Nhân lực, thực ra là nguồn lực quan trọng nhất của mọi quốc gia. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, một đất nước cho dù có tài nguyên thiên nhiên rất phong phú nhưng nguồn nhân lực không được phát huy, thì vẫn không thể phát triển được. Ngược lại, những nước nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… vẫn có thể phát triển và thịnh vượng nhờ vào việc phát huy yếu tố con người.
Nhiều nhà nghiên cứu thậm chí còn coi sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên như một lời nguyền về sự chậm phát triển. Lý do là vì khi người ta được thiên nhiên ưu đãi và có thể khai thác tài nguyên, thiên nhiên quá dễ dàng, thì nguồn nhân lực ít được coi trọng. Mà khi nguồn nhân lực ít được coi trọng, ít được phát huy, thì đất nước không thể nào phát triển vượt bậc được. Là một nước có thể được coi là khá giàu có về tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam chúng ta có thể vượt qua "lời nguyền" nói trên để trở nên phát triển, hùng cường và thịnh vượng được hay không?
Dân số của Việt Nam chúng ta hiện nay là 100 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới. Tuy nhiên, xét về quy mô của nền kinh tế (năm 2022), chúng ta chỉ đứng thứ 37 trên thế giới. Còn xét về bình quân GDP trên đầu người (năm 2022 đạt hơn 4.000 USD), chúng ta lại chỉ đứng thứ 117. Như vậy, so với nguồn nhân lực, sức mạnh kinh tế của nước ta vẫn thấp hơn nhiều. Điều này cho thấy, tiềm năng của nguồn nhân lực vẫn chưa được khai thác đầy đủ và dư địa còn rất dồi dào.
Vai trò của nhân lực càng quan trọng hơn để thúc đẩy phát triển, khi Việt Nam chúng ta đang có dân số vàng. Với 100 triệu người dân, thì nước ta có đến hơn 51 triệu người đang trong độ tuổi lao động; trong năm 2022 số người đang làm việc là 50,6 triệu. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động và tỷ người đang làm việc như vậy là rất cao. Đây chính là một trong những điều kiện quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đất nước.
Tuy nhiên, vấn đề của nước ta là thời kỳ dân số vàng sẽ kết thúc khá sớm. Theo các nhà nghiên cứu xã hội học thì thời kỳ dân số vàng của nước ta bắt đầu năm 2006 và sẽ kết thúc vào năm 2039. Từ đây đến đó, chúng ta còn tất cả 17 năm nữa. Với khoảng thời gian này, chúng ta phải có những giải pháp chính sách mạnh mẽ nhất để phát huy tối đa nguồn nhân lực của mình. Quan trọng là phải vượt qua nghịch cảnh "chưa giàu đã già". Chúng ta phải phát huy tối đa tiềm năng của dân số vàng trong việc chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết về kinh tế, kỹ thuật và xã hội để sự già hóa dân số không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thịnh vượng và an vui của người Việt.
Đổi mới và nâng cao chất lượng quản trị nhân lực quốc gia là nhiệm vụ hết sức quan trọng hiện nay. Đây cũng chính là cách đáng tin cậy nhất để thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng XIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Đó là đột phá về phát triển nguồn nhân lực.
Có rất nhiều việc cần phải làm để tạo ra sự đột phá về phát triển nhân lực. Dưới đây chỉ là một số việc thiết thực và thời sự hơn cả.
Trước hết là cần coi trọng hơn nữa việc nâng cao thể lực cho con người Việt Nam. Nhìn những cô gái vàng Việt Nam tham dự World Cup bóng đã nữ, chúng ta vừa tự hào, nhưng cũng vừa thương cảm, thậm chí xót xa. Các cô gái của chúng ta không thua kém về ý chí, không thua kém về kỹ thuật, nhưng về thể lực thì quả thật còn quá thấp bé, nhẹ cân so với các đối thủ. Với sự chênh lệch về thể lực như vậy, giành chiến thắng là vô cùng khó khăn. Thất bại về thể lực là thất bại của cả một tộc người. Nhiều nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, đã thành công trong việc nâng cao thể lực cho các công dân của mình. Bây giờ là đến lượt Việt Nam! Với tiềm lực kinh tế ngày càng to lớn hơn, chúng ta chắc chắn phải làm được điều này.
Thứ hai là cần tiếp tục đổi mới và cải cách giáo dục nhằm vào mục tiêu thiết thực nhất là phát huy các ưu điểm, đồng thời khắc phục các khuyết điểm của người Việt. Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ đã liệt kê ra 10 tố chất của người Việt. Rất nhiều ưu điểm được chỉ ra, nhưng không ít khuyết điểm cũng được nhắc tới. Chúng ta không nhất thiết phải đồng ý với tất cả mọi nhận định của viện nghiên cứu này. Tuy nhiên, đây là một nguồn đáng tham khảo để xây dựng chiến lược giáo dục và đào tạo của đất nước. Ngoài ra, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong năm 2022, lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên ước tính là 13,5 triệu người, chỉ chiếm 26,2%. Đây quả thật là một tỷ lệ rất thấp.
Thứ ba là tiếp tục cải cách thể chế để tạo không gian và khuyến khích cho đổi mới và sáng tạo của người Việt. Quan trọng nhất ở đây là cân đối giữa tự do và điều chỉnh. Tuyệt đối không lạm dụng điều chỉnh, khi không nhất thiết phải làm như vậy. Càng tự do hơn thì người Việt sẽ càng dễ dàng đổi mới và sáng tạo hơn. Bảo vệ quyền tài sản trí tuệ tốt hơn nữa cũng cần phải được coi là một định hướng chính sách quan trọng để bảo đảm sự khuyến khích cho đổi mới và sáng tạo trong thời gian sắp tới.
Thứ tư là tận dụng xuất khẩu lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chương trình xuất khẩu lao động cần hướng tới những lợi ích to lớn hơn. Việc làm và thu nhập cho người lao động chỉ là một trong những mục tiêu mà chúng ta hướng tới. Những mục tiêu không kém phần quan trọng khác là kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, là ý thức và các phẩm chất của nguồn lao động chất lượng cao. Ngoài ra, xác lập và phát huy lợi ích của các mối quan hệ với các đối tác và bạn bè nước ngoài cũng cần được xem là một mục tiêu của chính sách xuất khẩu lao động.
Thứ năm là khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư trong việc thu hút và trọng dụng người tài. Hiện nay, không ít người tài đang rời bỏ lĩnh vực công để sang làm việc cho lĩnh vực tư. Đây có thể là vấn đề của lĩnh vực công, nhưng quả thực không phải là vấn đề quá lớn của đất nước. Nếu trong lĩnh vực tư, người tài phát huy được tài năng của mình tốt hơn, thì nguồn nhân lực của đất nước sẽ không bị lãng phí, và nền kinh tế cũng sẽ được hưởng lợi. Một sự luân chuyển hợp lý nguồn nhân lực giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực của mình.
Thứ sáu là nên quan niệm rộng hơn về nguồn nhân lực của đất nước. Chiến tranh, loạn lạc đã làm cho hàng triệu người Việt phải di tản ra khắp nơi trên thế giới. Trong phúc có họa, nhưng trong họa có phúc. Sự di tản này đã mở rộng ra vô tận không gian tồn tại của dân tộc Việt. Không gian mở ra vô tận, thì cơ hội cũng mở ra vô tận. Phát huy tốt hơn nữa nguồn nhân lực của Việt Nam ở nước ngoài phải là một định hướng chính sách quan trọng của của chúng ta. Muốn làm được điều này, thì những cố gắng hòa giải dân tộc cần được thúc đẩy nhiều hơn và triển khai hiệu quả hơn.
Thứ bảy và có lẽ quan trọng nhất là người Việt phải làm chủ được công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Với sự xuất hiện của ChatGPT- một AI tạo sinh có thể sáng tác ra những nội dung mới từ những kho dữ liệu khổng lồ; với những chiếc xe taxi không người lái đang chạy ngày một nhiều hơn trên các đường phố của Trung Quốc, cuộc cách mạng vĩ đại nhất và làm biến đổi xã hội loài người sâu sắc nhất đã chính thức bắt đầu! Đó là cuộc cách mạng mang tên TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI).
Người Việt chúng ta phải hiểu về AI, phải có năng lực sử dụng AI để phát triển kinh tế và xây dựng đất nước (và tốt hơn nữa, phải phát triển được siêu AI của mình). Không thể có bất kỳ một lựa chọn mà khác cho dân tộc chúng ta. Tuy nhiên, với tiềm năng trí tuệ và bản lĩnh của mình, chúng ta nhất định làm được điều này!
Cuối cùng, để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đất nước cần phát huy đầy đủ tất cả mọi nguồn lực mà chúng ta đang có. Các nguồn lực khác của đất nước như địa chính trị, như đất đai, tài nguyên thiên nhiên… đều rất quan trọng, nhưng quyết định sẽ là và mãi mãi là nguồn nhân lực.
Bình luận (0)