Nguy hiểm từ cầu treo vượt suối ở Kon Tum

21/06/2022 04:42 GMT+7

Thời gian qua, người dân tại xã Đăk Na (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum) phải “đánh đu” trên những cây cầu treo tự chế đã xuống cấp, rất nguy hiểm.

Đường vào khu sản xuất của 93 hộ dân làng Kon Chai và Lê Văng (xã Đăk Na) phải đi qua những đoạn dốc thẳng đứng chỉ vừa một người đi. Một bên đường là ta luy dương đất cao quá đầu, bên còn lại là vực sâu. Ngăn cách tuyến đường với khu sản xuất là con suối Đăk Na rộng hàng chục mét. Nối hai bờ suối là cây cầu treo Nông Pot do người dân tự làm, được chắp vá tạm bợ bởi những tấm ván bìa, rộng khoảng 20 cm. Nhiều năm trước, cầu chỉ được dựng thô sơ bằng gỗ với tre để phục vụ đi lại.

Mùa mưa bão năm 2021, cầu bị cuốn trôi. Để đảm bảo an toàn, UBND xã đã hỗ trợ sắt thép để người dân làm lại cây cầu. Thành cầu sau đó được đan thêm những thanh sắt nhỏ bằng đầu ngón tay và nối với vài cây cột gỗ mục được chôn cố định hai bên bờ suối. Dù mới được làm lại nhưng người dân chỉ có thể đi bộ qua cầu. Nếu chạy xe máy chở nông sản thì đều phải đi qua lòng suối nước sâu quá đầu gối. Anh A Bêm (27 tuổi, ở làng Kon Chai, xã Đăk Na) cho biết người dân chỉ có thể đi lại, canh tác vào mùa khô khi nước cạn, còn vào mùa mưa thì không dám đi qua vì nước chảy xiết rất nguy hiểm. “Hễ trời mưa, nước dâng cao, khi xe máy qua thì nước ngập khiến xe tắt máy. Mình chỉ mong ngày nào cũng có nắng để qua lại đi làm rẫy không trơn trượt hay bị nước cuốn”, anh A Bêm nói.

Cây cầu vào khu sản xuất của 230 hộ tại thôn Đăk Rê 1 có thể đi xe máy, nhưng rất nguy hiểm

ĐỨC NHẬT

Tương tự, cây “cầu khỉ” dài hơn 60 m dẫn vào khu sản xuất của 230 hộ thuộc 3 thôn Đăk Rê 1, Đăk Rê 2 và thôn Hà Lăng (xã Đăk Na) cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu này được UBND xã làm vào năm 2009, với vật liệu đơn giản như sắt phi 6, ván, cột gỗ và dựng theo kiểu cầu treo. Nhiều lần cầu hư hỏng, xuống cấp, vì không có kinh phí nên chính quyền xã chỉ hỗ trợ sắt, thép còn người dân tự bỏ công sửa chữa.

Ông A Lối (53 tuổi, trú thôn Đăk Rê 1) cho hay hơn 10 năm nay, ông và người dân trong làng ngày nào cũng qua lại trên cây cầu này, đỡ phải lội suối. Tuy nhiên, xe máy đi lên cầu rất khó và nguy hiểm, đặc biệt là mùa mưa đến, mặt cầu làm bằng ván nên rất trơn trượt.

Theo ông A Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Na, 2 cây cầu này phục vụ việc đi lại, canh tác cho hơn 320 hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên do cầu xuống cấp trầm trọng, đến mùa thu hoạch nông sản, bà con không thể cõng nông sản qua cầu mà phải đèo qua suối, rất vất vả. “Vào mùa mưa bão, các cây cầu này thường bị lũ cuốn trôi khiến người dân không thể đến khu sản xuất canh tác. Cứ vài năm cầu lại trôi một lần, sau đó địa phương thường hỗ trợ người dân sắt thép làm lại cầu. Hiện địa phương đã đưa 2 cây cầu này vào danh mục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có phương án đầu tư, sửa chữa”, ông Dũng nói.

Theo thống kê của UBND H.Tu Mơ Rông, hiện trên địa bàn còn 18 cây cầu cần nâng cấp sửa chữa. Trong đó tại khu vực trung tâm huyện có 9 cây cầu cần nâng cấp sửa chữa, 9 cây cầu còn lại nằm ở các xã. Việc nâng cấp, sửa chữa là rất cần thiết, song địa phương vẫn đang gặp phải khó khăn bởi thiếu vốn thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.