Nhà báo hy sinh ở Syria: Đồng nghiệp càng 'sắt đá' hơn

04/02/2015 06:10 GMT+7

(TNO) Có thể nói, càng nhiều nhà báo hy sinh ở Syria, càng khiến các đồng nghiệp của họ trở nên 'sắt đá' hơn trong việc truyền tải những câu chuyện về nơi này.

(TNO) Có thể nói, càng nhiều nhà báo hy sinh ở Syria, càng khiến các đồng nghiệp của họ trở nên 'sắt đá' hơn trong việc truyền tải những câu chuyện về nơi này, trang The Globe and Mail (Canada) dẫn lời Anthony Feinstein, một giáo sư về tâm thần học tại Đại học Toronto.

IS đã hành quyết phóng viên Goto trong đoạn video mới công bố - Ảnh: AFP

Ít nhất 60 nhà báo đã thiệt mạng trong năm 2014, trong đó 1/4 là những nhà báo quốc tế. Kenji Goto, phóng viên tự do người Nhật, là nạn nhân mới nhất của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), và là người mới nhất hy sinh ở Syria trong lúc tác nghiệp, theo AFP hôm 31.1 

Syria - cơn ác mộng của nhà báo

Vụ Kenji Goto một lần nữa khiến Syria trở thành ác mộng cho những nhà báo. Chỉ trong thời gian ngắn, nơi này đã chứng kiến ít nhất 3 cuộc hành quyết nhà báo rúng động thế giới. Hồi tháng 8 và tháng 9 năm ngoái, IS đã tung video chặt đầu James Foley và Steven Sotloff, hai nhà báo người Mỹ.

Hôm 31.1, trang The Globe and Mail (Canada) dẫn lời Anthony Feinstein, một giáo sư về tâm thần học tại Đại học Toronto, cho biết việc làm báo ở Syria mang đến sự nguy hiểm về tính mạng và gánh nặng tâm lý cực lớn cho các nhà báo.

Vụ bắt cóc và chặt đầu nhà báo Daniel Pearl của The Wall Street Journal năm 2002 là cột mốc quan trọng và là “chiến thư” của các tổ chức cực đoan gửi đến phương Tây, theo The Globe and Mail.

Cũng theo ông Feinstein, mặc dù trải qua nhiều thương vong, hiểm nguy hay hệ lụy tinh thần, “phần lớn các nhà báo luôn kiên cường và đứng vững” để đối diện với tất cả vấn đề trên. Thậm chí khi càng nhiều nhà báo hy sinh ở Syria, càng khiến các đồng nghiệp của họ trở nên "sắt đá" hơn trong việc truyền tải những câu chuyện về nơi này.

Vụ chặt đầu nhà báo James Foley gây sốc cho cộng đồng quốc tế - Ảnh: Reuters

“Với những người làm việc trong khu vực không có sự kiểm soát của chính phủ Syria, nhà báo không có nơi an toàn, không có sự yên tĩnh và ổn định để nghỉ ngơi bất kỳ phút giây nào”, ông Feinstein nói thêm.

Vì vậy, Syria là nơi “tập hợp đủ các yếu tố tạo nên sự tương phản giữa sự nguy hiểm và cảm xúc hạnh phúc của người làm báo”. Những người làm báo chịu chung bất hạnh với người dân. Nhưng khác với người dân, họ mang trên vai trách nhiệm và khao khát được nói lên bất hạnh ấy cho cả thế giới biết. Với nhà báo tại Syria nói riêng, hạnh phúc của họ có thể đánh đổi bằng tính mạng.

Nghề báo - Nghề nguy hiểm bậc nhất thế giới

Trường hợp của nhà báo Kenji Goto, đến sau sự kiện 10 nhà báo thiệt mạng trong vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo (Pháp) hồi 8.1 gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn của người làm báo.

Hồi tháng 12.2014, hãng tin AP dẫn nguồn từ Cơ quan Bảo vệ các nhà báo (CPJ) cho biết năm 2014 chứng kiến ít nhất 60 nhà báo thiệt mạng trên toàn cầu, bao gồm tử nạn trong lúc làm việc hoặc vì công việc nói chung.

Trong số đó, thống kê của CPJ chỉ ra rằng có khoảng 1/4 nhà báo làm nhiệm vụ quốc tế mất mạng. Đó là “tỷ lệ cao bất thường”, mặc dù các nhà báo đưa tin trong nước mới là những người bị đe dọa nhiều hơn.

Các trường hợp thiệt mạng của nhà báo, phóng viên quốc tế chủ yếu tập trung ở những nơi có chiến sự hoặc các vùng có phần tử khủng bố cực đoan.

Người làm báo quốc tế đối diện nhiều hiểm nguy - Ảnh: Reuters

Tại Syria, ít nhất 17 nhà báo thiệt mạng trong năm ngoái. Tương tự, cuộc tranh chấp ở dãy Gaza giữa Israel và Palestine cướp đi sinh mạng ít nhất 4 nhà báo và 3 nhân viên truyền thông. Ở Iraq, ít nhất 5 người làm báo hy sinh, bao gồm 3 người thiệt mạng trong các cuộc truy quét IS...

Con số 60 nhà báo thiệt mạng trong năm 2014 đã giảm so với 70 người thiệt mạng trong năm 2013. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến 2014 là khoảng thời gian chứng kiến nhiều nhà báo thiệt mạng nhất kể từ khi CPJ bắt đầu thống kê từ năm 1992.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.