|
“Mỹ phẩm” của người miền núi
Anh Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng VH-TT H.A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết: “Những người Pa Kô biết cách làm đẹp từ những “mỹ phẩm” của núi rừng giờ còn lại không nhiều đâu, nếu mình không tìm hiểu thì vài năm nữa muốn viết về họ e rằng khó”.
Được anh Ngoan hướng dẫn, chúng tôi tìm đến nhà cụ bà Hồ Thị Tuyết (80 tuổi, cụm 2, thị trấn A Lưới), một trong những người còn giữ trên mình nét văn hóa “cà răng căng tai”. Cụ Tuyết kể: “Xưa con gái Pa Kô như miềng thường ra suối kiếm đá màu đỏ hoặc hồng (đá huyết) đem mài cho nhuyễn thành một thứ nước sền sệt để làm son môi; một số người khác thì dùng lá cây knier giã nhuyễn, trộn với các hợp chất khác để bôi lên môi cho bóng và đẹp. Trước các dịp lễ hội, con gái thường cất công đến suối A Nôr hay đi xa hơn tận nguồn Ra Hô để kiếm đá màu. Con gái dùng son môi thường quyến rũ và được các chàng trai trong bản để mắt tới. Không chỉ dùng đá làm son môi, người Pa Kô còn biết dùng những loại lá cây giã nhuyễn để có màu xanh hay lấy chất màu đen từ nhựa trong tẩu thuốc để làm cho lông mày đen bóng, đậm nét, khó phai”.
|
Kỳ công tục cà răng căng tai
Theo cụ Tuyết, cách làm đẹp “khác thường” nhất của phụ nữ Pa Kô xưa chính là tục “cà răng căng tai”. Để minh chứng cho nét đẹp của người đã cà răng căng tai, cụ Tuyết lấy tay cầm lên vành tai dài của mình nói: “Để có được đôi tai dài, từ tuổi 14 - 16, thiếu nữ Pa Kô đã phải đeo lên tai nhiều vòng xuyến bằng đồng, có xâu thêm hạt mã não. Các vòng đồng ấy sẽ được kết cho nặng dần bằng những vòng đồng nhỏ và những hạt mã não gắn thêm theo từng mùa rẫy. Mỗi ngày mỗi ít, với sức nặng của vòng xuyến đeo tai, vành tai của người thiếu nữ Pa Kô cứ dài dần ra. Cô gái nào có được vành tai dài đeo được vòng khuyên nhiều hạt mã não nhất sẽ được trai làng chú ý. Đây cũng chính là niềm tự hào của mỗi cô gái”.
Để cho câu chuyện làm đẹp của người miền núi thêm sinh động, cụ Tuyết dẫn chúng tôi đến nhà cụ cả Ngoan (85 tuổi, làng Pe Dụt, xã Hồng Trung) cũng là người hiếm hoi còn nhớ rõ về tục mài, nhuộm răng. Cụ Ngoan kể: “Từ khi sinh ra lớn lên chừng 14 - 15 tuổi, con gái con trai Pa Kô đã được mẹ dạy cho cách làm đẹp rồi. Nói cưa răng thì nghe dữ dằn quá, đúng hơn là mài răng. Cũng lấy sản phẩm từ núi rừng, những viên đá nhám kiếm từ suối mang về bỏ sẵn trên mái nhà, mỗi ngày mang xuống mài răng một lần. Cứ năm này qua tháng khác, lúc nào răng nhẵn, đều thì thôi. Ông bà xưa bảo thế thì làm thế chứ miềng không biết cưa cho ngắn chừng nào thì thôi. Vậy nên các cô gái, cứ cà mãi cho đến khi hàm răng bằng phẳng.
Bên cạnh việc cà răng, người Pa Kô xưa còn làm đẹp bằng cách xăm mình. Ngày nay, tục xăm mình của con gái, con trai Pa Kô chỉ còn lại dấu tích trên gương mặt hay cánh tay của những người già còn sống trong các bản làng. Cụ cả Ngoan là một trong những phụ nữ lớn tuổi hiếm hoi còn giữ được hình xăm trang điểm lên mặt. Cụ giải thích: “Ngày xưa, khi phấn son chưa có thì đây là cách trang điểm duy nhất. Ý nghĩa hình xăm miềng không rõ lắm nhưng con gái xăm như thế trong các lễ hội thì ai nhìn cũng thích, có rất nhiều chàng trai theo đuổi”.
Về tục xăm mình của đàn ông, cụ Ngoan chỉ cho chúng tôi đến nhà cụ Hồ A Tum (cụm 3, thị trấn A Lưới). Cụ Tum năm nay bước sang tuổi 90, dấu vết về hình xăm trên trán, trên cánh tay, bắp chân cũng đã phai mờ. Hỏi chuyện xưa, cụ bảo: “Hồi trẻ mới 16 - 17 tuổi, tôi đã được bố mẹ chỉ cho cách xăm mình rồi. Kiểu làm đẹp này hồi đó rất thịnh hành, đến sau ngày giải phóng năm 75 thì ít dần và đến nay thì mất hẳn nên lớp trẻ hiện nay không mấy người biết. Con trai muốn người khác để ý, tỏ rõ sức mạnh thì phải xăm mình. Muốn xăm mình cho đẹp điều đầu tiên con trai Pa Kô phải biết đi rừng, lội suối. Lớp thanh niên bọn miềng thường lấy lá cây rừng có tên là a luông mang về giã nhuyễn, trộn với than bếp, nước suối. Nếu muốn vết xăm khó mờ hơn thì trộn với nhựa đen trong tẩu thuốc rồi dùng kim, gai bưởi thấm “mực” đó xăm lên mình. Vết xăm thường rất đau, chảy máu nên phải xăm nhiều ngày. Nơi xăm thường là cánh tay, trán, cằm, ngực. Hình xăm thường được chọn là loại hoa văn Pa tưng zăng (biểu tượng của ché rượu cần) hay con rắn, con rết. Hồi tôi làm du kích, chiến đấu trong rừng thường bị rắn độc cắn nhưng nhờ chất từ lá cây a luông đã xăm vào mình nên bình an vô sự”, cụ A Tum vén tay áo lộ vết xăm, nhớ lại.
Bùi Ngọc Long
>> Người xưa dạy sử Việt
>> Ngắm bộ sưu tập cổ vật phục vụ thú vui người xưa tại Huế
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 43: Huyền thoại bộ ván linh
Bình luận (0)