Ông là PGS.TS Bảo Huy, trưởng bộ môn quản lý tài nguyên rừng và môi trường thuộc khoa nông - lâm nghiệp ĐH Tây nguyên. Cả cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của ông đều liên quan đến rừng. Không chỉ trong những lúc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu; mà bất cứ với ai, ở đâu ông cũng đều say sưa nói về rừng với những câu chuyện làm sao để rừng mãi xanh, làm sao để cả cộng đồng nhận lợi ích từ rừng, cùng bảo vệ rừng bền vững...
“Nghề bảo vệ cho toàn cầu”...
Có một lần trong chuyến đi cùng ông, khi đang ngồi ở độ cao trên dưới 1.000m ở dãy Chư Yang Sin (Đắk Lắk), ngoài trời mưa tầm tã nhưng sáng ra suối vẫn hiền hòa chảy, đất trên rừng vẫn như không hề suy suyển, xói mòn. Ông rạng rỡ nói mưa to như thế mà không bị gì là vì rừng được bảo vệ tốt. Nhân đó ông nói như tâm sự với mọi người: “Rừng có tác dụng giữ nước, giữ được rừng là giữ được nước, mất rừng là bao nhiêu tai họa sẽ ập đến, làm biến đổi cuộc sống của cả đất nước. Việc lũ lụt ngày một hung dữ hơn là một bài học rõ nhất cho việc phá hoại rừng”.
Tuổi chỉ mới 55 nhưng tóc ông bạc trắng, cộng với dáng vẻ gầy gò khiến người ta dễ nghĩ ông đã đến tuổi xưa nay hiếm. Nhưng đừng thấy vẻ bên ngoài mà xem thường sức khỏe của ông. Đa số lũ thanh niên, sinh viên chúng tôi thở hồng hộc mà vẫn không theo nổi ông trong chuyến đi rừng Chư Yang Sin.
"Ở đâu chúng ta thực tâm đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, cho người dân tham gia suy nghĩ và chia sẻ lợi ích từ rừng thì rừng luôn được bảo vệ rất tốt...
|
|
PGS.TS Bảo Huy |
Đối với ông, học phải đi đôi với thực hành, thực nghiệm. Ông luôn đưa sinh viên đi thực tế tại các khu rừng để tham gia hoàn thành môn, luận án tốt nghiệp... Ở những nơi đó, có khi vài ngày, có khi một tuần hay cả tháng sinh viên, giảng viên và hướng dẫn đều làm việc chung, phân nhóm và trách nhiệm nghĩa vụ như nhau từ mang vác, nấu nướng cũng như thực hiện nghiên cứu.
Ngày ngày PGS.TS Bảo Huy vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, cho “ra lò” những lớp cử nhân lâm nghiệp. Và ông luôn tâm niệm: “Đã đi vào lâm nghiệp phải thật yêu nghề và phải chịu được vất vả. Cái thu được, cái hào quang không có ngay trước mắt, đó là sự thầm lặng suốt đời và có khi không ai hiểu, nhưng quan trọng nhất là mình yêu quý nghề nghiệp của mình. Hạnh phúc chẳng bao giờ định lượng được, chỉ có hạnh phúc trong công việc mới đáng quý. Tôi biết nhiều sinh viên không yêu nghề, tôi khuyên các em nên tìm hướng đi khác...”.
Trưởng thành từ nghèo khó
PGS.TS Bảo Huy cùng TS Thanh Hương (bìa trái) và một học trò xác định tọa độ xuất hiện thú rừng ở vườn quốc gia Chư Yang Sin - Ảnh: Trung Tân |
Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, đất nước dù đổi mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều người đã bỏ nghề dạy để đi kiếm sống nhưng ông vẫn miệt mài với những công trình nghiên cứu, bảo vệ luận án của mình về rừng, về lâm nghiệp. Nhiều lần đi Hà Nội bảo vệ đề tài nghiên cứu nhưng ông chỉ đủ tiền để mua vé xe, tàu nên phải trải chiếu ngủ ở ga Hàng Cỏ. Bao nhiêu khó khăn với cơm áo gạo tiền, bao nhiêu nỗi lo khác đều không quật ngã được niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong trái tim ông...
“Giao rừng cho cộng đồng”
Đó là tên một dự án của ông.
TS Cao Thị Lý - một đồng nghiệp của ông - kể: “Ban đầu khi chúng tôi làm các dự án về cộng đồng và ngay cả khi tôi làm luận án tiến sĩ về vấn đề này đều bị phản đối dữ dội vì lý luận về bảo vệ rừng nghiêm ngặt là cấm bước chân đến rừng! Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ quan điểm cách bảo vệ tốt nhất là dựa vào dân, để người dân cùng hưởng lợi ích từ rừng thì họ sẽ bảo vệ rừng không bị tàn phá để thu lợi ích lâu dài, bền vững...”.
Năm đầu tiên ông Bảo Huy cùng nhóm của mình làm dự án “Giao rừng cho cộng đồng” ở buôn Bu Nơr (xã Quảng Tâm, Tuy Đức, Đắk Nông) của bà con người M’Nông vào thời điểm năm 2000.
“Ngày đó chúng tôi đến nghiên cứu để triển khai dự án, người bản địa rất không vui vì họ nghĩ Nhà nước đổ trách nhiệm bảo vệ rừng cho họ. Vì mất rừng thì họ bị xử phạt mà làm tốt lại không được chia sẻ lợi ích gì cả. Lúc đó không có chính sách chia sẻ lợi ích như sau này chúng tôi đề xuất nên gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã họp bà con và nói: “Bà con mình sống bao đời với rừng, lên rừng lấy củi, lấy thực phẩm, cây thuốc và săn những con thú nhỏ. Nếu không tự bảo vệ rừng, rừng mất đi sẽ mất hết lợi ích. Mà mất rừng, môi trường sống, văn hóa của bà con cũng mất... đó là lợi ích thiết thực nhất”.
"Bà con nghe ra nên nhận lời bảo vệ rừng và họ đã làm rất tốt như bao đời nay vẫn thế. Tôi lại nghĩ nếu chỉ để bà con trông coi không thôi thì trách nhiệm của họ với rừng cũng không gắn chặt. Tôi đề xuất phương án chia sẻ lợi ích để bảo vệ rừng bền vững. Người dân trong buôn sẽ cùng nhau bảo vệ rừng, cho khai thác chọn lọc gỗ và lâm sản ngoài gỗ hằng năm để phát triển rừng bền vững” - ông kể.
Không được giấu dốt |
Từ thành công của buôn Bu Nơr, dự án “Giao rừng cho cộng đồng” đã lan tỏa sang làng Đề Ta (xã Kong Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai) của người Ba Na, buôn Tun (Krông Bông, Đắk Lắk) của người Ê Đê... Từ ý tưởng của các dự án này, hiện nay Cục Lâm nghiệp đang triển khai mô hình này tại 10 tỉnh, 40 xã trên toàn quốc nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững hơn.
“Phải hiểu đồng bào mình bao đời nay chia sẻ lợi ích và bảo vệ rừng như thế nào. Vì họ bao đời nay sống với rừng và cả đại ngàn vẫn xanh, quy kết họ phá rừng là cái sai vô cùng nghiêm trọng. Phải để cho cộng đồng cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm thì rừng mới an toàn, bền vững. Bảo vệ không có nghĩa là cấm mọi hành động khai thác...” - PGS.TS Bảo Huy chia sẻ.
Gần đây, PGS.TS Bảo Huy cùng nhóm nghiên cứu của mình làm các dự án bảo tồn voi, bảo tồn cây thủy tùng và đang làm đề tài cấp bộ về carbon, làm điều kiện để tham gia chương trình giảm phát thải từ suy thoái và mất rừng trong chương trình REDD (Reduced emission from deforestation in developing countries - Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng ở các nước đang phát triển) cho Chính phủ...
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)