'Nguyễn Hà Đông phiên bản Mỹ' và câu chuyện Slither.io kiếm 2 tỷ đồng một ngày

24/06/2016 21:01 GMT+7

Những trò chơi vô cùng đơn giản tưởng chừng không mang lại thành công, nhưng lại trở thành hiện tượng game toàn cầu và lan toả một cách nhanh chóng.

Tương tự như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông gây sốt với cộng đồng game thủ trên toàn thế giới vào đầu năm 2014, Slither.io của lập trình viên Steven Howse hiện đang là một trong những game online đáng chú ý nhất trong vài tháng trở lại đây. Được phát triển bởi một người, không chi tiền cho quảng cáo, rất khó để đạt điểm cao là những điểm tương đồng giữa Slither.io của Steven Howse và Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông.

Steven Howse, Slither.io và câu chuyện về Nguyễn Hà Đông phiên bản Mỹ

Mới đây, tờ The Wall Street Journal đã đăng tải một bài viết kể về hành trình phát triển Slither.io của Steven Howse, người được coi là "Nguyễn Hà Đông phiên bản Mỹ". Để các bạn có thể hiểu rõ hơn về hành trình phát triển "răn săn mồi online" Slither.io của Steven Howse, Thanh Niên Game xin được lược dịch lại bài viết của The Wall Street Journal. Mời các bạn cùng theo dõi nhé.

Steven Howse, Slither.io và câu chuyện về Nguyễn Hà Đông phiên bản Mỹ

Chỉ ba tháng trước, Steven Howse vẫn còn phải vật lộn để trả tiền thuê nhà, nhưng giờ đây, điều mà lập trình viên 32 tuổi này quan tâm chính là cố gắng giữ cho Slither.io, tựa game đang có doanh thu hơn 100.000 USD mỗi ngày, hoạt động một cách trơn tru. Trong thế giới của Slither.io, những sinh vật có hình dáng giống như rắn, cạnh tranh với nhau để nuốt thức ăn. Trò chơi này này hiện nằm trong top 10 những ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất và vẫn trụ vững ở đó cùng với các ứng dụng của các hãng công nghệ hàng đầu như Facebook hay YouTube, kể từ khi nó được tải lên vào ngày 25.03.2016 trên cả App Store và Google Play.

[mecloud]hgYHQO6MGw[/mecloud]

Howse cho biết, Slither.io đã có hơn 68 triệu lượt tải về trên các thiết bị di động, và có trung bình 67 triệu người chơi hàng ngày trên các trình duyệt web. Hiện có hơn 3,6 triệu ứng dụng di động, trong số đó có khoảng 950.000 trò chơi, trong các cửa hàng ứng dụng trên toàn thế giới, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Super Data Research. Sự xuất hiện của Slither.io cho thấy cách một trò chơi có thể bất ngờ trở nên phổ biến và hấp dẫn, ngay cả trong môi trường luôn phải chịu cạnh tranh khốc liệt và luôn phải đối mặt với những khó khăn, đặc biệt là đối với các startup nhỏ trong việc quản lý sự bùng nổ bất ngờ của sản phẩm do mình sản xuất.

Steven Howse, Slither.io và câu chuyện về Nguyễn Hà Đông phiên bản Mỹ

Howse cố giữ sự ổn định của trò chơi trong tình trạng bối rối. "Khi máy chủ quá tải, tất cả người chơi đôi khi bị đá văng ra ngoài", lập trình viên tự học này chia sẻ. Có đến 500 người có thể chơi cùng một lúc. Tạo ra một trò chơi dựa trên mức độ tương tác của cộng đồng là việc "khá kỳ công", Sartori Bernbeck, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu EEDAR, nhận định. "Đó là một siêu tham vọng".

Howse đã mất nhiều tuần để tìm kiếm máy chủ tại những khu vực có nhu cầu chơi tăng đột biến. Anh cho biết mình đang cố gắng tiết kiệm tiền bằng cách tránh sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây của Amazon hoặc Alphabet. "Nó cực kỳ tốn kém bởi số lượng lớn đường truyền mà trò chơi này sử dụng", Howse tâm sự. Slither.io đã mang về lợi nhuận và Steven Howse trả khoảng 15.000 USD hàng tháng cho Apple và Google, trong đó bao gồm tiền dịch vụ máy chủ và cả một phần tiền thu được từ ứng dụng.

Steven Howse, Slither.io và câu chuyện về Nguyễn Hà Đông phiên bản Mỹ

Ý tưởng về một trò chơi như Slither.io đã được hình thành từ vài năm trước, khi Howse nhận thấy sự phổ biến ngày càng gia tăng của Agar.io, một trò chơi trực tuyến đơn giản cho phép nhiều người chơi cùng lúc. Trong giai đoạn ấp ủ ý tưởng đó, các rắc rối liên quan đến vấn đề tài chính buộc anh phải rời khỏi Minneapolis (Mỹ) vào tháng 4 vừa qua, và chuyển đến Michigan. Không lâu sau, Slither.io ra đời. Rõ ràng, Slither.io là một trò chơi gây nghiện, miễn phí, dễ chơi và dường như không có điểm dừng.

Sau 6 tháng phát triển trò chơi, Howse không chi một xu nào cho quảng cáo. Điều đó không cần thiết, bởi có nhiều tài khoản YouTube tự đăng lên những video quay lại cảnh họ chơi trò chơi này. Trong số đó bao gồm cả Felix "PewDiePie" Kjellberg, người đang có hơn 47 triệu người theo dõi. Trò chơi bùng nổ, để kiếm tiền, Howse phải dựa vào quảng cáo. Người chơi có thể chi 3,99 USD để loại bỏ quảng cáo xuất hiện khi họ thua. Ngoài ra, anh không bán tiền ảo hoặc vũ khí trong trò chơi. Theo chia sẻ của Howse, đa số người chơi chấp nhận việc xem quảng cáo.

[mecloud]iNx2MgTOYr[/mecloud]

​Những quảng cáo này bỏ vào túi Howse không đến 1 xu (tương đương 0,01 USD) mỗi khi một người chơi nhìn thấy nó. Nhưng với lượt thua trung bình lên đến 460 triệu mỗi ngày, con số nhân lên là rất lớn. Howse từ chối tiết lộ anh đã thu về bao nhiêu cho đến nay, nhưng cho biết con số đó bao gồm "bảy chữ số" (từ 1 đến 9 triệu USD). "Việc này có vẻ giống như xổ số kiến thiết", Howse nói. "Nếu nó không hiệu quả, tôi đã lên kế hoạch để có được một công việc tại siêu thị hay gì đó đại loại thế".

Maratha Binder Oppeda phát hiện Slither.io cách đây một tháng trên YouTube. Cô thích việc cạnh tranh với người chơi khác, nhưng có thể sẽ ngừng chơi một khi cô ấy đứng đầu bảng xếp hạng trong một màn chơi. "Không có nhiều thứ khác để thực hiện sau đó", cô gái 19 tuổi đến từ Bergen (Na Uy), cho biết. Giữ người chơi vui vẻ là một thách thức chung đối với các nhà phát triển trò chơi trên điện thoại di động. Gần đây, Howse cũng đã bổ sung trình điều khiển mới, chế độ chơi đơn và hướng đến việc thêm chế độ chơi theo đội.

Steven Howse, Slither.io và câu chuyện về Nguyễn Hà Đông phiên bản Mỹ

Steven Howse nói rằng, anh đang suy tính đến chuyện bán Slither.io, sau khi nhận được lời đề nghị từ hai công ty game lớn và một hãng đầu tư mạo hiểm. Anh thừa nhận mình phải trải qua những giai đoạn căng thẳng. Tuy nhiên, "đó là vấn đề mà hầu hết mọi người đều sẽ ghen tị để có được", Howse nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.