Tại xã An Cư, có 2 chiếc đò ngang thay phiên chở người, hàng hóa từ thôn Phú Tân qua thôn Tân Long và ngược lại. Ông Nguyễn Phùng (60 tuổi), người lái đò cho biết: “Tôi và chủ đò Nguyễn Văn Tuấn chia phiên chạy mỗi người một buổi. Tuy nhiên, những lúc cao điểm phải chạy cả hai đò cho kịp”.
Theo quan sát của chúng tôi, đò hoạt động liên tục. Mỗi chuyến ông Phùng chở khoảng 20 người, kèm xe máy, xe đạp, hàng hóa đủ loại. Thời điểm trước giờ vào học và tan trường, đò ông phải chở trên 40 học sinh ngồi chen với xe đạp, trong khi trên đò chỉ có vài chiếc phao loại nhỏ bỏ dưới gầm.
Hỏi về sự nguy hiểm, ông Phùng nói: “Mỗi lượt khách con gái tôi thu 1.000 đồng, xe máy 3.000 đồng, riêng học sinh và giáo viên không lấy tiền. Tôi biết nguy hiểm nhưng cũng phải chở vì giúp bà con và các cháu đến trường. Nếu chở số lượng ít thì các cháu sẽ trễ giờ vào lớp”.
Em Trần Đông Kha, học sinh lớp 8C, trường THCS Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Mỗi ngày em thường qua đò 2 lần, nếu ngày nào học thể dục, học nghề thì phải đi nhiều hơn”.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hòa và Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên trường Mầm non An Cư ngày nào cũng phải đi đò dạy học. Có hôm 2 cô về trễ, hết đò phải lội bộ qua chỗ cầu sập, bị nước cuốn trôi mất dép, suýt mất mạng.
Bà Nguyễn Thị Cừ (67 tuổi) ở đội 2 thôn Tân Long đi khám bệnh, ngồi trên đò run run vì sợ, nói: “Mong nhà nước mau làm cầu cho dân đi chứ kiểu này khổ quá”.
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Cường, Phó chủ tịch UBND xã An Cư, phân trần: “Xây cầu là việc lớn đòi hỏi cấp trên phải can thiệp, chúng tôi đã trình lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết. Hiện tại chúng tôi đã hướng dẫn người dân đi một con đường đất băng qua ruộng nhưng bà con chê xa, lún nên không đi. Chúng tôi cũng cấm học sinh đi đò nhưng tình trạng này cứ tái diễn”.
Điều đáng lo ngại hiện nay là hầu hết các chuyến đò này đã cũ, không có áo phao và người điều khiển không có giấy phép. Vậy mà những chuyến đò nặng trĩu vẫn “bình thản” qua sông trước sự chứng kiến của nhiều người.
Có lẽ, những vụ chìm đò ở bến Cà Tang (Nông Sơn - Quảng Nam), Chôm Lôm (Con Cuông - Nghệ An), hay vụ chìm đò sáng 30 Tết Kỷ Sửu làm 42 người chết ở tỉnh Quảng Bình vẫn không là bài học cho các chủ đò và các cấp chính quyền địa phương.
Trong khi đó, hiện nay tại xã An Hải cũng có 4 chiếc đò chở khách, học sinh đến xã An Ninh Đông và ngược lại cũng như tình trạng trên.
Bài, ảnh: Đào Tấn Trực
Bình luận (0)