Nhiều chuyên gia đánh giá dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định mới cho loại hình dịch vụ đòi nợ vừa được công bố để lấy ý kiến còn nhiều lỏng lẻo, chưa triệt được các kiểu biến tướng đòi nợ như “xã hội đen”...
Minh họa: DAD
|
Sau gần 10 năm Chính phủ ban hành bộ khung cho hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, mới đây Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Công an xây dựng, công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định mới cho loại hình dịch vụ khá nhạy cảm này.
Công ty đòi nợ nở rộ
|
Thế nhưng, đã là nợ khó đòi thì không hề dễ thu hồi. Lãnh đạo một công ty dịch vụ thu nợ hợp pháp, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự..., cho biết thực tế họ đang hoạt động khá trầy trật, vì “hành lang pháp lý còn chung chung, thiếu rõ ràng. Bên cạnh đó, dư luận vẫn chưa có niềm tin đối với dịch vụ tương đối nhạy cảm này”. Thực tế này dẫn đến thời gian qua không ít đối tượng, thậm chí các công ty đã lợi dụng dịch vụ hợp pháp trên để bóp méo, biến tướng thành các kiểu đòi nợ thuê mang tính chất “xã hội đen” côn đồ, hành hung, đánh đập con nợ. Cách đây không lâu, dư luận hãi hùng khi biết về vụ tra tấn một con nợ tại P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội bằng cách bắt úp mặt vào xô phân, đấm đá... khi anh này không đủ khả năng chi trả khoản vay 200 triệu đồng của một người tại Q.Đống Đa, Hà Nội. Tại TP.HCM, một công ty đòi nợ thuê ở Q.Tân Bình được khách hàng ở Q.8 thuê, đã cho người đến một doanh nghiệp kinh doanh xây dựng ở Q.Bình Thạnh nằm luôn trên sô pha trong phòng giám đốc để “ăn vạ”. Nhóm người “đòi nợ thuê” này còn theo dõi đến tận nhà riêng của ông giám đốc uy hiếp, đe dọa tính mạng của vợ con ông.
“Những vụ việc như vậy vẫn thường xuyên xảy ra, và chính vì vậy xã hội đang rất kỳ vọng dự thảo thông tư mới sẽ giúp ngăn chặn được tình trạng này”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN.
Cái cần lại không sửa...
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Chủ tịch Công ty luật Basico, dự thảo lần này mới chỉ sửa đổi trách nhiệm của cơ quan quản lý, chứ chưa đi sâu vào các quy định cụ thể để làm sao hình thành được một dịch vụ đòi nợ hợp pháp, chuyên nghiệp tại VN. “Trước tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự thời gian qua, trước các vụ việc đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, dường như Bộ Tài chính đang muốn chuyển việc quản lý hoạt động này sang cho Bộ Công an”, ông Đức nhận xét.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, việc giao cho bộ nào chủ trì quản lý không quan trọng, vấn đề cốt lõi phải nằm ở những hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể. Vừa qua, các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động thiếu chuyên nghiệp vì thiếu hướng dẫn, chế tài xử phạt chỉ vài chục triệu đồng không đủ sức răn đe. Hay các quy định đòi hỏi nhân viên phải có phẩm chất đạo đức, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay dùng vũ lực để gây sức ép cho con nợ... đều mang nặng tính hình thức, hầu như không có tác dụng trong thực tiễn. “Trong khi đó, các quy định cần phải sửa như chi phí đòi nợ bất cập lại chưa được nghiên cứu sửa đổi. Hiện tại, các công ty áp dụng lên tới 40 - 50% tổng khoản nợ đòi. Nếu cứ để các công ty tùy tiện áp dụng thì rõ ràng với lợi nhuận cao họ sẽ đánh đổi bằng mọi cách để đòi được, như dùng sức ép, khủng bố tinh thần con nợ...”, luật sư Đức nói.
Từ góc độ khác, chủ tịch một văn phòng luật sư tại Hà Nội cũng cho rằng muốn không để dịch vụ thu nợ bị biến tướng, phải có một quy trình đầu vào chuẩn, biện pháp thu nợ và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Lãnh đạo, nhân viên của công ty thu nợ phải là những người được đào tạo bài bản, am hiểu pháp luật, tài chính kế toán, được học thêm các lớp về kỹ năng thu hồi nợ... Theo ông này, hiện số công ty thu hồi nợ có nhân viên tốt nghiệp đại học, trung cấp rất ít, còn lại đa phần không được đào tạo qua trường lớp bài bản. Do đó, kỹ năng đòi nợ ở đây chỉ là đeo bám, gây sức ép, khủng bố tinh thần con nợ.
Ranh giới giữa dịch vụ đòi nợ hợp pháp và bất hợp pháp vốn rất dễ bị xóa nhòa, nó lại càng mong manh hơn nếu quy định pháp luật thiếu rõ ràng, cụ thể. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nếu thực sự muốn ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc từ các kiểu đòi nợ bằng “hàng nóng, hàng lạnh”, các vụ khủng bố tinh thần con nợ..., rất cần thiết phải đưa ra những nghiên cứu, đánh giá kinh nghiệm, từ đó đúc rút lại thành các quy định thật chuyên nghiệp, cụ thể, rõ ràng.
Bình luận (0)