Nguyễn Văn Mười Hai làm lại cuộc đời - Kỳ cuối: Tái lập nước hoa Thanh Hương?

13/07/2007 00:05 GMT+7

Kỳ cuối: Tái lập nước hoa Thanh Hương? Mỗi lần nhắc lại chuyện nước hoa, Nguyễn Văn Mười Hai đều nói rằng: "Cái tay nghề nó vẫn nằm ở trong đầu. Tôi đam mê, đam mê lắm". Nhưng khi được hỏi liệu ông có kế hoạch gầy dựng lại thương hiệu Thanh Hương, Nguyễn Văn Mười Hai cứ trầm ngâm rồi hỏi ngược lại chúng tôi: "Tôi có thể làm lại được không? Có thể được không?".

"Cái tay nghề nó vẫn nằm ở trong đầu"

Thực ra, trong hoàn cảnh bây giờ mà ngồi gợi lại chuyện làm nước hoa, chúng tôi cũng rất sợ ông bị ám ảnh bởi quá khứ và sẽ nói "xin các anh đừng nhắc lại chuyện cũ". Nhưng riêng chuyện này thì chúng tôi đã dự đoán sai. Ông trở nên rất sôi nổi và thậm chí không giấu giếm những chuyện đời mình.

Ông kể: "Tôi thi Đại học Kinh tế nhưng không đủ điểm nên chuyển xuống Cao đẳng Sư phạm. Thời đó, những năm 1976 - 1977 rất khó khăn nên tôi không học ngành sư phạm mà bỏ ra đi làm kiếm sống. Rồi có một lần, khi ngồi buồn uống ly rượu ở lề đường tôi đã gặp một người, mà sau này tôi gọi là thầy và rất kính trọng. Ông ấy không biết bất đắc chí chuyện gì đó mà cứ nhậu hoài. Nhậu quen rồi ông ấy nói ra cái nghề liên quan tới mỹ phẩm và chỉ cho tôi cách làm. Tôi làm liền vì thấy những điều ông ấy chỉ dạy quá hay. Thì tổ hợp mà, kéo người nhà và các thầy cô giáo cùng một số sinh viên mà tôi dạy võ thuật (chủ yếu là bên kiến trúc với bên nha - dược) tham gia. Rồi việc mở rộng bang giao với nước ngoài bắt đầu, tôi có điều kiện tiếp cận với một số giáo sư bên Pháp và các nước XHCN trong ngành mỹ phẩm lúc đó để học bài bản hơn. Nói chung là khi đã có được cái mũi để ngửi được mùi hương thì tôi mới bắt đầu mở rộng ra làm. Thành ra cái tay nghề cho đến giờ này nó vẫn nằm ở trong đầu. Tôi đam mê, đam mê lắm...".

Nếu chỉ đơn thuần là chuyện kinh doanh và phát triển thương hiệu thì từ những năm ấy, ở tuổi chưa đến "tam thập" nhưng Nguyễn Văn Mười Hai đã lập được nhiều thứ mà ngày nay đã trở thành phổ biến không chỉ ở TP.HCM mà còn nhiều địa phương khác. Ông mua "giờ vàng" và "nhạc hóa" sản phẩm nước hoa của mình để cho ca sĩ chuyên nghiệp rót vào tai người tiêu dùng mỗi khi họ ngồi trước màn ảnh tivi, khiến cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn còn nhớ. Chẳng hạn như bài hát: "Này anh ơi sao mà anh không biết. Nước hoa em dùng cơ sở Thanh Hương. Mùi hương thơm ơi mà sao thơm thế. Ôi Tiffani dành cho mọi người"...

Ông cũng xây dựng mạng lưới giao dịch gần 900 điểm trên khắp toàn quốc và thu nạp những võ sĩ, võ sư giỏi nghề về đào tạo thành lực lượng vệ sĩ chuyên nghiệp bảo vệ tiền, vàng và... bảo vệ ông. Nhiều người còn nhớ tại "tổng hành dinh" của Thanh Hương ở đường Phạm Ngũ Lão, mỗi khi đến gửi tiền hay rút lãi đều thấy từng nhóm vệ sĩ hiện diện ở mọi lúc mọi nơi. Còn ở ngoài đường, những năm đó TP.HCM không có nhiều xe hơi biển số trắng nhưng mỗi khi chiếc Mercedes bóng lộn của ông lăn đến đâu mọi người đều thấy các vệ sĩ phóng Kawasaki 125cc lượn qua lượn lại dẫn đường và "khóa đuôi". Đến đầu năm 1990, khi Thanh Hương lâm vào cảnh khó khăn, ông còn thiết lập cả một "phòng pháp lý" với 5 luật sư trực tiếp tham mưu giải quyết sự vụ tại cơ sở và tư vấn chiến lược từ xa...

"Lúc đó không cạnh tranh lại hàng nhập lậu của Thái Lan và Trung Quốc, vì họ vừa có bao bì đẹp vừa không phải đóng thuế, nên tôi đã quyết định ngưng làm các mặt hàng bán không chạy để đẩy mạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết thực như kem giặt, xà phòng bánh và dầu gội đầu. Tôi cũng dự kiến mở rộng thị trường sang Lào, Campuchia, Liên Xô và xác định nếu đến cuối năm 1990 vẫn bị lỗ tôi sẽ thông báo chính thức về tình hình phá sản của Thanh Hương. Rồi bao nhiêu tiền bạc tài sản còn lại tôi sẽ mang ra trả hết cho dân và tự kết liễu đời mình" - ông nhớ lại. Nhưng sự sụp đổ của Thanh Hương diễn ra nhanh hơn dự tính. Tháng 3.1990, cơ quan chức năng phát hiện Thanh Hương lỗ 37 tỉ đồng, vụ án đã nổ ra.

"Tôi có làm lại được không?"

Không phải là chuyện nói suông mà ngay từ những ngày đầu mới ra tù, Nguyễn Văn Mười Hai đã tìm lại sản phẩm của mình còn lưu giữ ở một số gia đình bà con để "ôn lại cái mũi". Ông cũng đã dành khá nhiều thời gian để la cà vào các trung tâm mỹ phẩm lớn của thành phố và "nhận diện thị trường" như một thương gia đang làm ăn thiệt. Ông cũng đã phân tích vanh vách cho chúng tôi nghe phương thức bán hàng đa cấp của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại TP.HCM và cũng có nhiều nhận xét quan trọng về thị trường mỹ phẩm hiện nay. Nhưng ông bảo: "Mình chưa làm gì thì cũng không nên nói ra những nhận xét này".

Hôm gặp vợ chồng ông đến thăm luật sư Trừng ở trụ sở Đoàn luật sư TP.HCM, chúng tôi để ý thấy ông rất quan tâm đến các vấn đề thủ tục pháp lý về thành lập doanh nghiệp mà luật sư Trừng phân tích. Nhất là khi luật sư Trừng bảo ông cứ lấy lại tên Thanh Hương "vì thương hiệu đó rất hay".

Luật sư Trừng nói ngày nay luật pháp đã rất rõ ràng, việc gầy dựng lại thương hiệu nước hoa Thanh Hương không phải là việc ngoài tầm tay vì cả hai vợ chồng Nguyễn Văn Mười Hai vẫn còn trẻ, còn đam mê mỹ phẩm và nhất là đồng vợ đồng chồng để khắc phục khó khăn trong cuộc sống. "Chỉ cần tụi bây quyết tâm, nỗ lực là có thể thành công" - luật sư Trừng động viên và phân tích thêm rằng "cái chết năm xưa" của Thanh Hương có phần là do hoàn cảnh khách quan của xã hội lúc đó. "Cho đến cuối 1988, cả đến tháng 2.1989 đồng bạc VN vẫn còn mất giá. Chỉ đến tháng 3.1989 thì một sự kiện đột biến đã xảy ra. Nhà nước đã đưa ra lãi suất rất cao: 12%, sau 10% và xuống 9%, và thực hiện một số biện pháp chống lạm phát có hiệu quả. Đồng bạc VN trở nên có giá đến nỗi nhân dân lúc đó không còn giữ vàng nữa mà đem bán vàng ra để lấy tiền gửi vào hợp tác xã tín dụng và các đơn vị huy động vốn.

Thế giới coi đó là một thành công kỳ diệu của VN nhưng xét về một mặt khác thì lại là một tai họa đối với các đơn vị quốc doanh lẫn tư doanh, đặc biệt là các đơn vị có huy động vốn. Chính lúc đó Thanh Hương bắt đầu lâm nguy..." - luật sư Trừng nói.

Chúng tôi hiểu rằng những lập luận ấy ngày nay không còn ý nghĩa gì đối với "vụ án Thanh Hương" mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã giải quyết xong từ 17 năm trước, nhưng rất quan trọng đối với một người đang làm lại cuộc đời như Nguyễn Văn Mười Hai. Tuy nhiên trên đường về ông đã thổ lộ với chúng tôi: "Nói thật với anh, không thể tìm đâu ra vốn liếng để làm được". Chúng tôi chỉ biết an ủi ông là so với không ít trường hợp khác thì đời ông như vậy vẫn còn nhiều may mắn. Qua gần hai mươi năm ở tù, ông vẫn còn một gia đình hạnh phúc...

Và trong cuộc gặp mới chiều hôm qua, chúng tôi cũng kể cho ông nghe rằng sau khi bài báo đầu tiên viết về ông được đăng trên Thanh Niên, một số người từng là bạn buôn bán quần áo với ông ở khu vực chợ Tân Định đã gọi điện đến tòa soạn xin địa chỉ mới của ông để đến thăm. Nghe xong ông ngậm ngùi hỏi chúng tôi: "Liệu tôi có thể làm lại được không?".

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.