|
Tự ái dân tộc
50 năm học tập và sinh sống tại Pháp, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Trường Kinh tế Paris (Paris School of Economics), là phó tổng biên tập nhiều tạp chí kinh tế nổi tiếng, GS Cường tham dự nhiều hội thảo về kinh tế thế giới. Khi tham dự những hội thảo quốc tế, GS Cường thấm thía 'tự ái dân tộc'. Rất nhiều chuyên gia Trung Quốc và Nhật Bản tham dự hội thảo, trong khi đại diện của VN chỉ có một mình GS. Ông nói: “Người VN mình đâu có ngu dốt so với các nước khác. Tại sao lại rất ít chuyên gia đi tham dự các hội thảo kinh tế thế giới như vậy? Tôi thấy rất buồn”.
Năm 2006, GS Cường hướng dẫn một số du học sinh tại Pháp. Số người thành công, bảo vệ được luận án tiến sĩ kinh tế với ông rất ít. Có nhiều du học sinh thất bại, trở về nước mà không được cấp bằng. Lại có những người làm luận án tiến sĩ mà mất tới 5 - 7 năm. Rất đáng tiếc.
Nhiều lần trở về VN, GS Cường thấy sinh viên (SV) rất ham học. Xem xét các giáo trình, chương trình giảng dạy kinh tế, GS Cường nhận thấy những chương trình đào tạo kinh tế ở VN không được cập nhật kiến thức mới, thấp hơn chương trình nước ngoài rất nhiều. Các giảng viên cũng vì áp lực “cơm áo gạo tiền” nên khó tận lực. Do đó, khi ra nước ngoài, du học sinh VN vẫn phải phấn đấu rất vất vả.
Trăn trở tìm giải pháp, GS Cường bàn với học trò của mình là PGS Nguyễn Mạnh Hùng (Trường ĐH Kinh tế Toulouse, Pháp) lập một khóa đào tạo ngắn hạn tại VN, quy tụ nhiều tiến sĩ là học trò, đồng nghiệp của GS Cường để giảng dạy về toán, kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, kinh tế lượng… cho những SV có ý định du học. Khóa đào tạo này mang tên “Pre-Master” (tiền thạc sĩ). Năm 2010, để có thể giúp đỡ nhiều hơn cho những SV du học, GS Cường thành lập Trung tâm nghiên cứu kinh tế, quản trị và môi trường VN, hợp tác với những trường ĐH kinh tế trong nước, đưa SV khá giỏi đi du học.
Những SV tham dự khóa đào tạo này, nếu đạt điểm yêu cầu (khá cao) thì đích thân GS Cường sẽ viết thư giới thiệu để các em xin học bổng tại các trường kinh tế danh tiếng tại Pháp, Ý, Canada, Mỹ, Thụy Điển, Úc… Hiện nay, GS Cường đã viết thư giới thiệu cho hơn 30 SV xin học bổng và thành công.
Tin ở người trẻ
Dù đạt được những thành công bước đầu, có những học trò VN trở thành tiến sĩ, phó giáo sư ở các trường kinh tế nổi tiếng tại Pháp và trên thế giới, nhưng GS Cường vẫn cho rằng những việc mình đang làm chỉ là “vá víu”. GS Cường đang ấp ủ một chương trình đào tạo bài bản hơn, dành cho các SV từ năm thứ 2 ĐH, để làm sao khi kết thúc chương trình ĐH tại VN, các em có thể du học ngay. Như thế, vừa đỡ tốn thời gian cho các em, vừa góp phần nâng cao chương trình đào tạo kinh tế tại VN.
Theo GS Cường, người trẻ là tương lai của VN, là động lực phát triển của VN. Và chúng ta có trách nhiệm đào tạo tốt cho tương lai ấy. Tiềm năng, động lực của người trẻ VN đã có sẵn. Những gì cần làm chỉ là khơi dậy và làm bùng phát tiềm năng đó. Có người sợ rằng, du học sinh VN sẽ không trở về sau khi thành công ở nước ngoài. Nhưng đối với GS Cường, điều đó không thành vấn đề. “Các em ở lại, sẽ tiếp thu thêm kiến thức, và chắc chắn đến lúc nào đó, lá sẽ rụng về cội”, GS Cường khẳng định. Ông cũng tin rằng, người trẻ sẽ làm cho đất nước tốt lên, giàu mạnh lên. Cùng với hàng trăm người VN đang làm việc, nghiên cứu và thành công ở mức độ cao tại nước ngoài, VN sẽ có thêm những nguồn lực để phát triển đất nước bền vững trong tương lai.
Với GS Cường, ông nhận thấy mình phải có trách nhiệm với người trẻ khi đã có một chút thành công tại nước ngoài, và chính giới trẻ là động lực lớn nhất, giúp một “ông già gần 70” như ông vẫn làm việc hăng say.
Chân Luận
>> Du học sinh quốc tế chuyển sang châu Á
>> Vận động gỡ lệnh cấm nhập cư vào Úc đối với một du học sinh VN
>> “Ngôi nhà” chung của du học sinh tại Mỹ
Bình luận (0)