Nguy cơ bị trộm tiền từ thẻ tín dụng, cần làm gì để phòng tránh

Thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua sắm hàng hóa hoặc giao dịch trực tuyến rất tiện lợi, nhưng đây cũng là đích ngắm của tin tặc, có thể khiến người dùng mất tiền oan.

Thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua sắm hàng hóa hoặc giao dịch trực tuyến rất tiện lợi, nhưng đây cũng là đích ngắm của tin tặc, có thể khiến người dùng mất tiền oan.

Bỗng chốc mất tiền dù không sử dụng

Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản D.A (Hà Nội) chia sẻ về việc thẻ tín dụng bị rút tiền từ nước ngoài, cho dù chị đang ở Việt Nam. Loại thẻ chị đang sử dụng là Vietcombank Visa Debit, trong tài khoản có hơn 2.000 USD.
Chia sẻ của chị D.A và anh T.T về việc dù đang ngồi ở Việt Nam nhưng thẻ tín dụng vẫn vô cớ bị trừ tiền dù chủ thẻ không hề thực hiện giao dịch - Ảnh chụp màn hình
Theo chia sẻ, hầu hết các giao dịch rút tiền này đều được thực hiện qua PayPal (một cổng thanh toán trực tuyến giúp bạn đưa tiền từ tài khoản của mình vào tài khoản PayPal để giao dịch trên mạng). Chị D.A chia sẻ: "Mình thấy tin nhắn đầu tiên là báo sử dụng tại nước ngoài. Những tin nhắn sau báo sử dụng qua PayPal. Mình nghĩ thông tin thẻ của mình đã bị hack mà không biết tại sao lại bị mất thông tin".

Tương tự, anh T.T chia sẻ với Thanh Niên về việc mới đi công tác từ Seoul (Hàn Quốc) về, nhưng thẻ Visa của anh khi về Việt Nam bất ngờ tự thực hiện các giao dịch thanh toán tiền mà anh không hề hay biết. Anh nhận định, rất có thể anh đã cà thẻ trúng vào chiếc máy POS dùng để thanh toán tiền bị cài mã độc.


Trong trường hợp của tôi, ngay khi vừa nhận được tin nhắn cần gọi điện ngay ngân hàng để thực hiện việc khóa thẻ lại, xử lý càng sớm sẽ giúp cho khả năng thu hồi lại tiền bị mất cao hơn

Anh T.T chia sẻ

Anh T.T cho biết, do có đăng ký báo tin nhắn trên di động nên sau khi nhận được thông báo, anh lập tức liên hệ với ngân hàng để thực hiện thao tác khóa thẻ, sau đó tiến hành các thủ tục khiếu nại với ngân hàng để lấy lại số tiền bị trừ vô cớ.

Có phải do ngân hàng bị tấn công?

Trao đổi với Thanh Niên, bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Quản lý rủi ro, Trung tâm thẻ Vietcombank cho biết: "Qua tìm hiểu, các giao dịch mà chị D.A nêu đều được thực hiện trên internet, không phải là các giao dịch rút tiền mặt tại máy ATM. Sự cố này không phải do lỗi bảo mật của ngân hàng. Mà là do trong quá trình chi tiêu, chủ thẻ đã bị kẻ gian lấy cắp thông tin thẻ để thực hiện các giao dịch giả mạo trên internet”.

Bà Hà còn cho biết, giao dịch qua internet mang tính rủi ro cao nhất nên các chủ thẻ cần lựa chọn những web uy tín khi giao dịch. Đồng thời lưu ý chủ thẻ quan tâm đến việc bảo mật thông tin cá nhân cũng như các thông tin khác được in trên mặt trước, mặt sau của thẻ để tránh bị lộ thông tin trong quá trình sử dụng thẻ.
Thẻ tín dụng hiện là "mồi ngon" cho tin tặc - Ảnh: AFP
Đối với các giao dịch chủ thẻ khiếu nại, Vietcombank sẽ tiến hành tra soát với đơn vị chấp nhận thẻ (nơi giao dịch phát sinh) theo đúng quy định của Tổ chức Thẻ Quốc tế để bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng. Sau khi có kết quả tra soát, căn cứ theo hợp đồng sử dụng thẻ giữa chủ thẻ với ngân hàng cùng với chứng từ do đơn vị chấp nhận thẻ cung cấp, Vietcombank sẽ có trả lời thỏa đáng cho khách hàng, bà Hà nói thêm.

Cần cảnh giác khi đưa thẻ tín dụng cho người lạ

Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty bảo mật NTS Security, cho biết người dùng bị lộ thông tin thẻ tín dụng có thể từ hành vi thiếu cảnh giác khi giao dịch hoặc bị tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính của điểm bán hàng (máy POS dùng để thanh toán tiền - PV), những máy này có thể đã bị tin tặc tấn công và cài mã độc trộm được thông tin trên thẻ

Về hành vi thiếu cảnh giác, khách hàng thường không theo dõi thanh toán mà gửi thẻ cho người phục vụ lạ mặt đi cà thẻ một lúc lâu và quay lại cùng hóa đơn. Trong thời gian người phục vụ (nếu thuộc đường dây lừa đảo quốc tế) đi cà thẻ thì có thể thẻ đã bị chụp hình 2 mặt và người trộm thông tin thẻ sau đó có thể đặt hàng trực tuyến để mua hàng khắp thế giới.
Cần cảnh giác khi thực hiện việc "quẹt" thẻ ở những máy thanh toán công cộng - Ảnh: AFP
Ngoài ra, trào lưu mua bán hàng trên mạng, đặc biệt mua đồ thương hiệu ở những trang web nước ngoài đã trở nên phổ biến. Nhiều người không ý thức được việc bảo quản thẻ nên đã đăng nhập vào những trang web giả mạo hoặc có tính lừa đảo để lấy cắp thông tin của chủ thẻ. Từ đó, những kẻ này có thể sử dụng được những thông tin của chủ thẻ để mua bán hàng trên mạng, ông Trần Vũ cho biết thêm.

Cũng theo ông Trần Vũ, nguy cơ tiềm ẩn trong sử dụng thẻ tín dụng rất lớn. Thẻ tín dụng tiện dụng trong thanh toán nhưng khi mất thẻ thì rất nguy hiểm. Người dùng nên tự bảo vệ mình bằng cánh: chọn hạn mức thẻ tín dụng nhỏ nhất theo nhu cầu sử dụng, cà thẻ nơi uy tín, theo dõi trong suốt quá trình thanh toán, không thực hiện khai báo thông tin thẻ qua các trang web lạ. Khi có giao dịch lạ xảy ra qua báo cáo tin nhắn thì bạn phải thông báo ngay cho ngân hàng phát hành khóa thẻ và khai báo giao dịch bất hợp pháp để thu hồi tiền bị mất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.