Nguyễn Bính hành phương Nam - Bài 2: Giai thoại ở Sài Gòn

08/03/2010 22:36 GMT+7

Phiêu bạt giữa chốn phồn hoa đô hội Sài Gòn mà cái nghèo luôn là bạn đồng hành, thế nên Nguyễn Bính lúc nào cũng cần tiền.

Tuy nhiên, không phải vì cần tiền mà đánh mất lòng tự trọng - Nguyễn Bính đã để lại trong lòng bạn bè nhiều giai thoại lý thú...

Chơi khăm trọc phú

Một lần chủ nhiệm tờ Dân Báo thông qua Tế Xuyên (Léon Sanh) nhờ Nguyễn Bính làm một bài thơ để đăng trên số báo đặc biệt Xuân Giáp Thân. Bài thơ viết về một xóm nhỏ bên kia Cầu Kinh, nơi có khu nhà nghỉ nằm ven sông Sài Gòn của một “đại gia” họ Nguyễn (khu vực Thanh Đa ngày nay). Bài thơ của Nguyễn Bính mang tên Xóm Dừa: “Lối đỏ như son tới Xóm Dừa/Ngang cầu điểm điểm giọt mưa thưa/Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá/Tôi đã xây tròn sự nghiệp chưa?”. Còn đây là khổ thơ cuối: “Ở lại kinh thành với bút nghiên/Đêm đêm quán trọ thức thi đèn/Làm thơ bán lẻ cho thiên hạ/Thiên hạ đem thơ đọ với tiền”.

Ông chủ nhiệm tờ Dân Báo không thích hai câu cuối, nên nói với Tế Xuyên nhờ thi sĩ sửa lại. Nể bạn, Nguyễn Bính thay bằng: “Xót xa một sớm soi gương cũ/Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền!”. Hai câu này cũng chưa làm ông chủ báo hài lòng, đề nghị sửa thêm lần nữa. Nguyễn Bính khước từ. Báo sắp lên khuôn, bài thơ đã được “rao” (quảng cáo) trước, thành thử Tế Xuyên phải năm lần bảy lượt làm thuyết khách. Cuối cùng thì bài thơ cũng được đăng báo, nằm ở vị trí trang trọng với hai câu cuối như sau: “Xót xa một sớm xòe năm ngón/Thấy chết lòng tay vệt trái tim”.

 

Nguyễn Bính qua nét vẽ Tạ Tỵ - Ảnh: T.L

Hai ngày sau khi báo phát hành, Nguyễn Bính đến tòa soạn đòi nhuận bút (các báo hồi đó chưa có chế độ nhuận bút, chỉ có những cây bút nổi tiếng thì chủ báo mới bất đắc dĩ chi cho một khoản tiền khiêm tốn - NV). Ông chủ tờ Dân Báo bảo thủ quỹ trao cho Nguyễn Bính 10 đồng. Nguyễn Bính chê ít, không nhận.

Ông chủ giải thích: “Với các văn sĩ nổi tiếng, bài nào tôi trả cao nhất cũng chỉ tới 5 đồng. Riêng với ông, tôi có cảm tình đặc biệt...”. Ông chủ báo chưa dứt lời thì Nguyễn Bính đã ném xấp tiền tung tóe dưới đất rồi ung dung ra về trước sự kinh ngạc của nhiều người có mặt... Chiều hôm đó, Tế Xuyên tìm đến Lan Chi Viên, ân cần xin lỗi và trao cho Nguyễn Bính 50 đồng. Một trường hợp hy hữu trong làng báo Sài Gòn thời bấy giờ.

Sau khi báo đăng bài thơ Xóm Dừa thì Nguyễn Bính rất được “đại gia” họ Nguyễn biệt đãi và thường mời thi sĩ đến khu nhà nghỉ ở Thanh Đa chơi. Trong một lần đến chơi như thế, Nguyễn Bính được chủ nhân biếu 500 đồng (giá vàng thời điểm này khoảng 60 đồng/lượng - NV).

Sau đó ít lâu, cô em họ của “đại gia” này phát biểu sao đó làm xôn xao làng báo và thương tổn đến danh dự nhà thơ. Nguyễn Bính nổi sung, tương ngay lên mặt báo: “Trọc phú ti toe bàn sách vở/Điếm già tấp tểnh nói văn chương/Chúng coi đồng bạc to hơn núi/Lại học đòi theo thói Mạnh Thường”. Anh em “Nguyễn đại gia” cay hơn ăn ớt.

Chưa hết, Nguyễn Bính còn thuê một lúc 3 chiếc xích lô: chiếc thứ nhất chở cái vali, chiếc thứ hai chở chồng sách báo và... đôi giày, còn Nguyễn Bính thì chễm chệ “ngự” trên chiếc thứ ba - cứ vòng qua, vòng lại hàng chục lần trước tư dinh của “Nguyễn đại gia” nằm trên đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng). Dân Sài Gòn đứng coi chật đường và cho đó là “một... kỳ quan!” (chữ của nhà văn Hoàng Tấn).

Tập thơ trị giá 5 lượng vàng

Nhà văn Hoàng Tấn kể: “Một hôm Nguyễn Bính hỏi tôi: Làm thế nào có tiền mà không... bẩn. Tôi bày kế cho Bính, Bính khen hay và bắt tay vào thực hiện. Vậy là Nguyễn Bính mua mực tàu, giấy hồng đào suốt ngày “rị mọ” nắn nót (chữ Nguyễn Bính rất đẹp). Năm hôm sau, người ta đọc được mẩu quảng cáo trên báo: “LỠ BƯỚC SANG NGANG - Tập thơ viết tay của thi sĩ Nguyễn Bính, để trong tủ kính lớn của hiệu sách Nguyễn Khánh Đàm ở đường Sabourain. Tập sách vô giá này, chúng tôi sẽ dành tặng cho người nào trả giá cao nhất. Bạn yêu thơ nào đoạt được cuốn sách này sẽ được tác giả viết lời đề tặng ở đầu cuốn sách với chữ ký và triện son”...

Cuối cùng, cuốn thơ viết tay thuộc về một nhà thầu khoán mê thơ tên Trần Sỹ Nghi với giá... 300 đồng (tương đương 5 lượng vàng thời bấy giờ). Trần Sỹ Nghi còn đặt tiệc chiêu đãi tại tư gia trên đường Duranton (Sương Nguyệt Anh bây giờ) với hơn 50 tân khách chỉ để thi sĩ ghi lời tặng và ký tên vào sách (triện son đã đóng sẵn). Bữa tiệc kéo dài đến quá nửa đêm, giúp vui còn có các nữ nghệ sĩ lần lượt ngâm ba bài trong tập Lỡ bước sang ngang... Sau này, gia đình Trần Sỹ Nghi sang Pháp sinh sống, tài sản khánh kiệt nhưng vẫn giữ cuốn thơ chép tay ấy như vật gia bảo”.

Trong tác phẩm Giọt mật cho đời (NXB Văn hóa thông tin, 1994), tác giả Phạm Tường Hạnh kể rằng dạo đó trừ những tờ báo thân Pháp, được Pháp chi tiền thì tồn tại khá lâu, còn những tờ báo tư nhân đứng đắn “thọ” lắm cũng chỉ được dăm ba năm là đình bản.

Nổi tiếng như tờ Phụ nữ tân văn mà cũng chỉ sống được hơn 4 năm. “Vậy mà có hôm Lê Tràng Kiều hỏi tôi (Phạm Tường Hạnh - NV): “Cậu nghĩ thế nào khi có bạn đọc yêu thơ Nguyễn Bính đến nỗi đặt mua một lúc 20 năm báo?”. Tôi cười nghĩ đất Sài Gòn này cũng không thiếu những kẻ lập dị, chơi ngông. Nhưng Lê Tràng Kiều nói tiếp: “Bọn mình nghĩ bà ta nhầm nên hỏi lại: Thưa bà, bà muốn mua 2 năm báo của chúng tôi? Người phụ nữ đó trả lời: Không, tôi đặt mua 20 năm để ủng hộ tờ báo tôi yêu thích. Mọi người trong tòa soạn đều biết rằng đây là một độc giả đặc biệt yêu thích thơ Nguyễn Bính, cho nên ông chủ chỉ cho phép thu vào quỹ một năm báo, còn số tiền 19 năm báo kia bỏ vào phong bì cho người đưa tới nhà Nguyễn Bính”.

Khi Lê Tràng Kiều tiết lộ tên người phụ nữ “chịu chơi” ấy, Phạm Tường Hạnh mới biết đó chính là Loan - cô em bà con của mình, người đẹp phố Cầu Gỗ (Hà Nội), vợ của họa sĩ Nhan Chí. Chàng họa sĩ vốn quê vùng Xóm Thuốc (nay thuộc Gò Vấp, TP.HCM) ra Hà Nội học trường Mỹ thuật và ở trọ trong nhà cô Loan, một cô gái rất mê thơ Nguyễn Bính. Cô thuộc gần như tất cả những bài thơ của Nguyễn Bính và đọc chúng gần như suốt ngày. Rồi gia đình của Nhan Chí từ Sài Gòn ra Hà Nội xin cưới vợ cho con trai. Ngày Loan từ giã Hà Nội theo chồng vào Nam, cô đã làm cả nhà bật khóc khi vừa bước ra cửa bỗng quay lại, ôm chầm lấy mẹ nức nở: “Lần này con bước chân đi/Là con không hẹn lần về nữa đâu...” (Lỡ bước sang ngang). (Còn tiếp)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.