Vừa là bạn học vừa là thủ trưởng
Đến viếng người bạn học, cũng là thủ trưởng của mình, ông Phan Văn Dĩnh nhớ lại kỷ niệm thời 2 người còn du học ở Liên Xô. Năm 1960, ông Phan Văn Khải học Đại học Kinh tế quốc dân Moscow, còn ông Dĩnh sang học sau 2 năm, ngành tài chính - ngân hàng, 2 người ở chung ký túc xá (KTX).
|
Theo ông Dĩnh, mặc dù học khác trường, kém ông Sáu 2 tuổi, nhưng do ở chung KTX nên 2 người rất thân thiết với nhau, thường xuyên chơi thể thao chung, có món gì ngon cũng để dành cho nhau. Trong trí nhớ của ông Dĩnh, ông Sáu Khải học rất giỏi, là bí thư chi bộ của trường, nên rất chững chạc, mặc dù rằng hằng ngày mọi người vẫn hay trò chuyện, tâm sự với nhau về cuộc sống, về tình yêu thời tuổi trẻ.
“Anh Sáu Khải sống tình cảm và rất thương anh em. Anh ấy sang học trước tôi 2 năm nên thường xuyên bảo bọc, chỉ bảo những em lứa sau, trong đó có tôi”, ông Dĩnh tâm sự.
Tình cảm của 2 người càng gắn kết sau khi học ở Liên Xô, ông Dĩnh trở về công tác, rồi làm thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và là thành viên chính phủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải.
“Tôi làm trưởng ban chống buôn lậu của Chính phủ, nằm trong ban điều hành tài chính và tiền tệ. Chính phủ thời ký ông Khải làm Thủ tướng được coi là ổn định kinh tế vĩ mô nhất, tài chính ngon lành nhất”, ông Dĩnh nói.
Sau này dù nghỉ hưu, nhưng cùng là họ Phan (cố Thủ tướng Phan Văn Khải là Chủ tịch hội đồng cố vấn Phan tộc Việt Nam) nên 2 người vẫn thường có dịp làm việc chung, gắn bó với nhau.
Chỉ đạo cuộc họp sát thực tế
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản (cũ) cho hay năm 1998, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) sẽ không được thành lập nếu không có sự ủng hộ quyết liệt của Thủ tướng Phan Văn Khải. Đến nay, thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
|
Bà Minh kể thời điểm đó lập hội là "cái gì đó rất xa lạ". Khi Bộ Thủy sản và ban vận động thành lập VASEP gửi hồ sơ xin thành lập cũng là lúc vừa có ý kiến chỉ đạo dừng hiệu lực thi hành một nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng quy định về hình thành các Liên kết kinh tế - văn bản pháp lý duy nhất về các loại liên kết của pháp nhân kinh tế.
“Tôi không thể quên cảm giác như va vào bức tường đá sau gần một giờ tranh luận với một vị quan chức Văn phòng Chính phủ về việc này. Gần tới ngày Bộ Ngoại giao Đan Mạch đến kiểm tra kết quả thực hiện một dự án hỗ trợ kỹ thuât mà một trong các kết quả đó là thành lập VASEP- việc đã kéo dài mấy năm không thực hiện được”, bà Minh kể.
Trước tình thế đó, bà Minh đã phải viết thư báo cáo thẳng lên Thủ tướng. Không ngờ ông Phan Văn Khải đồng ý ngay, bút phê vào thư và giao Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn họp thống nhất với các bộ. Tại cuộc họp, trước hầu hết ý kiến bảo thủ của các bộ, ông Tạn đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, khéo léo lập luận thuyết phục để quyết định thành lập VASEP. Ông Phan Văn Khải cũng là Thủ tướng duy nhất hai lần đến thăm Hội chợ Vietfish International do VASEP tổ chức.
Bà Minh cho biết mình từng chứng kiến một số lãnh đạo khi chỉ đạo cuộc họp chỉ cầm tờ giấy do ai đó soạn sẵn, đọc lên ngôn từ rất kêu mà không có ý vị gì. Riêng với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thì khác, đến cuộc họp nào ông cũng chăm chú lắng nghe các ý kiến và kết luận độc lập.
“Một lần tôi nhận được điện thoại của ông bảo đang ở Sài Gòn, tôi đến gặp ông để báo cáo kỹ về tình hình thủy sản. Tại cuộc họp, tôi quan sát thấy ông chăm chú nghe các ý kiến, ghi chép rất chi tiết. Phát biểu chỉ đạo của ông sát thực tế, dựa trên những gì ông tìm hiểu và nghe được từ các đại biểu chứ không dùng bài đánh máy sẵn...”, bà Minh nói.
Bình luận (0)