Nguyên lãnh đạo Điện lực TP.HCM bị đề nghị từ 5 - 7 năm tù

29/05/2009 00:11 GMT+7

Sáng 28.5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “cố ý làm trái...” xảy ra tại Điện lực TP.HCM bước sang phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP.HCM thừa ủy quyền giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Theo đó, Lê Văn Hoành (nguyên Phó giám đốc Điện lực TP.HCM) và Trần Thị Liên (nguyên Phó chủ tịch HĐQT Công ty Linkton Vina) cùng bị đề nghị mức án cao nhất từ 6 - 7 năm tù; Lê Minh Hoàng (nguyên Giám đốc Điện lực TP.HCM) và Trần Công Điền (nguyên Phó tổng giám đốc Linkton Vina) cùng bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù; các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 đến 5 năm tù (trong đó có 3 bị cáo Công ty Linkton Vina được đề nghị cho hưởng án treo) cùng về một trong hai tội “cố ý làm trái...” và “sản xuất, mua bán hàng giả”.

Ngoài ra, vị công tố còn đề nghị giải tỏa kê biên tài sản cho các bị cáo vì Công ty Linkton Vina đã nộp hơn 8,1 tỉ đồng cam kết bồi thường, khắc phục thiệt hại nên không buộc các bị cáo thuộc Điện lực TP.HCM bồi thường. Trái lại, các bị cáo thuộc Công ty Linkton Vina phải liên đới bồi thường khắc phục thiệt hại do việc sản xuất 312.000 chiếc ĐKĐT giả nhãn mác.

Trong phần bào chữa cho ba bị cáo Lê Minh Hoàng, Lê Văn Hoành, Trần Công Điền vào buổi chiều, các luật sư đều đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo không phạm tội. Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (bào chữa cho Trần Công Điền) trình bày, bản chất sự việc là Linkton Vina có hợp đồng gia công lắp ráp ĐKĐT cho Linkton Singapore. Vì vậy, Linkton Vina nhập linh kiện để thực hiện hợp đồng gia công như đã thỏa thuận, sản xuất ĐKĐT thật chứ không phải hàng giả như quy buộc. Linkton Vina chỉ thực hiện ủy quyền giao ĐKĐT cho Điện lực TP.HCM. Vì vậy, không có trách nhiệm phải đăng ký chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, Linkton Vina đã đăng ký ở Indonesia, đăng ký này có giá trị ở Việt Nam.

Bào chữa cho Lê Minh Hoàng, luật sư Nguyễn Văn Trung cho rằng, ngày 1.2.2005, EVN ban hành quyết định phân cấp cho các điện lực chịu trách nhiệm toàn bộ đối với gói thầu từ 30 tỉ đồng trở xuống, không cần duyệt kế hoạch. Vì vậy, việc tự ý quyết định đấu thầu mua 10.000 ĐKĐT (dưới 30 tỉ đồng) nếu có trái kế hoạch đã được duyệt thì đến nay cũng không còn vi phạm. Ngoài ra, Linkton Singapore đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận. Do đó, nhãn hiệu Linkton, Singapore trên ĐKĐT 1 pha LTE66 hoàn toàn đúng. Thiếu sót ở đây chỉ là ghi không đầy đủ dòng chữ “lắp ráp bởi Linkton Vina” hoặc “Assembly by Linkton Vina” trên nhãn hiệu hàng hóa. Như vậy, ĐKĐT LTE66 không phải là hàng giả, sai phạm này nếu có chỉ là sai phạm về sở hữu công nghiệp không phạm tội hình sự.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.