Nguyễn Bính hành phương Nam - Bài 1: Ta và nhà ngươi

07/03/2010 23:34 GMT+7

Bài thơ Hành phương Nam của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính không chỉ có một phong cách rất lạ so với những bài thơ khác của ông, mà còn ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhà thơ. Mời nghe đọc bài

“Nhà ngươi” là ai ?

Nói bài thơ có phong cách lạ bởi người ta vốn quen với cái chất mộc mạc, mang phong vị ca dao trong thơ Nguyễn Bính, chẳng hạn: “Nắng mưa là bệnh của trời/Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” hoặc “Hồn anh như hoa cỏ may/Một hôm cả gió bám đầy áo em”... Cho nên khi gặp cái chất hào sảng, khí phách trong Hành phương Nam thì người đọc cảm thấy bất ngờ, thú vị: “Đôi ta lưu lạc phương Nam này/Đã mấy mùa qua én nhạn bay/Xuân đến ngập trời hoa rượu nở/Riêng ta nhà ngươi buồn vậy thay... Tôi thích nhất là những câu xưng hô “ta với nhà ngươi”: “Thế nhân mắt trắng như ngân nhủ/Ta với nhà ngươi cả tiếng cười... Ngươi ơi, ngươi ơi hề ngươi ơi/Ngươi về bên ấy sao mà lạnh/Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi... “Ta” thì đã hẳn là Nguyễn Bính, nhưng còn “nhà ngươi”?

Cách đây 15 năm, tôi có hỏi chị Hồng Cầu (con gái nhà thơ Nguyễn Bính): “Nhân vật được Nguyễn Bính gọi là “nhà ngươi” trong bài thơ Hành phương Nam là ai?”. Chị trả lời: “Là ông Hoàng Tấn đấy!”.

Vài bữa sau, nhà thơ Kiên Giang dẫn tôi đến thăm nhà văn Hoàng Tấn. Ông sống đơn chiếc cùng với cô con gái ruột trong một căn hộ nhỏ nằm trên lầu hai cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM). Nhà ông chật hẹp nhưng trông hệt như một... bảo tàng văn học. Những bài thơ của các thi hữu thân thiết, hoặc những bài báo (tranh ảnh) viết về họ, đều được ông cắt dán trang trọng kín những bức vách. Dạo đó, nhà thơ Kiên Giang đã qua ngưỡng “cổ lai hy”, Hoàng Tấn lớn tuổi hơn, độ ngoài tám mươi. Ấy vậy mà trí nhớ của cả hai lão thi nhân thật tuyệt vời. Gặp nhau họ chuyện vãn như... lân gặp pháo.

Hơn cả vợ và người tình

Nhà văn Hoàng Tấn và Nguyễn Bính thân nhau đến nỗi ông Hoàng Tấn “tự hào” rằng còn thân thiết hơn cả những người tình, những bà vợ của Nguyễn Bính. “Ồ, thế ra Nguyễn Bính đã xa tôi đúng 20 năm rồi ư? Một tia chớp thời gian. Hai thập niên vèo bay! Không, Nguyễn Bính vẫn còn đây, vẫn ở bên tôi ngày đêm tâm sự, cùng nhau xướng họa, ngâm vịnh, cùng nhau xẻ ngọt chia sầu. Trong phòng tôi, trên tường, di bút Nguyễn Bính còn đó. Những thư từ Nguyễn Bính viết cho tôi vẫn còn đây. Những bài thơ trong bản thảo của Nguyễn Bính tôi trân trọng giữ gìn cũng như gìn giữ những tấm ảnh của Bính chụp trong nhiều giai đoạn khác nhau. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mất Nguyễn Bính... Nếu tính đến nay (1986), tình bạn của chúng tôi kéo dài còn hai năm nữa là tròn nửa thế kỷ...” (trích Nguyễn Bính - một vì sao sáng - Hoàng Tấn, NXB Đồng Nai, 1999).

Hoàng Tấn - Ảnh: Tư liệu

Nhà văn Hoàng Tấn kể, khoảng năm 1939 ông vào Sài Gòn thử thời vận bằng cách dấn thân vào “trường văn, trận bút”. Khi đã có công việc ổn định, tháng 8.1943 ông gửi thư về Bắc rủ Nguyễn Bính, Trúc Đường (anh ruột Nguyễn Bính) và Thâm Tâm vào Nam để chuẩn bị cho “bộ khung” tờ Hạnh phúc (bộ mới) do Võ Tuấn Khanh làm chủ nhiệm sắp ra đời. Khoảng một tháng sau thì Nguyễn Bính xuất hiện ở Sài Gòn lần thứ hai (lần đầu Nguyễn Bính vô Nam vào những năm cuối thập niên 30, thế kỷ trước), cùng đi với ông không phải là Trúc Đường, Thâm Tâm mà là Tô Hoài và Vũ Trọng Can.

Ở Sài Gòn, Hoàng Tấn cùng với hai người bạn thuê một căn nhà lợp ngói, nằm trong một vườn cây ăn trái ở khu vực chợ Nancy (Nguyễn Văn Cừ hiện nay). Họ đón Nguyễn Bính về ở chung. Nguyễn Bính rất thích ngôi nhà này và đặt tên là “Lan Chi Viên”. Từ đó, Lan Chi Viên trở thành câu lạc bộ Tao đàn, thường xuyên là nơi họp mặt của một bộ phận thuộc giới trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn thời bấy giờ với những cái tên: Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều, Khổng Dương, Nam Châu, Thiện Minh, Xuân Miễn, Ngân Hà, Nguyễn Đức Hinh... Ngoài ra còn có một số thân hữu, sinh viên học sinh yêu mến thi tài của Nguyễn Bính vẫn thường lui tới. Hồi đó, hầu như dân Sài Gòn đều ăn cơm tiệm cho tiện, khỏi phải củi lửa nồi niêu, đỡ tốn thời gian để còn làm việc. Cho nên, mỗi chủ nhật ở Lan Chi Viên đều tổ chức nấu cơm gia đình, họp mặt bạn bè trong không khí thơ văn ấm cúng. Những buổi như thế, việc bếp núc đều do Nguyễn Bính đảm trách. Không chỉ sành sõi trong việc nấu nướng (chính xác là làm “mồi” nhậu), Nguyễn Bính còn rất am hiểu về cách pha trà, chọn rượu... Những bữa cơm gia đình như thế thường kéo dài bất kể thời gian, miễn sao tửu lượng vẫn còn, thi hứng vẫn dào dạt và... tiền trong túi chưa cạn!

Riêng với Hoàng Tấn, Nguyễn Bính “phóng bút” (chữ của Hoàng Tấn) một bài thơ tặng bạn: “Trải bao nhiêu núi sông rồi/Đến đây lại vẫn hai người chúng ta/Con đò thì nhớ sông xa/Con người hỏi nhớ quê nhà bao nhiêu?/Cùng thơ và lại cùng nghèo/Thương nhau được mãi nên chiều được nhau/Rối lên, ôi những mái đầu/Sáng lên vô hạn, ôi màu mắt xanh/Ở đây cát bụi kinh thành/Giàu sang một bước, công danh một giờ/Anh em mình, một dòng thơ/Lấy chi ngoi được lên bờ vinh quang/Giữ cho trọn tấm lòng vàng/Võng đào tán tía nghênh ngang mặc người” (bài Trải bao nhiêu núi sông rồi).

“Hai ta lưu lạc phương Nam này”, dù nổi tiếng như cồn song giữa chốn phồn hoa đô hội “giàu sang một bước, công danh một giờ”, Nguyễn Bính vẫn ân cần dặn dò bạn “giữ cho trọn tấm lòng vàng”...

(Còn tiếp)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.