Người Việt yêu Tây: Đo điện não đồ để khám... tâm thần

27/04/2016 20:12 GMT+7

Nhiều cặp vợ chồng Việt Nam – nước ngoài cuối cùng cũng được cầm Giấy chứng nhận kết hôn. Nhưng "cười ra nước mắt" khi kể về những kỷ niệm bi hài trên con đường hợp thức hóa hôn nhân.

Chứng minh không tâm thần
Với nhiều cặp vợ chồng, bi hài nhất là việc khám sức khỏe chứng nhận tâm thần.
Khi đó, chị Trần Thị Thu Yên và chồng khám ở bệnh viện tỉnh. Việc khám sức khỏe khá đơn giản, chỉ đóng tiền rồi khám qua mắt, mũi, miệng sơ sơ. Bác sĩ đóng dấu sức khỏe tốt là được.
“Mắc cười nhất là khám chứng nhận tâm thần bình thường. Lúc đó, cả hai được đo… điện não đồ. Mà cái máy đo điện não ở bệnh viện tỉnh thì đã cũ nên khi đo cứ chạy lung tung. Xong bác sĩ hỏi vài câu về tên, tuổi, nhà cửa và chứng nhận hai đứa tâm thần… bình thường, ổn định”, chị Yên kể.
Anh Daniel, chồng chị thắc mắc: "Như ở Mỹ việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là bắt buộc và rất kỹ. Trong đó, có xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV và sức khỏe sinh sản. Những cái đó là cần thiết nhưng sao ở Việt Nam không làm. Mà chỉ khám tâm thần ?”
“Mình nhớ, ảnh còn hỏi: Sao người Việt Nam lấy nhau không phải khám tâm thần? Còn người nước ngoài lấy người Việt Nam thì cả hai phải khám tâm thần? Phải “có não” mới được lấy con gái Việt Nam à?”, chị Yên nhớ lại.
Trong khi đó, vợ chồng chị Mai Trân Thanh (hộ khẩu Long An, làm việc tại TP.HCM) thì được khám tâm thần bằng cách chụp CT scan não. “Sau khi chụp hình xong vô khám, nhân viên y tế ở đó nói hôm sau lấy, còn muốn lấy kết quả liền thì đóng thêm 200.000 đồng/người. Sau khi vợ chồng mình đóng tiền để được lấy ngay thì vô gặp bác sĩ. Bác sĩ hỏi đúng 3 câu: Tên gì? Gia đình mấy người? Sinh năm mấy? Thế là xong. Được chứng nhận…không bị tâm thần”, chị Thanh cười sằng sặc.
Với chị Đinh Thảo Vy (ngụ TP.HCM, lấy chồng người Pháp) cũng có kỷ niệm khó quên: “Biết mình đi khám tâm thần để đăng ký kết hôn, mấy ông xe ôm trước bệnh viện bảo muốn nhanh, trôi chảy phải đi “cửa sau”, để mấy ổng “lo” cho, chứ không bác sĩ sẽ hỏi mấy câu như: Chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước Việt Nam tên gì, Tổng thống Pháp (chồng mình người Pháp) tên gì, đường A, B, C,… ở đâu?,… Nếu trả lời sai là bị ghi “tâm thần không bình thường” liền”.
Chị Vy không qua “cò” nhưng nghe vậy cũng “chột dạ”, kẹp phong bì vào sổ khám cho bác sĩ. Chị được bác sĩ hỏi mấy câu như: tên gì, nhà ở đâu, ba mẹ tên gì, làm nghề gì, học đến lớp mấy,… Xong chứng nhận “Tâm thần bình thường”.
Tuy nhiên, chị Vy phải đi khám tâm thần hai lần vì không biết là giấy chứng nhận chỉ có thời hạn 3 tháng: “sau khi có chứng nhận tâm thần lần đầu vì không làm đầy đủ giấy tờ để nộp hồ sơ đăng ký kết hôn nên chúng tôi phải đi khám lại lần thứ 2”.
Phỏng vấn hiểu nhau
Từ 1.1.2016, vòng phỏng vấn đã được bỏ trong thủ tục đăng ký kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài. Tuy nhiên, những cặp vợ chồng đã làm đăng ký kết hôn trước đó thì phải trải qua những giây phút khó quên và phải chờ ít nhất 10 ngày nếu phỏng vấn trót lọt.
Để được cùng nhau ký vào Giấy chứng nhận kết hôn là một chặng đường không dễ với nhiều cặp vợ chồng ta - ngoại - Ảnh: ShutterStock

Bảng phỏng vấn là một danh sách các câu hỏi, phỏng vấn riêng từng người rồi đối chiếu câu trả lời của nhau để đánh giá mức độ hiều nhau, xem kết hôn thật hay giả.
“Một tuần sau khi hai vợ chồng được phỏng vấn, nhân viên ở đó gọi lại cho mình báo là: chị ơi, bữa em hỏi anh chị còn thiếu một câu, câu đó nằm ở giữa những câu kia, anh chị đến lại để em phỏng vấn thêm. Cô nhân viên còn hù thêm: không trả lời câu đó, sếp em không duyệt đâu nhe !”, chị Yên nhớ lại.
“Trời, phỏng vấn ở Phú Yên. Vợ chồng mình ở Nha Trang. Mà thời gian đó chồng mình phải qua Mỹ công tác. Làm sao mà về lại Phú Yên để trả lời thêm một câu hỏi. Lúc đó quả thật mình rất mệt mỏi, cáu quá, mình mặc kệ luôn: Đó không phải lỗi của chúng tôi, em muốn xử lý sao thì làm”, chị Yên kể.
Cuối cùng, vợ chồng chị cũng qua. Tuy nhiên, phải học tham vấn trước hôn nhân tại một trung tâm ở TP.HCM vì chồng chị bị đánh giá “chưa hiểu văn hóa, đời sống ở Việt Nam”.
“Thế là hai vợ chồng phải lục tục từ Nha Trang đi TP.HCM. Đến trung tâm đó chỉ đóng tiền là có giấy chứng nhận chứ cũng không được tham vấn, học gì. Trong khi đó, chồng mình đã sống và làm việc tại VN 4 năm, có bạn bè là người Việt, ăn uống, sinh hoạt như người Việt Nam”, chị Yên nói.
Qua nhiều trắc trở, cuối cùng các cặp vợ chồng Việt Nam – nước ngoài cũng được làm lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn. “Cầm Giấy chứng nhận kết hôn trên tay, hai vợ chồng ăn mừng lớn vì cũng vượt qua “tảng đá” cuối cùng đến cửa hôn nhân”, chị Thanh tâm sự.
Còn với chị Yên thì: “Có giấy xong, chồng mình nói vui: Sợ luôn! Khó, khổ thế này thì chắc rằng chỉ dám lấy vợ Việt Nam một lần. Vợ yên tâm!”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.