Nguồn lực đất đai đang bị xâu xé bởi các nhóm lợi ích

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/10/2021 06:47 GMT+7

Nhiều vị trí “đất vàng” bị chiếm dụng; xuất hiện tình trạng thu hồi đất ruộng của người dân, chuyển mục đích sử dụng rồi phân lô, bán nền, chia nhau chênh lệch.

“Đất đai là nguồn lực của quốc gia nhưng đang bị xâu xé bởi các nhóm lợi ích”, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội, nhận định tại Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi luật Đất đai 2013, do Ủy ban T.Ư MTTQ VN tổ chức sáng 8.10.

Tham nhũng, tiêu cực liên quan đất công rất nhiều

Theo ông Tuyến, hiện tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất công rất nhiều; doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất công rất lãng phí, thậm chí còn chia cho các cá nhân sử dụng; nhiều vị trí “đất vàng” bị chiếm dụng; xuất hiện tình trạng thu hồi đất ruộng của người dân, chuyển mục đích sử dụng rồi phân lô, bán nền, chia nhau chênh lệch. “Vừa qua, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong vụ án Vũ “nhôm”, liên quan Bình Dương, Khánh Hòa xảy ra đều liên quan đến đất công”, ông Tuyến nhận định.

Khu đất dự án Golden Gate Nha Trang (Khánh Hòa) đang bị điều tra là một thí dụ điển hình về thất thoát, lãng phí đất công

HIỀN LƯƠNG

Nguyên nhân theo ông Tuyến, do vai trò của nhà nước và người dân trong vấn đề sở hữu đất đai chưa được làm rõ trong luật Đất đai 2013. Ông Tuyến kiến nghị cần thể chế hóa bằng được vai trò của nhà nước với tư cách người sử dụng đất theo nguyên tắc nhà nước cũng bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác. Bên cạnh đó, cần làm rõ việc kiểm soát quyền sở hữu toàn dân là thế nào, vì hiện tại mặc dù Hiến pháp coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng dân có quyền gì thì luật lại không quy định.

Đây cũng là kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ VN trong báo cáo được Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Ngô Sách Thực trình bày tại hội nghị. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ VN kiến nghị cần phải định nghĩa rõ khái niệm “thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng”, giúp xác định đúng các trường hợp áp dụng theo cơ chế này. Trong đó, cần bảo đảm yếu tố thu hồi đất thật sự cần thiết vì lợi ích quốc gia, công cộng. “Cần loại bỏ các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích công, nhất là các khái niệm dự án dễ bị lạm dụng, như khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu đô thị mới...”, ông Thực kiến nghị.

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ VN Lê Tiến Châu thì nêu vấn đề, luật Đất đai 2013 chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng hữu hiệu để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai nên chưa thu hút được người dân và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, kiến nghị cần nghiên cứu, thiết kế cơ chế pháp lý đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả để tích tụ, tập trung đất đai hiệu quả.

Cần xác định giá đất theo giá thị trường

Liên quan tới vướng mắc, bất cập trong quy định về giao đất, cho thuê đất, quy định về tài chính với đất đai, báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ VN cho rằng một trong những nguyên tắc định giá đất là “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” (điểm c khoản 1 điều 112 luật Đất đai), nhưng trên thực tế hầu như thoát ly khỏi giá cả thị trường. Điều này dễ dẫn đến bất cập khi thu hồi đất, giá bồi thường quá xa giá thị trường; mang nặng tính “áp đặt”. Từ đó, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ VN kiến nghị “cần xây dựng phương án xác định giá đất theo giá thị trường” để bảo đảm quyền lợi và sinh kế của người dân sau thu hồi đất; áp dụng nguyên tắc đồng thuận theo đa số.

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ VN Lê Tiến Châu cũng cho rằng giá đất khi nhà nước thu hồi đất còn một số bất cập, dẫn đến việc giá đất do nhà nước quy định và quyết định thường thấp hơn so với thị trường. Đây là nguyên nhân gây khiếu nại trong quản lý đất đai, vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, khi nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. “Cần xây dựng cơ chế xác định giá đất đảm bảo nguyên tắc thị trường, trong đó cần đảm bảo người dân được tham gia sâu, rộng rãi và đủ tính đại diện trong tham vấn ý kiến về giá đất”, ông Châu nêu.

PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến cũng nêu vấn đề luật Đất đai quy định các cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến của người dân. Tuy nhiên, dân ở đây là ai thì vẫn còn là khái niệm chung chung. Từ đó, ông Tuyến cho rằng cần chỉ rõ dân ở đây chính là những tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu tác động của quy hoạch. Đồng thời, khi người dân góp ý, quy định tỷ lệ người dân nếu chưa đồng thuận với dự thảo quy hoạch thì các cơ quan lập quy hoạch sẽ thay đổi toàn bộ, thay đổi một phần hay không thay đổi, thì phải giải trình cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.