt sang Damascus, thủ đô của Syria. Từ đây, những ai có nhu cầu về VN sẽ được IOM bố trí đưa về bằng đường hàng không hoặc đường biển. Người Việt cũng có thể tạm thời ở lại Syria chờ kết thúc chiến sự để trở lại Li-băng. Mọi chi phí về ăn ở, đi lại trong quá trình sơ tán sẽ do IOM hỗ trợ. Những thông tin chưa thật rõ ràng này về việc ai sẽ chịu chi phí từ Syria về đến VN là một trong những yếu tố đang gây nên không ít băn khoăn trong việc đăng ký trở về của lao động VN.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại và internet, có người nói: nếu muốn về tới VN mà phải trả tiền vé máy bay thì "đâu có đồng nào để trả, về nước mà thành người mắc nợ thì đau quá", còn tới Syria làm người tị nạn thì "Tui thà chết tại nhà chủ ở Li-băng còn hơn". Trong ngày hôm qua, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với những người có trách nhiệm để làm rõ điều này nhưng bất thành. Với những người đã đăng ký trở về đợt 1, chúng tôi đã động viên họ: "Chính phủ đang rất quan tâm. Đồng bào trong nước cũng vậy. Nếu có khó khăn gì, chắc chắn sẽ có sự chia sẻ".

...Đến những khó khăn của người trong cuộc

So với 150 người vừa được đầu mối duy nhất tại Li-băng cập nhật thì 62 người đang nôn nóng trở về chiếm hơn 1/3, gần 2/3 còn lại có những lý do: một số đã theo nhà chủ di tản, không liên lạc được; số còn lại dù rất muốn về nhưng lại mắc mứu chuyện tiền nong khi chưa hoàn tất hợp đồng lao động, bị nhà chủ nợ tiền lương, hộ chiếu hoặc cá biệt có người lại nợ tiền ứng trước của chủ nhà. Cũng không ít người chưa đăng ký về do cảm thấy đang an toàn. Họ hy vọng vùng chiến sự sẽ không mở rộng và nếu trở về sẽ mất hết tài sản hữu hình lẫn vô hình đã gầy dựng nhiều năm.

Ngược lại, khi về VN họ sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, biết lấy gì giúp đỡ gia đình, nuôi con ăn học như lâu nay? Cũng có người đặt câu hỏi: liệu sau khi Li-băng yên ổn, chính phủ có cho phép họ quay lại nơi vốn có nhiều rủi ro? Cũng có một vài trường hợp như chồng đã qua đời, đã ly hôn... nên quyết không về. Họ cùng nhà chủ "bám trụ" khi đã là "một phần không thể thiếu" trong gia đình Li-băng. Anh Hoàng Mạnh Hà nhận định: "Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Việc ở hay về do chính họ định đoạt. Riêng tôi, bom đạn ngày càng nhiều, phải đưa cả gia đình về thôi". Anh Bùi Văn Dũng, đầu mối liên lạc hiện nay với IOM và ĐSQ VN tại Ai Cập cũng có tên trong danh sách 62 người. Trước đó, vợ anh sau khi sinh con gái, đã trở về VN.

Còn một lý do nhưng ít thấy ai đề cập: liệu đường về có thật sự an toàn khi đoạn từ Li-băng đến Syria, theo anh Hoàng Mạnh Hà, không còn nguyên vẹn và thỉnh thoảng bị đánh bom?

Đ.N.K

"Chat" với người đầu tiên đăng ký về nước

Người đó là chị Đặng Thị Hiền, quê Hà Tĩnh, sang Li-băng hồi tháng 8/2000. Chị nối mạng với chúng tôi vào chiều tối 26/7 từ tiệm internet công cộng tại Beirut.

*Chào Hiền, tình hình bên đó thế nào?

- Bom đạn thì hôm nay thấy đỡ. Hôm qua đánh đến 7 lần, em sợ vô cùng. Em đã thấy người chết và bị thương...

*Có thấy máy bay thả bom? Em có phải xuống hầm?

- Mấy ngày đầu,


Đặng Thị Hiền

máy bay bay qua nhà em ở để thả bom. Chủ nhà sợ quá nên gửi em cho người thân rồi đi ra nước ngoài rồi. Họ cũng muốn mang em theo nhưng do em không có hộ chiếu nước đó nên đành chịu.

*Em có đăng ký về đợt này?

- Em là người đầu tiên. Em cũng muốn làm việc để có thêm tiền gửi về nuôi 2 con ăn học nhưng bây giờ như thế này thì phải về thôi.

*Em có điện về gia đình ở VN?

- Có, nhưng điện thoại bên đây mất kết nối. Em có chat với con của em, chúng khóc, em cũng khóc!

*Cần bình tĩnh, ngày xưa bom B52 dội trên đầu...

- Lúc đó em chưa sinh nên không biết. Giờ em sợ lắm ! Hai tuần nay không ngủ được. Vừa rồi nhà báo mình bên Pháp điện cho em, em cũng khóc rất nhiều.

*Bên đó, mỗi tháng lương em lĩnh bao nhiêu?

- Cũng ít, chỉ 150 USD. Hơn VN mình tí thôi. Nếu như lần này Nhà nước không giúp thì bọn em lấy tiền đâu mà về.

*Tối nay, em có về lại nhà ở gần sân bay?

- Không! Không còn ai dám ở đó. Em đã chuyển tới vùng dân nghèo Beirut, chờ ĐSQ mình qua là về.

*Mong ước của em lúc này?

- Em chỉ mong Nhà nước cũng như các ban ngành đoàn thể giúp chúng em được về với gia đình càng nhanh càng tốt.

...Điện trong tiệm internet ở Li-băng chập chờn, vụt tắt. Trước đó, tôi đã kịp lưu lại gương mặt với đôi mắt quầng thâm của Hiền.

Đ.N.K (thực hiện)

Tin giờ chót: Đã đưa được 3 lao động nữ ra khỏi vùng nguy hiểm 

Sau khi đưa chị Lê Thị Xoa từ vùng biên giới Israel - Li-băng về Beirut, ngày hôm qua, nhóm các anh Hoàng Mạnh Hà và Bùi Văn Dũng đã lên núi đưa các chị Đỗ Thị Lan, Hoàng Thị Tuyết và chị Đinh Thị Phương từ vùng chiến sự về Beirut an toàn.

Lúc 16h40 chiều 27/7 (giờ VN), Đại sứ Lê Tiến Ba cũng đã điện đàm với đại diện người lao động tại Li-băng hầu chuẩn bị các bước cần thiết để đưa bà con đến Syria trước khi về VN. Theo mô tả qua điện thoại trực tuyến, hiện nay đã có rất đông người VN tập trung về Beirut, hầu hết suy sụp tinh thần, sức khỏe suy giảm, cạn kiệt tài chính. Do ngân hàng đóng cửa, giá cả lại tăng gấp 20 - 30 lần nên nhóm các anh Hoàng Mạnh Hà, Bùi Văn Dũng phải bán dần đồ đạc để đùm bọc bà con. "Đêm qua, nhiều người bưng bát cơm mà nước mắt chảy dài. Họ đã quá mòn mỏi, anh ơi!". Hoàng Mạnh Hà nói với chúng tôi và gửi ngay hai tấm ảnh mới nhất do CTV Hoàng Trung chụp bằng điện thoại di động. (Đ.N.K)

Danh sách người VN chính thức đăng ký trở về tính đến 27/7/2006

1/ Hoàng Minh Trung; 2/ Bùi Văn Dũng; 3/ Đặng Công Tráng; 4/ Đặng Quang Huy; 5/ Đặng Huyền Nga; 6/ Trần Thị Thu Hiền; 7/ Lê Thị Thu Thanh; 8/ Lê Thị Xoa; 9/ Trương Thị Cúc; 10/ Khúc Thị Nhạn; 11/ Đinh Thị Mơ; 12/ Mạnh Thị Nguyệt; 13/ Nguyễn Thị Thỉnh; 14/ Nguyễn Thị Hồng Lê; 15/ Đỗ Thị Lan; 16/ Hồ Thị Hương; 17/ Nguyễn Thị Tố Uyên; 18/ Nguyễn Tiến Hiệu; 19/ Nguyễn Thị Tiến; 20/ Trần Thị Thu Hương; 21/ Nguyễn Thị Vinh; 22/ Đặng Thị Loan; 23/ Trần Thị Luyến; 24/ Lương Thị Trinh; 25/ Trần Thị Ánh; 26/ Trần Thị Hoàn; 27/ Lê Thị Vân Anh; 28/ Lê Thị Nga Quỳnh; 29/ Lê Thị Lương; 30/ Võ Thị Lý; 31/ Đậu Thị Hoa; 32/ Đặng Thị Hiền; 33/ Phạm Thị Thu Hương; 34/ Nguyễn Thị Vân; 35/ Lê Thị Lý; 36/ Võ Thị Loan; 37/ Trần Thị Tuyến; 38/ Trần Thị Kiểm; 39/ Phạm Thị Tỉu; 40/ Nguyễn Thị Thư; 41/ Đinh Thị Bình; 42/ Tống Thị Chuyên ; 43/ Tống Thị Dung; 44/ Tống Thị Thoa; 45/ Đặng Thị Dung; 46/ Lê Thị Yến; 47/ Phạm Thị Hương; 48/ Phạm Thị Hoài; 49/ Lê Thị Yến; 50/ Lê Thị Thơm; 51/ Nguyễn Thị Tuyết; 52/ Vũ Thị Thủy; 53/ Nguyễn Thị Quyết; 54/ Nguyễn Thị Mùi; 55/ Nguyễn Thị Nguyệt; 56/ Hoàng Thị Thu Hường; 57/ Phạm Thị Minh Tâm; 58/ Hồ Thị Hạnh; 59/ Nguyễn Thị Tuyết  ;60/ Lê Thị Lợi; 61/ Trần Thị Thu Hương; 62/ Hoàng Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.