(TNO) Thông tin trên được Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư chia sẻ trong buổi phát động chương trình "Tẩy giun cộng đồng 6116" vào ngày 14.6, tại TP.HCM.
|
Theo đó, để giúp người dân dễ dàng ghi nhớ lịch tẩy giun định kì, chương trình đề xuất 2 ngày tẩy giun trong năm là ngày 6.1 và ngày 1.6.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có từ 20-50% người Việt Nam tại các vùng khác nhau có thể bị nhiễm giun, trong đó đa phần là trẻ em, học sinh. Tỷ lệ nhiễm giun ở khu vực phía Nam là 10-50%, trong khi ở miền Bắc có nơi đến hơn 80%.
Với khoảng 20-40 triệu người dân nhiễm giun, Việt Nam hiện đang là nước có số người nhiễm giun đường ruột cao ở Châu Á. Trong đó ước tính hàng năm người dân Việt Nam tiêu tốn 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun.
Theo Tiến sĩ Dương, ai cũng có thể bị nhiễm giun, sán nếu chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh, ăn uống kém. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất vì trẻ em tiếp xúc nhiều với các yếu tố nguy cơ.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, tình trạng môi trường sống ô nhiễm cùng với kiến thức vệ sinh cá nhân còn hạn chế nên người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dễ trở thành đối tượng của các bệnh lý nguy hiểm do nhiễm giun lâu dài như thiếu máu, thiếu sắt, suy dinh dưỡng, còi xương...
Nghiêm trọng hơn, các triệu chứng, biến chứng do các bệnh giun gây nên có thể dẫn đến tử vong đối với những người có đề kháng yếu.
Tiến sĩ Dương khuyến cáo, người dân nên chú ý rửa rau kỹ; chọn mua rau ở các cửa hàng rau sạch, có kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng. Đồng thời mọi người nên tẩy giun định kỳ ít nhất 6 tháng/lần.
Nguyên Mi
>> Tẩy giun - Cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường
>> Mỗi ngày, một con giun lấy 0,16 ml máu của cơ thể
>> Ở sạch, ăn kỹ để tránh nhiễm giun
>> Những điều chưa biết về giun
Bình luận (0)