Nguy cơ đại dịch cúm gia cầm H7N9

13/03/2015 09:00 GMT+7

Vi rút cúm gia cầm A/H7N9 tiếp tục lây lan với mức độ đột biến ngày càng cao và có thể trở thành thảm họa nếu lây từ người sang người.

Vi rút cúm gia cầm A/H7N9 tiếp tục lây lan với mức độ đột biến ngày càng cao và có thể trở thành thảm họa nếu lây từ người sang người.
Vi rút cúm gia cầm A/H7N9 phát tán ra khỏi Trung Quốc qua con đường buôn bán xuyên biên giới - Ảnh: Reuters
Trong báo cáo vừa đăng trên chuyên san Nature, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Quản Dật (Đại học Hồng Kông) đứng đầu nhận định những gì đang diễn ra cho thấy vi rút cúm A/H7N9 có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với nhân loại.
Báo cáo nhấn mạnh loại siêu vi này đang lan rộng từ phía đông xuống phía nam Trung Quốc - quốc gia tập trung phần lớn các ca nhiễm bệnh. Nhóm nghiên cứu cho biết đã tìm được 48 chủng phụ của vi rút cúm A/H7N9. Sự đa dạng về di truyền cho thấy loài siêu vi này có tốc độ đột biến gien cao và nếu không có biện pháp phòng ngừa thích hợp (đóng cửa các chợ gia cầm sống, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm ở những vùng xảy ra dịch, theo dõi sát các khu chăn nuôi gia cầm...), chúng có thể lây lan nhanh cho người và trở nên ngày càng lờn thuốc.
Kể từ lần đầu gây bệnh ở người vào năm 2013, đến nay đã có 622 người nhiễm vi rút cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia và Canada, trong đó có 227 ca tử vong. Các nhà khoa học của Đại học Hồng Kông cảnh báo với tỷ lệ gây chết người rất cao (hơn 36%), một khi có khả năng lây từ người sang người và lan thành dịch, vi rút này có thể làm hàng chục triệu người chết.
Cho đến nay, vi rút cúm A/H7N9 chủ yếu gây bệnh cho gia cầm, chim hoang dã. Những người nhiễm bệnh này hầu như đều bị lây từ gia cầm và vẫn chưa có trường hợp lây từ người sang người nào được chính thức xác nhận. Tuy nhiên, các loại vi rút gây bệnh cúm thường cho thấy khả năng đột biến rất cao và khó lường nên năm nào cũng xuất hiện chủng cúm mới. Khả năng biến đổi sẽ càng cao nếu khu vực lây lan của vi rút càng rộng. Tại Trung Quốc, ngày càng nhiều địa phương phát hiện gia cầm nhiễm cúm A/H7N9 và số lượng người mắc bệnh này trong đợt bùng phát bệnh vào cuối năm 2014 cũng cao hơn hẳn so với năm 2013. “Nhiều khả năng vi rút A/H7N9 hiện có mặt tại hầu hết các nơi ở Trung Quốc. Dựa vào mô hình lây lan hiện nay, việc gia cầm phát tán vi rút này ra khỏi Trung Quốc theo con đường buôn bán xuyên biên giới chỉ là vấn đề thời gian”, nhóm nghiên cứu viết trên chuyên san Nature.
“Bom” nổ chậm
Báo cáo của nhóm Quản Dật khá phù hợp với những cảnh báo của nhiều nhóm nghiên cứu từ năm 2013. Ngay khi cúm A/H7N9 bắt đầu lây lan ở người, Giáo sư Masato Tashiro (Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản) đã nhận định trên chuyên san Sciences et Avenir: “Vi rút cúm A/H7N9 hiện đã có rất nhiều dạng đột biến. Đây là điều đáng lo ngại vì chỉ cần thêm một đột biến thích hợp, chúng có thể lây sang người dễ dàng hơn, hoặc thậm chí là lây từ người sang người”.
Đột biến “thích hợp” là đột biến xảy ra ở loại protein hemagglutinin có trên bề mặt vi rút. Protein này giúp vi rút bám vào các thụ thể trên bề mặt tế bào vật chủ. Cho đến nay, hemagglutinin của vi rút cúm A/H7N9 thích hợp với các thụ thể trên tế bào của chim chóc, gia cầm hơn là thụ thể trên tế bào người nên việc lây bệnh từ gia cầm sang người vẫn còn hạn chế.
Mặt khác, theo ông Tashiro, nhiều mẫu vi rút cúm A/H7N9 lấy từ các bệnh nhân ở Trung Quốc cho thấy chúng có khả năng thích nghi rất cao để đảm bảo quá trình tự nhân đôi trong tế bào người. Khả năng này vượt xa so với một chủng vi rút cúm gia cầm khác cũng có độc tính cao là A/H5N1. Cụ thể, một số chủng phụ đột biến của vi rút cúm A/H7N9 được nhóm nghiên cứu của Giáo sư Tashiro phát hiện có khả năng tự nhân đôi đạt mức cao nhất với nhiệt độ trong hệ hô hấp của người. Phần lớn các bệnh nhân nhiễm bệnh này sau triệu chứng ban đầu là sốt cao thường chuyển sang viêm phổi và những bệnh hô hấp khác. Việc vi rút cúm A/H7N9 có khả năng sinh sôi cao sẽ gây nguy hiểm càng cao với bệnh nhân. Do đó, khi vừa bị lây, người bệnh có thể chỉ có những triệu chứng nhẹ nhưng bệnh có nguy cơ kéo dài và ngày càng trầm trọng.
Với những đặc tính nêu trên, các nhà khoa học lo ngại vi rút cúm A/H7N9 thật sự là “bom nổ chậm” có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Việc chặn đà lây lan của loài siêu vi này gặp nhiều khó khăn vì ở chim hoang dã có nhiều trường hợp nhiễm vi rút mà không phát bệnh. Chúng sẽ là “ổ bệnh di động”, âm thầm phát tán vi rút cúm A/H7N9. Đó cũng là lý do đến nay các chuyên gia vẫn chưa chính thức xác nhận trường hợp bệnh này lây từ người sang người dù có một số bệnh nhân khẳng định trước đó không tiếp xúc với gia cầm sống.
Khuyến cáo của WHO
Trong thông báo ngày 11.3 về vi rút A/H7N9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi tình hình và đánh giá nguy cơ dựa trên các thông tin mới nhất. WHO khuyến cáo những người du lịch đến các nước có ổ dịch cúm nên tránh các trại nuôi gia cầm, tránh tiếp xúc với động vật tại các chợ gia cầm sống, tránh vào các khu vực giết mổ hoặc tiếp xúc với bất kỳ bề mặt nào có khả năng dính phân gia cầm hoặc các loại động vật khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.