Khởi công từ năm 2016, cống điều tiết Phú Định (P.16, Q.8, TP.HCM) dự kiến hoàn thành trong 3 năm góp phần chống ngập do triều cường. Vậy nhưng tới ngày dỡ rào chắn thi công, người dân sống trên đường Phú Định, đoạn qua cống điều tiết ngỡ ngàng vì một bên đường cao hơn cả mét, nhà thành hầm.
Trớ trêu ở cống Phú Định: Khổ sở vì nước ngập cạnh dự án ngăn triều cường
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trên đường Phú Định dự án ngăn triều xây dựng bệ móng cao 1 m, rộng 2 - 3 m, các cục bê tông, rào chắn chiếm hơn nửa mặt đường Phú Định, chỉ chừa lại khoảng 1 m đường đi. Con đường rộng rãi bỗng chốc thành đoạn đường nhỏ hẹp, 2 xe máy né nhau còn khó. Nhiều đoạn đường nhấp nhô ổ gà, rác thải, khiến người dân chật vật mỗi khi chạy qua.
Ảnh hưởng từ dự án, các căn nhà dân sinh sống trên đường Phú Định bị hụt xuống so với mặt đường 1 - 1,5 m. Cửa nhà dân chỉ còn hở khoảng 1 m, thấp hơn cả chiều cao người bình thường, việc vào nhà phải lom khom "luồn cúi". Những căn nhà mặt tiền nay bị chắn ngang cửa ra vào, cao hơn 1 m.
Chênh lệch so với mặt đường quá lớn khiến cho việc ra vào nhà của người dân trở nên khó khăn, nhiều nhà phải tự xây lối đi cho xe ra vào, xây các bậc thang để di chuyển. Khi nước ngập, người dân lại chật vật lắp miếng ván ngăn và tất tả tát nước từ trong nhà ra ngoài. Cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn, nhiều gia đình không đủ điều kiện nâng nền nhà, đành chấp nhận sống chung với nước ngập thường xuyên.
Chính vì vậy, một số nhà mặt tiền phải nghỉ luôn buôn bán, cuộc sống khó khăn hơn khi bán nhà cũng không được mà ở cũng không xong.
Là người buôn bán tạp hóa lâu năm, ông Hùng (60 tuổi) cho biết, trước đây như bao hộ gia đình khác, ngôi nhà của gia đình ông ngang bằng với mặt đường cũ. Tuy nhiên, hiện nhà ông đã thấp hơn mặt đường hơn 1 m khiến buôn bán ngày càng khó khăn.
"Mỗi lần mưa to là nước, bùn, đất đá tràn hết vào nhà, tát mỏi tay, nhiều lúc nước ngập sâu gây thiệt hại tới tài sản của gia đình, doanh thu buôn bán không bằng ngày xưa, đã quen với tình trạng này từ lâu, giờ khó khăn không có điều kiện nâng nền nhà nên gia đình tôi đành phải chấp nhận", ông thở dài.
Cuộc sống sinh hoạt đảo lộn vì nhà thấp hơn đường, mặt đường chỉ đủ 2 xe máy tránh nhau, ô tô không thể đi lại, việc buôn bán cũng bị ảnh hưởng, người dân nơi đây nhiều lần "cầu cứu" chính quyền địa phương
Mỗi chiều mưa kết hợp triều cường, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi) phải chạy cùng lúc 3 chiếc máy bơm để bơm nước từ trong nhà ra ngoài. "Bình thường gia đình tôi đi tắm hay đi vệ sinh đều phải bơm nước thoát ra ngoài. Những lúc trời mưa, nước ngập kết hợp triều cường là còn phải vừa bơm vừa tát. Triều cường lên nhà cũng ngập, đường đi lên dốc trơn trượt, nhiều lúc tôi còn bị té", bà kể.
Anh T.V.T. (30 tuổi) cũng ngao ngán vì nhà bỗng thành hầm, nước ngập tràn vào thường xuyên nên giếng nước của gia đình đã không còn có thể sử dụng. Anh cho biết: "Có hôm đang ngủ thì thấy nước ngập sát chân giường, sợ bị điện giật cả nhà tá hỏa tìm cách xử lý. Giờ mà nâng sàn nhà lên thì kết cấu nhà sẽ bị thấp nên tôi chưa biết xử lý thế nào. Ở thì nơm nớp sợ, bán nhà thì không ai mua".
Đã quen với việc tát nước từ trong nhà ra ngoài và nước cao tới đâu kê đồ cao tới đó, nhưng mới đây anh Nguyễn Văn Thọ (43 tuổi) cũng phải xây một vách tường cao ngăn nước từ bên ngoài vào. Dù vậy, trong những ngày triều cường đạt đỉnh, anh vẫn phải chắn thêm tấm ván để ngăn nước tràn vào nhà.
Theo người dân quanh khu này nhận xét, việc xây cống điều tiết ngăn triều là cần thiết. Tuy nhiên, người dân đã nhiều lần ý kiến đến phường mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết tình trạng nhà thấp hơn đường, sinh hoạt người dân bị đảo lộn như hiện nay.
Trao đổi với PV, ông Trần Anh Nghĩa, Phó chủ tịch UBND P.16, Q.8 cho biết, khu vực nhà dân thấp hơn mặt đường thuộc tổ dân phố 15, KP.2, P.16 - nơi thi công cống ngăn triều của Công ty Trung Nam. Phía bệ móng của dự án vướng vào lộ giới đường Phú Định nên phần đường còn lại cho người dân lưu thông nhỏ hẹp, nhà dân bị thấp, thường xuyên ngập, hạn chế lưu thông.
UBND P.16 đã kiến nghị UBND Q.8 và chủ đầu tư sửa sang lại bảo đảm giao thông, đi lại sinh hoạt cho người dân. Các nắp cống ngăn triều không có van ngăn triều, khi triều cường lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân nên đề xuất chủ đầu tư khắc phục.
"Người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, buôn bán mưu sinh hằng ngày không được, đi lại khó khăn, một số hộ dân nhà cửa hư hỏng do ảnh hưởng dự án lâu ngày mà vận chuyển vật liệu vào sửa nhà cũng không được vì đường quá nhỏ. Xe cứu thương không thể vào đây, người dân muốn bán nhà cũng không ai mua. Nhiều nhà có độ chênh so với mặt đường tới gần 2 m khiến phụ nữ người lớn tuổi rất khó khăn trong việc di chuyển, phường đề xuất với chủ đầu tư đắp tạm lối đi, tới nay thấy khảo sát, nhưng chưa thấy thực hiện", ông Nghĩa thông tin.
Theo Phó chủ tịch UBND P.16, sau khi dự án hoàn thành thì đường đi sẽ được nâng cao theo lối ngăn triều. Do vậy, buộc chủ đầu tư cần có biện pháp lâu dài cho người dân để không bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án - nhất là trong thời điểm mùa mưa hay những tháng có kỳ triều cường cao trong năm. Trước mắt, phường chỉ có thể hỗ trợ người dân dùng máy bơm để bơm nước ngập do mưa và triều cường từ trong nhà ra ngoài.
Ngày 2.11.2023, Sở GTVT TP.HCM có văn bản gửi Công ty Trung Nam yêu cầu khẩn trương bảo đảm an toàn giao thông trên đường Phú Định thuộc phạm vi công trình "Xây dựng cống kiểm soát ngăn triều Phú Định".
Theo đó, Sở GTVT đề nghị đơn vị này phải khắc phục tình trạng rào chắn công trình bị hư hỏng, nghiêng ngả; mặt đường công trình bị đọng nước, hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng trước ngày 15.11.2023. Mọi sự cố, tai nạn (nếu có), chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Ngày 16.11, trao đổi với PV, lãnh đạo UBND P.16, Q.8 cho biết hiện trạng trên khu vực này vẫn như vậy, chủ đầu tư chưa có biện pháp khắc phục.
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng gồm 6 cống ngăn triều: Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận nhằm kiểm soát ngập cho triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân ở ven sông Sài Gòn và khu trung tâm TP.HCM.
Công trình này đã hoàn thành hơn 90% nhưng bị vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên đã chậm trễ 5 năm so với kế hoạch.
Bình luận (0)