Nguy cơ thua lỗ dự án bauxite

26/10/2010 00:35 GMT+7

Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV) khẳng định, các dự án (DA) bauxite có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, phân tích từ phương án tính toán hiệu quả kinh tế mà TKV đưa ra với DA Nhân Cơ (đang triển khai), nguy cơ lỗ lại là rất lớn.

Xin nhiều ưu đãi

Theo báo cáo thẩm định hiệu quả kinh tế DA Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ tháng 1.2010 của Bộ Công thương, TKV sẽ đóng góp 20% - 30% nguồn vốn đầu tư DA Nhân Cơ, vốn vay trong nước và ngoài nước chiếm 70% - 80%.

TKV cũng đã ký gói thầu EPC Nhà máy Nhân Cơ với nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) tổng vốn đầu tư 427,9 triệu USD, nhà thầu này sẽ chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ thiết kế, vật tư nguyên vật liệu, thi công xây dựng các hạng mục công trình của nhà máy alumin và các dịch vụ kỹ thuật đi kèm như vận hành thử, bảo hành. Tuy nhiên, trong hợp đồng đã ký, nhà thầu này không có trách nhiệm làm phần khảo sát địa kỹ thuật mặt bằng nhà máy alumin (bao gồm cả các hồ chứa bùn đỏ - PV). Nhà thầu Chalieco khẳng định sẽ đảm bảo các chỉ tiêu môi trường, thời gian đưa nhà máy vào vận hành thử là 21 tháng, chạy thử 3 tháng, tổng kế hoạch tiến độ thực hiện hợp đồng là 24 tháng. Nhưng tới tháng 2.2010 DA Nhân Cơ mới chính thức khởi công, như vậy theo tiến độ dự kiến (TKV dự kiến xây dựng nhà máy từ năm 2007-2011), Nhân Cơ ít nhất sẽ chậm tiến độ 1 năm.

Với kế hoạch sử dụng đất, diện tích sử dụng đất cho công tác khai thác trong 30 năm của DA, tổng diện tích đất sử dụng cho cả đời DA khoảng 3.500 ha, chiếm khoảng 0,54% diện tích đất tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Theo TKV, đây là DA lớn, đặc thù, bởi thế tập đoàn này kiến nghị được thuê đất với thời hạn tối đa là 70 năm, miễn thuế thuê đất với các diện tích chiếm đất cố định trong thời hạn vay vốn. TKV cũng đề xuất trong 10 năm đầu DA, đề nghị Nhà nước cho vay vốn đầu tư và vốn chuẩn bị sản xuất (vốn lưu động) với lãi suất ưu đãi dài hạn (10 năm) là 4%. TKV cũng xin được áp dụng mức thuế suất với alumin là dưới 5% trong 10 năm đầu, với những năm tiếp theo khi giá xuất khẩu alumin dưới 350 USD/tấn chỉ áp dụng mức thuế suất dưới 10%, khi giá xuất khẩu trên 350 USD/tấn mới áp dụng mức thuế suất tối đa là 15%.

Chỉ có lãi khi giá trên 333 USD/tấn

Cũng theo kết quả thẩm tra của hội đồng, giá thành sản phẩm alumin năm đầu bao gồm chi phí sản xuất trực tiếp chiếm 51%, chi phí khấu hao chiếm 24%, lãi vay chiếm 15% và chi phí tiêu thụ sản phẩm chiếm 6,9%. Theo đó, chi phí sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế DA: với suất chiết khấu là 8% và trong các điều kiện tính toán về các yếu tố khác không biến đổi, để đảm bảo dự án có hiệu quả thì chi phí sản xuất chỉ được phép tăng dưới 0,97%, tương đương tăng dưới 21.706 đồng/tấn alumin.

Nhưng chỉ tính riêng chi phí than cám (do chính TKV cung cấp với tỷ trọng lớn) khoảng 46% tổng chi phí sản xuất trực tiếp, nghĩa là nếu giá than tăng, việc đội chi phí đầu vào chắc chắn sẽ xảy ra.

Thêm vào đó, với phần vận tải ngoài, TKV dự kiến sẽ thuê vận tải trên các tuyến giao thông (DA Tân Rai vốn đầu tư các tuyến đường là 11,5 tỉ đồng). Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu chỉ lấy giá cước vận tải ở mức 2.000 đồng/tấn/km (mức giá cước từ năm 2009) thì chi phí vận tải mỗi năm của DA Tân Rai đã lên tới 24,6 triệu USD và Nhân Cơ là 38 triệu USD, chưa kể chi phí khác. Mặt khác, nếu tiếp tục khâu tinh luyện alumin tại Tây Nguyên, TKV sẽ phải đầu tư thêm một tuyến đường sắt nối Bảo Lộc xuống cảng Kê Gà. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đầu tư riêng một hệ thống đường sắt chỉ cho DA cũng rất rủi ro về mặt kinh tế.

TKV khẳng định, “giá bán alumin trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng vì vậy rủi ro về giá bán là thấp”. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, “giá bán alumin là nguồn thu chính của DA. Việc DA có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào giá bán alumin. Trong khi, giá bán alumin phụ thuộc vào thị trường chung của thế giới, vào các nhà sản xuất nhôm, sản xuất alumin lớn trên thế giới và VN không thể tham gia điều tiết được giá bán. Vì vậy, đây là yếu tố ảnh hưởng rất nhạy cảm khó kiểm soát”. Hội đồng đã kết luận, DA chỉ có hiệu quả kinh tế khi giá bán alumin trên 333,7 USD/tấn, với giá bán alumin dưới 333,7 USD/tấn thì không có hiệu quả kinh tế.

Như vậy, ngay trong phương án đầu tư DA Nhân Cơ, TKV đã không tính hết đến các yếu tố rủi ro biến động giá thành sản phẩm, trước khi khẳng định DA sẽ có hiệu quả kinh tế cao! 

Trách nhiệm nhiệm kỳ

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (ảnh) khẳng định, với các DA bauxite nguy cơ thua lỗ nhìn thấy rõ.

* Thưa bà, không chỉ nguy cơ tác động đến môi trường, nhiều tính toán cho thấy DA bauxite Tây Nguyên mà TKV đang triển khai có nguy cơ thua lỗ cao. Ý kiến của bà?

- Theo tôi thấy, bảng giá thành sản xuất alumin của TKV đưa ra chưa tính đến các chi phí phát sinh như chi phí giảm thiểu tác động văn hóa xã hội, chi phí hỗ trợ ổn định sinh kế cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp; chi phí cơ hội, mất nguồn thu từ các ngành nghề kinh doanh khác do chiếm dụng đất, vốn và cơ sở hạ tầng. Chi phí môi trường cũng phải tính vào DA.

Mặt khác, chi phí vận tải rất lớn và hiện vẫn đang tắc vì con đường vận chuyển chưa có. Nếu xây tuyến đường sắt chỉ để phục vụ DA thì không thể đẩy cho Chính phủ. Giá thành TKV đưa ra chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố này. Nhưng muốn chứng minh DA có hiệu quả, họ cố gắng cắt bớt các phần chi phí thuộc về DA cho nơi khác gánh, mà nơi dễ gánh nhất là Chính phủ, từ ngân sách, tiền thuế của người dân.

Trên thực tế bao lâu nay các DA đầu tư của DNNN, thực hiện luôn cao gấp 2 - 3 lần dự toán ban đầu. Dung Quất là bài học rõ nhất.

Chúng ta không thể chỉ tin tưởng vào cách tính giá thành cũng như các cam kết của TKV và một số cam kết của một vài bộ chức năng. Họ chịu trách nhiệm cho từng nhiệm kỳ, họ không sống muôn đời với DA, nhưng DA là hiệu quả và tác động của rất nhiều năm sau.

* Bà đã ký vào bản kiến nghị dừng khai thác bauxite. Lý do để bà đưa ra quyết định này?

- Nguy cơ lỗ của các DA bauxite hiện nay đã thấy rõ. Trong thư kiến nghị cùng nhiều trí thức khác, chúng tôi đã khẳng định hiệu quả của các DA này chỉ đạt được trong 20 - 30 năm nữa, khi kinh tế và khoa học kỹ thuật của chúng ta phát triển hơn.

Không phải bây giờ mới có nhiều ý kiến của các nhà khoa học, trí thức về DA bauxite, đáng lẽ những ý kiến này cần được lắng nghe trân trọng hơn. Chúng ta vẫn cần dừng các DA lại, và tính toán cho đầy đủ.

Mai Hà (thực hiện)

Ông Dương Văn Hòa, Phó tổng giám đốc TKV: Giá alumin của TKV khoảng trên 300 USD/tấn

Dừng hay không dừng DA, TKV không có quyền quyết định mà Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nói cần có những nghiên cứu, tính toán cụ thể hơn mới có thể khẳng định được là nên tiếp tục hay dừng lại.

Có người cho rằng TKV sử dụng công nghệ thải ướt (thải cả hóa chất độc hại cùng với bùn đỏ ra ngoài rồi mới xử lý - pv) rẻ tiền, lạc hậu hoàn toàn giống công nghệ của Hungary là ý kiến của riêng của họ. Trong quá trình khảo sát, lập DA, TKV đã nghiên cứu kỹ việc sử dụng công nghệ thải ướt, đã so sánh cụ thể thải ướt với thải khô phân tích các yếu kỹ thuật, kinh tế mới đưa ra quyết định lựa chọn thải ướt và xây dựng hồ chứa bùn đỏ là phù hợp với địa hình khu vực Tây Nguyên. Trên thế giới có tới 60% các nước dùng công nghệ thải ướt.

Khi tính toán hiệu quả của DA, TKV cũng đã tính đến phương án vận tải bằng ô tô sẽ mang lại hiệu quả cho DA, được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định. Chi phí vận chuyển bình quân/năm là bao nhiêu tôi không nhớ. Còn về việc có ý kiến chê chất lượng sản phẩm của TKV, chỉ sản xuất ra được alumin với công nghệ lạc hậu, kém chất lượng đó là họ nói thế, còn thực tế sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và giá bán theo tiêu chuẩn quốc tế. Có ý kiến cho rằng, giá alumin trên 300 USD/tấn trong phương án của TKV không có tính cạnh tranh, giá alumin bằng khoảng 14%-16% của giá nhôm trên thị trường London (hiện giá này tương đương khoảng 375 USD/tấn) như vậy là cạnh tranh hay không cạnh tranh?”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng: Giá bán alumin không thể quá 275 USD/tấn

“Giá 370 USD/tấn theo cách tính của TKV là giá bán trên thị trường sở giao dịch hàng hóa, theo mức ký kết trong nhiều năm, nhưng khi lập dự toán cho DA không ai tính theo cách đó cả mà phải tính theo giá giao nhận ngay của thị trường thế giới. Giá alumin bằng 14-16% giá nhôm là cách tính không hợp lý, tôi khẳng định giá alumin sang năm sẽ không có loại nào bán trên được 270 USD/tấn, kể cả sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế. Huống gì, TKV đang dùng tiêu chuẩn theo công nghệ của Trung Quốc còn lạc hậu, không hiện đại. Nếu TKV muốn chứng minh tính hiệu quả của DA thông qua chất lượng, giá bán sản phẩm nên công bố chỉ tiêu chất lượng của alumin mà nhà thầu cam kết. Vậy công nghệ đó sẽ mang lại sản phẩm alumin của TKV có độ tinh khiết bao nhiêu, độ ẩm bao nhiêu, cỡ hạt như thế nào.

Còn về chi phí vận chuyển, DA Tân Rai, Nhân Cơ có công suất tổng cộng lên tới cả triệu tấn/năm, TKV tính toán vận chuyển bằng ô tô trên quãng đường khoảng 200 km tới cảng là hoàn toàn không thể được. Vì theo tính toán, vận chuyển bằng ô tô với khối lượng và cung độ như thế thì không được quá 10 km. Các DA của TKV phải vận chuyển bằng tàu hỏa, nhưng xây dựng tuyến đường ray dài hàng trăm km với độ cao của địa hình lên tới 800m lại càng khó thực hiện hơn”.

Anh Vũ (ghi)

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.