|
Đó là ông Dương Văn Ngộ - người nhận kỷ lục Người viết thư thuê lâu nhất VN do Trung tâm sách kỷ lục VN cấp năm 2009, đồng thời xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài như Toronto Star (Canada), Spiegel (Đức)...
Tôi gặp ông Ngộ vào một sáng đầu tháng 7 đầy nắng. Đã 82 tuổi, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Ông là người lớn tuổi nhất còn làm việc tại Bưu điện trung tâm TP.HCM. Ngay vị trí đẹp nhất bên trong bưu điện là nơi ông làm việc với tấm bảng: Nơi chỉ dẫn và viết giúp.
“Tôi sinh ở nhà bảo sanh cạnh ga xe lửa đi Mỹ Tho thời đó (nay là vòng xoay Phú Lâm, Q.6). Nơi đây ngày trước có cái chợ gọi là chợ Gạo, nơi trung chuyển lúa gạo từ đồng bằng sông Cửu Long về Sài Gòn bằng đường tàu hỏa. Trường tiểu học Phú Lâm là nơi tôi đặt chân vào lớp 1. Đó là ngôi trường đậm kiến trúc Pháp, xây rất đẹp. Hết tiểu học, ba tôi chuyển sang Thị Nghè sống và tôi ở đó đến giờ”, ông Ngộ nhớ lại.
Hơn 40 năm làm bưu tá, 20 năm viết thư thuê
Thời Pháp, dù gia đình không giàu có nhưng ông Ngộ vẫn được học hành đến nơi đến chốn. Năm 1942, ông thi đậu vào Trường Petrus Ký. “Chính quyền Pháp phải mượn Trường Trưng Vương bây giờ để dạy vì Trường Petrus Ký bị Nhật chiếm đóng”, ông Ngộ nói thêm. Được học chương trình Pháp từ nhỏ nên ông rất thông thạo tiếng Pháp.
Năm 1946, 16 tuổi, ông Ngộ làm bưu tá ở Bưu điện Thị Nghè. Bạn bè Pháp thấy ông nhỏ người, lại nhỏ tuổi nên đặt biệt danh Le petit caporal (ông cai nhỏ). Năm 18 tuổi, ông thi đậu vô Bưu điện Sài Gòn (nay là Bưu điện trung tâm TP.HCM) giữ chân thư ký. Năm 36 tuổi, ông được cử đi học tiếng Anh tại Trường Việt - Mỹ. Sẵn có vốn tiếng Pháp, ông học thêm tiếng Anh rất dễ dàng.
Cho đến khi về hưu năm 1990, ông Ngộ đã có hơn 40 năm làm trong ngành bưu điện. Ông gắn chặt đời mình với Bưu điện Sài Gòn, rành rọt từng góc nhỏ, nhớ như in năm hoàn tất công trình độc đáo của thành phố. “Ngày xưa bên trong bưu điện không có nhiều quạt máy như bây giờ nhưng vẫn rất mát do người Pháp thiết kế trần cao, thông thoáng, vào đã thấy dễ chịu”. Do nắm quá rõ về nơi mình từng làm việc suốt hơn 60 năm nên ngoài công việc viết thư thuê, ông Ngộ còn kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài mỗi khi có ai muốn tìm hiểu về Bưu điện trung tâm TP.HCM.
Về hưu lại còn khỏe, ông Ngộ mong được tiếp tục làm việc ở bưu điện. Ban giám đốc quý mến nên đồng ý cho ông được ngồi ngay bên trong bưu điện viết thư thuê - một dịch vụ mà đến nay chẳng còn người nào làm ở Sài Gòn. “Hồi trước cũng có năm bảy người làm nghề này ở bên ngoài bưu điện nhưng đều chết hết, giờ chỉ còn mình tôi thôi. Thành thử tôi là người cuối cùng”, ông Ngộ cười nói.
|
Hơn 20 năm làm nghề viết thư thuê, ông Ngộ luôn giữ nguyên tắc: chính xác, chuẩn mực, không thêm không bớt, viết đúng những gì khách yêu cầu và sau cùng là tuyệt đối giữ bí mật điều riêng tư của khách hàng. Ông am tường kỹ thuật viết đơn bằng tiếng Anh và Pháp, lối dùng từ sao cho thật đúng, dễ hiểu. Còn thư thì tùy theo thể loại: tình cảm, xã giao hay công việc mà lựa câu văn cho phù hợp.
Bên đống tập sách tài liệu ghi chép, từ điển Anh - Pháp, ông Ngộ như lọt thỏm trong không gian rộng lớn của Bưu điện trung tâm TP.HCM. Ông hiện diện ở nơi này như một nhân chứng sống của bưu điện TP. “Thành phố qua bao thăng trầm lịch sử, những tháng năm đạn bom, chiến tranh máu lửa rồi nay là hòa bình, kiến thiết vẫn không mất đi phong cách riêng. Đó là đặc trưng của vùng đất phương Nam, hào sảng, khí khái và trên hết là tình người”, ông Ngộ trầm ngâm nói.
Niềm vui tuổi già
Bao bức thư tình nhờ ông mà đôi trai gái đến với nhau dù cả hai sống cách xa hàng chục ngàn cây số. Ông tự nhận mình không bao giờ viết những bức thư than nghèo kể khổ để vòi xin tiền. Nhiều người nước ngoài, thậm chí cả người Pháp còn tranh luận với ông về tiếng mẹ đẻ, về văn phạm Pháp ngữ và ai cũng công nhận ông viết đúng. Nhiều năm trước, ông từng dịch thư của một phụ nữ Anh sang tiếng Việt gửi cho người thân ở Hà Nội. Xúc động trước tình cảm của người này, ông nhất định không nhận thù lao. Sau khi về nước, bà đã gửi cho ông một bức thư dài bày tỏ tình cảm với VN, với những người như ông. “Đó là thứ tôi không thể mua được bằng tiền”, ông Ngộ nói.
“Con cái thành đạt, đa phần đều là giáo viên nên tôi làm nghề này để tìm niềm vui tuổi già, không quá nặng chuyện cơm áo. Quanh đây những hàng cơm tôi thường ăn trưa đều quen thuộc. Có người còn không chịu lấy tiền, tôi giận không đến, mãi sau mới chịu nhận tượng trưng 10.000 đồng/đĩa. Họ bảo quý mến ông già hơn 80 tuổi mà còn làm việc vì cộng đồng. Điều đó làm tôi vui lắm. Cuộc đời này sống để làm gì nếu không phải là phụng sự gia đình và xã hội”.
Nhìn ông Ngộ ngày ngày gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng, lặng lẽ âm thầm làm việc mỗi tuần 5 ngày như bao người khác, tôi chợt thấy mắt mình cay cay.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)