Cuối tháng trước, Hiệp hội Chăn nuôi heo Mỹ đến VN với mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm nội tạng khiến nhiều người chăn nuôi lo lắng.
Nhập 288 tấn nội tạng đông lạnh/tháng
Người Việt có sở thích ăn nội tạng động vật. Cháo lòng (heo) là món ăn khoái khẩu của nhiều người VN và có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Nội tạng động vật cũng được dùng chế biến nhiều món ăn và được bán khắp nơi từ siêu thị, chợ truyền thống đến trên mạng và trở thành mặt hàng nhập khẩu được tiêu thụ mạnh ở VN với ưu điểm nổi trội là giá rẻ. Các nhà nhập khẩu cho biết, sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở các quán ăn, quán nhậu. Chủ một quán lòng heo ở gần sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thừa nhận, hàng đông lạnh chủ yếu được sử dụng khi chế biến các món ăn có phối trộn các loại nguyên liệu khác và sử dụng nhiều gia vị. Nhiều quán chỉ sử dụng nội tạng nóng trong nước vì cần sự tươi ngon.
tin liên quan
Lò mổ heo lậu để thịt, nội tạng ngổn ngang dưới nền nhà dơ bẩnTrong nhóm hàng thịt nhập khẩu, ngoài nội tạng còn một số phụ phẩm khác như: mỡ, xương ống, móng, thịt vụn xay... Số liệu của Tổng cục Hải quan VN, trong 6 tháng đầu năm 2018 lượng phụ phẩm gia súc (heo, bò, trâu) sau giết mổ sống nhập khẩu là 22.831 tấn, trị giá hơn 23 triệu USD. Tính ra giá phụ phẩm gia súc nhập khẩu chỉ hơn 1 USD/kg và mỗi tháng người Việt tiêu thụ gần 4.000 tấn phụ phẩm gia súc các loại.
Nguy cơ thành bãi đáp thay Trung Quốc
Theo ông Văn Đức Mười, nguyên TGĐ Vissan, trong dây chuyền giết mổ công nghiệp, nội tạng nằm trong nhóm phụ, phế phẩm và thuật ngữ chuyên môn gọi là “dog hay black meat” vì các nước phát triển thường dùng để chế biến thức ăn cho thú nuôi hoặc các loại vật nuôi khác. Vì không phải là chính phẩm nên giá bán rất rẻ.
Trong cuộc làm việc mới đây ở TP.HCM, Hiệp hội Chăn nuôi heo Mỹ cho biết chỉ riêng các sản phẩm tim, gan, cật và thịt vụn xay mỗi năm xuất khẩu sang VN khoảng 1 triệu USD. Các loại nội tạng trắng như ruột, bao tử chưa được VN cấp phép, sẽ tiếp tục đàm phán để có thể xuất khẩu sau này. Hiệp hội Chăn nuôi heo Mỹ có sự tham gia của 60.000 trang trại. Theo các doanh nghiệp nước này, họ muốn vào VN nhưng không cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa vì người Việt có thói quen sử dụng thịt nóng; họ chỉ đi vào thị trường ngách là các sản phẩm thịt mát. Dù không trực tiếp thừa nhận nhưng các doanh nghiệp Mỹ đang muốn tìm thị trường nhập khẩu thay thế Trung Quốc. Thịt heo Mỹ vào Trung Quốc đã bị tăng thuế từ 12% lên tới 62%, do tác động của cuộc chiến thương mại.
Theo thống kê của Tổ chức Chăn nuôi thế giới, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nội tạng động vật lớn nhất, chiếm 1/3 thị phần thế giới. VN đứng thứ 4 với khoảng 4,9% sản lượng. Các chuyên gia nhận định, khi thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, các nhà xuất phẩu buộc phải giảm giá để tăng xuất khẩu vào thị trường khác, trong đó có VN. Giá càng rẻ, sản phẩm sẽ càng được nhập về nhiều và VN có nguy cơ trở thành một trong những bãi đáp thay thế thị trường Trung Quốc.
Ảnh hưởng đến chăn nuôi
Tại Đồng Nai, vùng chăn nuôi heo lớn nhất nước, những ngày qua người chăn nuôi lo lắng trước thông tin các DN Mỹ muốn mở rộng thị trường ở VN, nhất là sản phẩm nội tạng. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch hiệp hội chăn nuôi tỉnh này, nói: “Các loại nội tạng và phụ phẩm chăn nuôi nước họ không ăn hoặc ăn rất ít hoặc chế biến sâu; phần lớn dùng chế biến thức ăn chăn nuôi. Như vậy về mặt ý nghĩa nhân văn, chúng ta có nên cấp phép nhập những thứ đó về cho dân ta ăn? Thứ hai, phụ phế phẩm như vậy thì vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện có đúng tiêu chuẩn như chính phẩm? VN cấp phép cho nhập khẩu sẽ kiểm tra, giám sát, tiêu chuẩn ra sao? Nội tạng động vật giá lại rẻ như thế khiến sức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nội địa sẽ giảm, tác động dây chuyền của ngành chăn nuôi là rất lớn”.
Đồng tình với lo lắng của người chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nói: “Nếu cho phép nhập khẩu nội tạng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, nguy cơ mất thị trường. Quan điểm của Cục Chăn nuôi đương nhiên là không khuyến khích. Trong trường hợp phải nhập để trao đổi thì chúng ta chấp nhận nhượng bộ nhưng phải đưa hàng rào kỹ thuật, tăng cường kiểm soát chặt chẽ. Đầu tiên là ngăn chặn các biểu hiện gian lận thương mại như giá trị, thời gian sử dụng của lô hàng; kiểm soát nguy cơ phát dịch bệnh khi hiện tại dịch tả lợn châu Phi đang có ở các nước châu Âu. Nếu cho phép nhập khẩu nội tạng, trong đó có nội tạng và sản phẩm từ lợn nếu không kiểm soát chặt, kiểm soát được hết các sản phẩm thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và phát tán là rất cao”.
Còn ông Nguyễn Tùng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết: Trong thương mại quốc tế, việc xuất nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật giữa các nước là bình thường. VN là thành viên của WTO thì cần phải tuân thủ theo các quy định, điều ước quốc tế mà VN tham gia. Nếu các sản phẩm động vật đáp ứng yêu cầu của quy định về pháp luật của VN (luật Thú y, luật An toàn thực phẩm) thì sẽ được cấp phép kiểm dịch nhập khẩu.
Cần dứt khoát cấm nhập khẩu nội tạng động vật
Theo TS Nguyễn Văn Ngãi, nếu người dân và nhà nước cứ nuông chiều theo những thói quen không tốt đó sẽ có tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng, về lâu dài sẽ tạo thành gánh nặng xã hội. Cần dứt khoát cấm nhập khẩu nội tạng động vật và các sản phẩm chăn nuôi thải loại về VN làm thực phẩm.
|
Bình luận (0)