Nguyễn Bính hành phương Nam - Bài 5: Người “nghệ sĩ chiến binh” Đồng Tháp Mười

11/03/2010 23:26 GMT+7

Năm 1943, Nguyễn Bính và một số bạn bè văn nghệ từ miền Bắc đã “thâm nhập” vào làng báo Sài Gòn. Hai năm sau, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Nguyễn Bính có mặt trong đoàn người khởi nghĩa.

Nguyễn Oanh chinh phục Nguyễn Bính

Từ một nhà thơ diễm tình lãng mạn, điều gì đã khiến Nguyễn Bính chuyển hướng: dùng ngòi bút của mình để đấu tranh, phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc?

Thời điểm Nguyễn Bính có mặt ở Sài Gòn, với tên tuổi đã vang danh khắp nước, tác giả của Lỡ bước sang ngang luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi người. Quanh Nguyễn Bính ngoài những bạn thơ, những độc giả yêu mến thơ ông còn có những tay trọc phú, những chính khách săn đón thi nhân ra cái điều ta đây cũng biết “chiêu hiền, đãi sĩ”. Đặc biệt trong số những người thường lui tới với Nguyễn Bính có Nguyễn Oanh (Tư Oanh) đang hoạt động bí mật (phụ trách tuyên truyền của Thành ủy Sài Gòn-Gia Định). Dần dần, Nguyễn Oanh chiếm được cảm tình của Nguyễn Bính. Khi đã có thể nhỏ to tâm sự với nhau, Nguyễn Oanh thường phân tích thời cuộc cho Nguyễn Bính nghe: chiến tranh thế giới đang đến hồi căng thẳng, ở Việt Nam, phát xít Nhật nhảy vào hất cẳng thực dân Pháp. Nhân dân ta một cổ mấy tròng: Pháp, Nhật, địa chủ, phong kiến. “Thanh niên bây giờ nên làm một cái gì đó giúp ích cho phong trào, Lưu Hữu Phước đã có những bài hát hừng hực khí thế Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên... Không lẽ tài thơ như Nguyễn Bính mà cứ quanh quẩn mãi với những bài thơ yêu đương và những ly sầu...”.

Nguyễn Bính cũng nhận thức được điều này, nhưng để có sự chuyển hướng  sáng tác không dễ chút nào. Để có cảm hứng sáng tác với đề tài hòa nhập cùng thời cuộc, Nguyễn Bính đã có một cuộc “hành hương” về những địa danh đã gắn liền với tên tuổi của các lãnh tụ khởi nghĩa, những sĩ phu yêu nước: Bùi Hữu Nghĩa, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị... Ở đây, Nguyễn Bính được các thân hào, nhân sĩ Nam Kỳ tiếp đón ân cần, nhờ đó ông nhập cuộc được ngay vào khí thế sôi nổi của miền Nam trong những ngày chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa...

Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc

Trong tác phẩm Giọt mật cho đời, nhà văn Phạm Tường Hạnh viết: “Đêm 24.8.1945 Nguyễn Bính đã cùng theo với phong trào của thị xã Mỹ Tho, bằng các loại xe buýt, xe con, xuồng, ghe, ca-nô, trực chỉ Sài Gòn cùng các địa phương khác. Đúng 5 giờ sáng ngày 25.8.1945, cách mạng chiếm lĩnh tất cả các mặt đường, các công sở, đã giành được thắng lợi cuối cùng cho địa bàn cực kỳ quan trọng ở Nam Bộ này... Tôi đã trông thấy cái miệng cười rộng mở của anh cùng với hai tay giương cao ngọn cờ phất phới như chưa bao giờ sung sướng như vậy... Ngày 23.9.1945, cuộc kháng chiến Nam Bộ bùng nổ. Chúng tôi bặt tin về Nguyễn Bính. Nhiều anh em viết thư, nhắn gửi nhau cần tìm bằng được Nguyễn Bính, đưa anh ra chiến khu. Đó không phải chỉ riêng vì tình cảm bạn bè mà thấy anh là tài năng của đất nước...”.

Nguyễn Bính đi đâu?

Thì ra sau khi giành thắng lợi ở Sài Gòn, Nguyễn Bính được các cán bộ nòng cốt ở Mỹ Tho (bác sĩ Dương Tấn Tươi, nhà thơ Bảo Định Giang...) đưa về để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ở quê hương Thủ Khoa Huân. Nhưng rồi Pháp tái chiếm Sài Gòn và đánh lan qua các vùng khác. Chiến sự diễn ra ác liệt khắp nơi... Nguyễn Bính đứt liên lạc với tổ chức liền đi về Hà Tiên ở nhà của nhà thơ Đông Hồ. Được ít lâu thì gia đình Đông Hồ chạy tản cư ngược lên Sài Gòn, Nguyễn Bính không đi theo mà tìm về Rạch Giá, rồi tình cờ gặp gỡ tạo nên mối duyên thơ với Kiên Giang - Hà Huy Hà (giai đoạn Nguyễn Bính ở với nhà thơ Đông Hồ cũng như gặp gỡ Kiên Giang chúng tôi đã đề cập ở những bài trước).

Như đã nói ở trên, Nguyễn Bính đi đến đâu cũng tạo được sự chú ý của dân sở tại. Ở Rạch Giá, ông được Mặt trận Việt Minh tỉnh mời nói chuyện trước công chúng về thơ văn chống ngoại xâm của tiền nhân. Ông đã ngâm sang sảng những áng văn của Thủ Khoa Huân, Thủ Khoa Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu... rồi người ta yêu cầu tác giả Lỡ bước sang ngang đọc thơ của chính mình và ông đã ngâm: “Thà rằng chết giữa chiến trường/Còn hơn chết ở trên giường thê nhi”. Hai câu thơ này nhanh chóng lan truyền, trở thành câu hò mênh mang trên sông nước Nam Bộ.

Sau buổi đọc thơ, Mặt trận Việt Minh tỉnh Rạch Giá mời ông về làm công việc thường trực cơ quan chuyên lo văn thư. Những công văn, chỉ thị của cấp trên, nếu có kèm theo những nhận xét, ý kiến chỉ đạo thì Nguyễn Bính lại “chuyển” sang văn vần (thơ), chẳng hạn một tờ giấy báo tử được gửi đến bà mẹ có con là chiến sĩ vừa hy sinh: “Đêm đêm mẹ đốt cây hương ngát/Mẹ khấn đôi lời con có nghe/Vì nước bỏ mình là bất tử/Xưa nay chinh chiến mấy ai về”. Bà con lối xóm, các cụ phụ lão đến chia buồn cùng gia đình ai cũng nhẩm đọc bài thơ và xuýt xoa khen ngợi. Câu cuối tuy là dịch từ một câu thơ Đường (Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi), nhưng vẫn là một bài thơ hay, hợp thời hợp cảnh. Bà mẹ có con hy sinh cũng cảm thấy tự hào. Tờ giấy báo tử bằng thơ được lồng khung treo trang trọng trên bàn thờ cùng với di ảnh liệt sĩ.

Khi Pháp chiếm được Cần Thơ rồi đánh xuống Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên... Nguyễn Bính theo cơ quan vào chiến khu Đồng Tháp Mười và trở thành người “nghệ sĩ chiến binh” thuộc Tiểu ban Tuyên Văn - Phòng Chính trị, Bộ tư lệnh Khu 8. Tiểu ban này do nhà thơ Bảo Định Giang phụ trách chuyên lo bài vở cho tờ báo Tổ Quốc, Nguyễn Bính là cây bút chủ lực về mảng thơ của tờ báo này. Như cá gặp nước, thơ của Nguyễn Bính thỏa sức vùng vẫy trên tờ Tổ Quốc, không phải là những bài thơ ngắn mà là những trường ca: “Bảy trăm ngàn mẫu đất/Sớt chia bốn tỉnh miền Nam/Khăng khít biên thùy Chùa Tháp/Nằm trong tay trái Cửu Long Giang… Kể từ khi/Đặt chân lên đất nước này/Giặc Pháp giở trò xâm lược/Ngậm hờn vong quốc/Tháp Mười chung oán hận với non sông…” (Đồng Tháp Mười).

Giặc Pháp và bọn bồi bút tay sai luôn tìm cách lôi kéo Nguyễn Bính từ bỏ kháng chiến về Sài Gòn với những hứa hẹn hấp dẫn, nhưng Nguyễn Bính vẫn son sắt đi theo cách mạng. Để trả lời chúng, ông viết trường ca Những dòng tâm huyết, kể ra những tội ác của giặc Pháp, cuối mỗi đoạn kể tội là một câu hỏi: “...Đất nước nhục như thế/ Anh ngồi yên sao đành?”. Ông còn viết trường ca Hương kể tội giặc Pháp bắt bớ, hãm hiếp phụ nữ. Hai tập trường ca sau được in trên giấy tốt, bìa đẹp gửi thẳng về Sài Gòn thay cho câu trả lời của Nguyễn Bính... (Còn tiếp)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.