Trong khi động mạch ở người sẽ cứng dần theo tuổi tác, một nhóm các nhà nghiên cứu do chuyên gia dịch tễ học Sara Adar thuộc Đại học Michigan (Mỹ) dẫn đầu vừa phát hiện rằng hàm lượng cao vượt mức của một chất ô nhiễm không khí có thể thúc đẩy tình trạng này. Cụ thể là ở 2 lớp trong cùng của động mạch cảnh. Do có nhiệm vụ bơm máu lên trán, đầu và não, động mạch cảnh bị thu hẹp hoặc tệ hơn nữa là bị tắc có thể gây nên tình trạng đột quỵ hết sức nguy hiểm. Và chứng xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch, đau tim và trụy tim.
|
Một cuộc nghiên cứu trước đây đã cho thấy tỷ lệ đột quỵ và đau tim cao hơn hẳn ở những khu vực ô nhiễm, nhưng các chuyên gia không thể chỉ ra cơ chế đằng sau sự liên hệ quái ác này. Trong báo cáo mới, nhóm của chuyên gia Adar, cùng với Joel Kaufman, giáo sư của Đại học Washington, đã có thể đo được chính xác độ dày của động mạch cảnh và liên hệ nó với dữ liệu không khí ô nhiễm. Cuộc nghiên cứu có sự tham gia của 5.362 người ở độ tuổi từ 45 đến 84, sống tại 6 thành phố khác nhau trên toàn nước Mỹ, gồm Chicago, Los Angeles, Baltimore, St.Paul, New York, Winston-Salem. Mỗi người trải qua 2 cuộc siêu âm động mạch cảnh cách nhau 3 năm. Kết quả thu được dùng để kết nối với dữ liệu về ô nhiễm không khí.
Trong khi thành động mạch của tất cả những người tham gia đều tăng khoảng 14 micromet/năm, động mạch của những người sống trong môi trường ô nhiễm tăng cao hơn 2% so với những người hít thở không khí trong lành hơn. Nghiên cứu này đã nhận được sự quan tâm trong cộng đồng các nhà khoa học, và nhận được giải thưởng Sandra A.Daugherty của Viện Tim Mỹ. Thú vị hơn nữa, các nhà nghiên cứu đồng thời phát hiện một thực tế quan trọng: việc giảm hàm lượng bụi ô nhiễm trong không khí có công dụng trì hoãn tình trạng xơ vữa động mạch. Việc đo đạc động mạch cảnh vẫn được xem là dấu hiệu cảnh báo tình trạng mạch máu bị dày lên trên toàn bộ cơ thể. Cuộc khảo sát tại các thành phố trên sẽ tiếp tục được triển khai thêm 7 năm nữa, do vậy các nhà nghiên cứu sẽ có nhiều thời gian theo dõi những người tham gia để xác định liệu sự tương quan giữa chất lượng không khí với nguy cơ tim mạch và đột quỵ sẽ duy trì trong tương lai.
Tụ Yên
>> Chết yểu vì ô nhiễm không khí
>> Không liên quan giữa viêm thấp khớp và ô nhiễm không khí?
>> Ô nhiễm không khí ảnh hưởng cân nặng trẻ
>> Doanh nghiệp Trung Quốc phát tài từ ô nhiễm không khí
>> 800.000 người châu Á chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm
>> Ô nhiễm không khí ảnh hưởng não người lớn tuổi
Bình luận (0)