Nguyên tắc 3: Thống nhất thực thi định chuẩn cà phê tiêu thụ - xuất khẩu

25/01/2013 05:40 GMT+7

Sự áp đặt cà phê Việt Nam ở tiêu chuẩn thấp (R2) về chất lượng dẫn đến giá xuất khẩu thấp hơn so với các nước trồng Robusta lân cận (Ấn Độ, Indonesia, Malaysia) từ 10-20%, cho dù phẩm chất cà phê Robusta của Việt Nam là số 1 thế giới.

Nguyên nhân chính yếu là các nhà thu mua không có ý định mua cà phê nhân Việt Nam với chất lượng cao hơn, họ chỉ muốn gia tăng sản lượng thu mua. Thực tế này kiềm chế sự gia tăng giá trị ngành cà phê Việt Nam dai dẳng và đầy bất công. Do đó, các chủ thể có liên quan đến lợi ích dài hạn của cà phê Việt Nam cần thiết cộng tác đưa ra các biện pháp nhằm áp dụng tiêu chuẩn cà phê nhân xuất khẩu theo định hướng tăng chất lượng tiến đến thống nhất chất lượng tiêu dùng. Đề nghị 3 biện pháp liên hoàn như sau:

Thứ nhất: Cộng tác giữa cơ quan chuyên trách quản lý ngành cà phê với người mua (buyers - traders) trong thiết lập cơ chế xây dựng và kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng cà phê thương phẩm nhằm định hướng nông dân nâng cao giá trị sản phẩm thay vì chạy theo sản lượng

Cơ quan chuyên trách cần cộng tác người mua (buyer, trader) cần xây dựng bộ tiêu chuẩn thương phẩm cà phê Việt Nam đồng nhất tiêu chuẩn cà phê giao dịch quốc tế với thiết chế và  lộ trình kiểm soát thích hợp với chiến lược quốc gia và phải kiểm soát nghiêm ngặt. Tất nhiên biện pháp này phải đồng bộ với các giải pháp tài trợ cho nông dân, thay đổi công nghệ, chương trình tái canh… hướng đến nâng cao chất lượng cà phê Robusta Việt Nam và những giải pháp cân đối giữa nâng cao sản lượng cà phê chất lượng cao - giá trị cao và giảm dần sản lượng cà phê có chất lượng thấp - giá trị thấp. Cách thức tổ chức kiểm soát chất lượng chặt chẽ cà phê nhân xuất khẩu từ các quốc gia cà phê như Brazil, Colombia là những tham chiếu có giá trị.

Thứ hai: Tiến tới đồng nhất hóa định chuẩn cà phê xuất khẩu Việt Nam với tiêu chuẩn giao dịch các sàn giao dịch

Thực tế cho thấy cách thức đánh giá chất lượng trên các hợp đồng cà phê xuất khẩu thường chỉ tập trung 3 tiêu chí thủy phần, tạp chất và hạt đen-vỡ và nông dân - doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực vượt qua. Thực tế do nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là chiêu thức của các nhà thu mua - xuất khẩu cà phê nhân kết hợp nhà rang xay, cà phê nhân Việt Nam vẫn bị trả về do không đạt chuẩn, tất nhiên các nhà chế biến đã mua lại với giá rẻ mạt (thậm chí có cả đá, sỏi, cát và... có trường hợp tìm thấy cả lưỡi cuốc trong bao cà phê Việt Nam tại kho cà phê nhân tại Hambourg). Vậy, để thực sự gia tăng giá trị cà phê Việt Nam một cách bền vững, cần có chiến lược nâng cao một cách hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cà phê nhân tiến đến đồng nhất với tiêu chuẩn cà phê giao dịch các sàn quốc tế và đồng bộ kỷ luật kiểm soát cà phê xuất khẩu nghiêm minh. Muốn làm việc này cần có sự cộng tác giữa các chủ thể được hưởng lợi từ cà phê Việt Nam định hướng bền vững.

Thứ ba: Cơ quan chức năng có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo “an ninh thu hoạch” giúp nông dân thu hoạch đúng thời vụ nhằm đảm bảo chuẩn chất lượng cà phê nhân

Một lý do khiến cà phê Việt Nam bị định vị tiêu chuẩn là hái cà phê quá non, việc này ngày càng phổ biến, nguyên nhân chính yếu là do nạn hái trộm ngày càng dữ dội và lây lan khắp Đắk Lắk. Người nông dân buộc phải bấm bụng hái non - bán rẻ còn hơn mất trắng, đặc biệt đúng thời điểm được giá cà phê (ước tính thiệt hại mỗi niên vụ do hái non lên đến hàng nghìn tỉ đồng). Vậy để đảm bảo chất lượng cà phê nhân đúng chuẩn, nhà nước cần có các biện pháp an ninh và chế tài thu hoạch cà phê nhằm xóa bỏ nạn hái trộm một cách dứt khoát. (Còn tiếp)

 

Bình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.