Trong một tự bạch, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý chia sẻ: “Đã in khoảng một tá đầu sách, gồm tản văn, truyện ngắn, khảo cứu. Có lẽ đề tài của những cuốn đầu được gom lại dưới cái mũ chung là Hà Nội nên mọi người mau chóng mặc định coi như một tác giả chuyên về Hà Nội, cho dù bản thân lúc ấy thấy cũng chưa bõ bèn gì với đề tài có vẻ rất kinh điển ấy”. Giờ đây, với Triệu dấu chân qua những cửa ô (Công ty Nhã Nam và NXB Phụ nữ VN), đã có thể gọi anh là nhà Hà Nội học thế hệ mới.

Có thể thấy các tác phẩm của anh gắn nhiều với Hà Nội. Khi tìm tư liệu về Hà Nội, điều anh cảm thấy rõ nhất là gì?

Tôi có cảm giác như được tái khám phá văn hóa của những thời kỳ trước đây, thấy những thời kỳ đó sinh động và rực rỡ hơn mình nghĩ. Trước đây mình hay cho những dòng văn lãng mạn hay bị “nước đường”, nhưng giờ thì có thể thấy những cọ xát của thời đại. Khi chúng ta đặt những dòng văn của Nguyễn Tuân đối thoại với dòng văn của Khái Hưng chẳng hạn, mình thấy những cá tính mỗi con người trong cuộc sống. Hà Nội cũng thú vị nhờ thế.

Nhân anh nói chuyện các nhà văn thể hiện cá tính khi có cọ xát với Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Bình từng được nhận xét là con người bị thành thị đè bẹp. Có phải Hà Nội đã đè bẹp ông ấy không?

Rõ ràng ông ấy bị choáng ngợp vì sắc thái rực rỡ của thành thị, thành thị cũng cung cấp cho ông ấy thức ăn tinh thần. Nguyễn Bình nhìn thấy Hà Nội có sức ma mị của không gian khác, sự kế tục của chuyện cổ tích, thấy những cánh tay ngà qua cửa sổ. Khi khảo lại Nguyễn Bình với Hà Nội, tôi thấy ông ấy có độ tinh quái của người nhập cư. Ông Nguyễn Bình và nhiều văn nghệ sĩ khác là người nhập cư. Họ thể hiện sự hòa nhập vào một đô thị mới như thế nào. Kể cả Văn Cao cũng thế, cũng là người nhập cư Hà Nội, ở nhờ nhà bạn và viết những bài hát cách mạng sau khi đã viết nhiều bài hát lãng mạn. Bối cảnh đô thị Hà Nội khi đó có độ tự do về mặt tư duy khiến người ta có thể mở hết biên độ tưởng tượng.

Nguyễn Trương Quý trong một buổi giới thiệu sách - Ảnh: NVCC

Quay lại câu chuyện tưởng tượng. Chúng ta quen với việc nghiên cứu Hà Nội thì phải dò sách, dò tư liệu, bám vào tư liệu sử. Anh thì sao, để nhìn thấy biên độ tưởng tượng của văn nghệ sĩ về Hà Nội, những nghiên cứu của anh theo phương pháp nào?

Tôi nghĩ là nhân học đô thị và truyền thông văn hóa. Tôi quan tâm đến cơ chế tạo ra những câu chuyện, những biểu tượng văn hóa. Cơ chế tạo ra quan trọng hơn sản phẩm hữu hình. Cũng cơ chế đấy thế mà với ông này đẻ ra món này, ông kia đẻ ra món khác.

Chẳng hạn, trong cuốn Triệu dấu chân qua những cửa ô, concept của sách là quan sát khả năng chuyển động của Hà Nội, người ta di chuyển bằng cái gì qua các cửa ô như mắc cửi ấy. Tôi khảo người ta đi bộ thế nào, đi xe, đi tàu điện, tàu thủy, tàu hỏa, máy bay. Cùng là đi bộ có ông Nguyễn Triệu Luật đi bộ ở đường Trường Thi. Ông ấy lấy câu chuyện dạy học trò để kể Hà Nội có con đường thẳng như kẻ chỉ dài 6 ngàn thước nối từ ô Cầu Giấy thẳng đến cửa Nhà hát Lớn - Nhà hát Tây. Ông ấy hỏi, các anh có biết có cái gì không. Rồi ông kể sự tích đây có Văn Miếu, nơi treo bảng vàng, những người nào đã phẫn chí đã bỏ đi, người chống Tây, người nào lỡ thời… bằng giọng hơi ngậm ngùi. Ông ấy ngược về quá khứ. Ông ấy cũng nói đã học được từ một phim hài Pháp có tên Ngược đường Champs-Élysées, trong đó có nhân vật xuyên không. Văn của ông biền ngẫu, réo rắt và có tính chất hơi bảo thủ.

Nguyễn Trương Quý và nhà thơ Phan Vũ của bài thơ Hà Nội phố - Ảnh: NVCC

Cũng ở Hà Nội, có một người đi bộ khác là ông Văn Cao. Ông ấy kể chuyện viết Tiến quân ca như thế nào, đã đi bộ như thế nào. Ông kể chuyện mình đi lang thang qua các phố Hàng Bông rồi đi ngược lên Bờ Hồ. Cuộc đi bộ đấy nảy ra ý niệm cách mạng, lật đổ, viết bài hát tưởng tượng về một đoàn quân mới. Tôi đặt tên cho bài viết đó là Ngược đường gập ghềnh xa.

Công cuộc khảo cổ đấy, cũng thấy có những người bị nhận định là tiểu tư sản phán xét như ông Luật, có người lại đề cao hành khúc cách mạng như ông Văn Cao. Nhưng sau hết, chúng ta lại đang hoài vọng quá khứ đó. So sánh cùng nguồn cơn, cộng đồng, căn tính mà mỗi người lại tiếp cận khác nhau.

Trong quá trình đọc ngược thời gian, đọc ngược vấn đề, anh có rơi vào tình trạng không thấy các nghiên cứu hệ thống trước đó không?

Cũng có chứ. Vừa rồi có chuyện ấn kiếm Bảo Đại, thì tôi từng đi tìm về việc ấn kiếm đó được giao cho cách mạng bằng cách nào, ai là người khởi xướng việc Bảo Đại thoái vị và trao ấn kiếm. Chính là các sinh viên Trường ĐH Đông Dương. Tất cả các văn bản còn lưu cho thấy các văn bản từ 20.8.1945 về trước tính đến sự tồn tại của chế độ quân chủ. Trong khi 19.8.1945 Cách mạng tháng Tám, rồi Quốc dân đại hội mới từ Tân Trào về Hà Nội. Chiều 21.8.1945, Tổng hội sinh viên Trường ĐH Đông Dương họp ở VN học xá và mời các đoàn trí thức đến. Có 5 ông trí thức gồm Hồ Hữu Tường, Nguyễn Xiển, Nguyễn Đình Thu, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum đã ký một quyết nghị gửi Hoàng đế Bảo Đại, yêu cầu Bảo Đại thoái vị và trao chính quyền cho Việt Minh. Bức điện đó mấy hôm sau Bảo Đại nhận được, phúc đáp và ông Phạm Khắc Hòe kể lại trong hồi ký có bức điện đấy.

Nguyễn Trương Quý và hậu duệ bộ ba âm nhạc Hoàng - Mai - Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) - Ảnh: NVCC

Việc đầu tiên ông Trần Huy Liệu khi trở về Hà Nội, nhận được điện ở Bắc Bộ phủ, và sau đó nhớ ra là chưa có quần áo, xe để đi vào Huế. Trong văn bản sử học của mình, vai trò của Tổng hội sinh viên rất mờ nhạt không được nói đến. Tất nhiên là việc đó là chuyển giao mang tính biểu tượng phần nhiều. Nhưng việc chuyển giao này rất quan trọng vì là cuộc chuyển giao thiên mệnh. Theo tác giả cuốn Tại sao Việt Nam, ông Party, ở một đất nước như VN, cuộc chuyển giao thiên mệnh như vậy quan trọng vì quá khứ đó vẫn là quá khứ vương triều, người dân sùng bái điều đó.

Khi nối được những manh mối về các bức điện đó với nhau, thì cảm giác rất thích.

Anh nói say mê về sử thế này, có vẻ chả giống nhà văn tí nào?

Nhưng nó là câu chuyện rất kịch tính của văn chương nữa mà. Mình phải viết thế nào để độc giả thích nữa chứ.

Anh có nhận thức mình là một nhà Hà Nội học thế hệ mới không?

Mọi người cũng hay nói thế, nhưng tôi cho rằng những gì mình làm vẫn chưa thật ra một lý thuyết gì. Tôi cũng chỉ là một người có quan tâm và khảo cứu về một phần lịch sử văn hóa Hà Nội.

Anh chọn Hà Nội để nghiên cứu vì sao, vì là nơi mình sống hay sao nữa?

Tôi thấy mình có một cái nền để làm việc đó. Nhưng tôi thấy mình cũng chưa làm được nhiều lắm để trả lời hết những vấn đề mình quan tâm.

Hà Nội, đặt trên bàn cân mà xem. Có chỗ nào có thể có nhiều thông tin có thể mổ xẻ được như Hà Nội, trừ Sài Gòn? Hà Nội là một chiến địa văn hóa. Rõ ràng rất nhiều người có thể không thích, hoặc ghét Hà Nội… nhưng rõ ràng đó vẫn là một chiến địa văn hóa. Câu chuyện liên quan đến văn nghệ sĩ càng làm cho Hà Nội được chú ý hơn.

Những cuốn sách đầu của anh là tản văn. Sau đó, càng ngày tính chất nghiên cứu càng đậm. Và bây giờ, Triệu dấu chân qua những cửa ô, cuốn sách đó là tản văn hay nghiên cứu nhân học?

Nó không còn là tản văn nữa, nếu không nó không đủ để giải đáp thắc mắc của tôi. Chẳng hạn, tôi băn khoăn, bận tâm về ngọn núi trong tâm thức của người Hà Nội thế nào, hay là chuyện cái nghĩa trang. Bài viết về nghĩa trang là bài dài nhất trong cuốn này. Bây giờ chỗ chôn xưa thành phường rồi, thì 30 năm nữa sẽ thế nào. Nó cũng thể hiện sự sinh tồn, đời sống. Khi người Pháp đến, các nghĩa trang được thiết lập ở khu phố Tây, rồi sau đó có những quy hoạch lại khu nghĩa trang. Sau đó nữa, nghĩa trang ở phố Nguyễn Công Trứ bị bỏ để xây khu tập thể.

Từ góc độ văn chương, năm 1958 khu Nguyễn Công Trứ được quy hoạch lại. Từ khu nghĩa trang to đùng thành khu các nhà máy như nhà máy dệt Minh Khai, 8.3… Khu nghĩa trang lại về Văn Điển. Trước đó, Văn Điển nổi tiếng về rượu, thậm chí có bài hát nói của Tản Đà viết thuê cho công ty, đó là bài hát Bắc Kỳ Nam tửu. Có cả câu “Đồn rằng Văn Điển vui thay”, một thời gian mình nghe câu đấy thấy vô lý. Ông Nguyễn Tuân kể chuyện muốn cai thuốc phiện, hằng ngày đạp xe xuống Văn Điển uống trận rượu cho say, cho quên thuốc phiện đi và quay về. Bây giờ với thế hệ con cháu mình thì thấy Văn Điển không còn ý nghĩa gì nữa vì không còn chôn cất như xưa nữa. Nghĩa trang là biến cải của xã hội, của cộng đồng.

Nhân học là câu chuyện cắt nghĩa, không đánh giá xấu tốt. Nhưng sắc thái bài viết là điều người viết có thể chọn được, chẳng hạn nhân học Pháp viết rất yểu điệu. Còn anh chọn sắc thái viết về Hà Nội thế nào?

Tôi muốn làm sao không gian tạo ra phải thú vị, mình phải cười khà khà được với nó. Cũng phải làm sao để nói vừa đủ, không bị dai mà không bị hời hợt, nông nông.

Báo Thanh Niên
20.11.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top