|
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: 'Năng lực mình tới đó, nên biết rút lui'
21/03/2018 16:00 GMT+7
Sau khi từ nhiệm trọng trách Thủ tướng vào tháng 7.2006, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng chia sẻ những trăn trở của ông với lãnh đạo TP.HCM trước thực trạng trì trệ của bộ máy hành chính, tham nhũng.
Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM vẫn nhớ mãi giọng nói trầm ấm, rõ ràng và tiếng cười sảng khoái trong lần gặp “chú Sáu Khải” tại trụ sở UBND TP.HCM, sau khi ông vừa nghỉ hưu, cuối năm 2006.
'Nói nhiều mà không thay đổi thì nguy'
Theo lời kể của ông Nguyễn Thành Tài, khi đó lúc ông vừa bước vào phòng khách, đã thấy trong phòng có ông Hai Nhựt (ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM), ông Hai Quân (ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM) cùng vài người nữa đang tiếp và nói chuyện với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
“Trông thấy tôi bước vào và chào chú, chú cười thân tình: “Chào Thành Tài, chào phó chủ tịch thường trực! Sao khỏe không?”... Rồi với giọng thân tình, chú hỏi: “Mà biết phó chủ tịch thường trực là gì không?". Chú cười và không đợi tôi trả lời, chú giải thích luôn: “Cái gì thường thường là thường trực làm, còn khó khó thì giao chủ tịch giải quyết!”. Câu nói vui làm cả phòng cười ồ lên thoải mái”, ông Nguyễn Thành Tài nhớ lại.
Ông Nguyễn Thành Tài kể khi không khí trở lại bình thường, ông Sáu Khải mới chậm rãi giải thích: “Nói vui vậy thôi, chứ giữ vai trò trực thì hơi cực chớ không chơi đâu… Tôi từng làm thường trực mà, Phó thủ tướng thường trực cũng cực lắm, làm không xong ông Sáu lớn (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) ổng “dần” cho tới thấu xương luôn, nên đâu dám lơ mơ, xuề xòa được! Làm việc với ông Sáu, ổng đòi hỏi cao lắm, hỏi đến tận cùng của những giải pháp và cách thức thực hiện sao cho tốt, cho có hiệu quả”.
Nguyên Thủ tướng khi đó cũng trăn trở trước tình trạng quan liêu cửa quyền, hống hách khi tiếp dân của cán bộ, công chức vẫn còn phổ biến; tình trạng lãng phí, tiêu cực, tham nhũng không những chưa được đẩy lùi mà còn có chiều hướng phức tạp. “Tôi thấy phải tiến hành đổi mới triệt để hơn, thay đổi cấu trúc bộ máy mạnh mẽ hơn, sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả, chứ theo đà này, ta nói nhiều mà tình hình không thay đổi thì nguy lắm!”, ông trăn trở.
Một nhân cách lớn
Nói thêm về nguyên nhân phát sinh những trì trệ, tiêu cực của bộ máy, những sai phạm và tham nhũng xảy ra gây bức xúc, theo lời kể của ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong buổi gặp gỡ, thẳng thắn nhìn nhận: "Có lỗi của các Bộ ngành Trung ương, của Chính phủ và của cá nhân người đứng đầu chính phủ là tôi. Thật buồn khi ngẫm nghĩ, có đêm thao thức trăn trở không ngủ được, cảm thấy trách nhiệm của mình chưa làm tốt, dù rất muốn mọi việc đều chuyển biến mạnh, tích cực theo mục tiêu kế hoạch, đâu đó thật rốt ráo đến nơi, đến chốn ..., nhưng sự thật còn nhiều cái đã không được như mong đợi”.
“Rồi chú như bừng tỉnh sau những đăm chiêu, trăn trở, lướt nhìn mọi người với nụ cười đôn hậu, chú nói: “Tui thấy ông Sáu lớn ổng ngon, chỉ có ổng mới kham nổi và vượt qua những khi gặp phải sự “khủng hoảng”! Chứ như tui, thì không bằng ông Sáu. Già rồi, năng lực mình tới đó thì nên biết rút lui, nhường chỗ cho lớp trẻ có tài, có đức và có sức nữa đứng ra gánh vác trọng trách đối với quốc gia, dân tộc và nhân dân”, ông Nguyễn Thành Tài bồi hồi nhớ lại.
Ông Nguyễn Thành Tài luôn trân quý: “Chú Sáu Khải là một nhân cách lớn, không né tránh trách nhiệm, không đổ lỗi, không ngại so sánh mình còn hạn chế hơn người khác, mạnh dạn rút lui để nhường đường cho thế hệ trẻ kế tục sự nghiệp dựng xây đất nước một cách chân thành, thanh thản như chính con người của một Phan Văn Khải, người con ưu tú của đất Sài Gòn - Gia Định, của Củ Chi đất thép thành đồng anh hùng!”.
Theo ông Nguyễn Thành tài, cố Thủ tướng Phan Văn Khải để lại nhiều bài học quý, luôn có tính thời sự đối với công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, quản lý điều hành... Đặc biệt trong đó là bài học tin dân, dựa vào dân và đội ngũ cán bộ nhiệt tình, cầu thị, biết lắng nghe, biết học hỏi, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm trong công cuộc khai phá, dựng xây đất nước cũng như biết rút lui, nhường đường khi cảm thấy mình không còn theo kịp nữa!”.
Bình luận (0)