Nhà cổ Đường Lâm kêu cứu

06/11/2008 23:38 GMT+7

Từ lâu, hình ảnh về làng cổ Đường Lâm (TP Sơn Tây, Hà Nội) là chiếc cổng làng cũ kỹ bên gốc duối cổ thụ, hoặc đình Mông Phụ thâm u, hay những ngôi nhà xây bằng đá ong cổ kính. Nhưng còn có một Đường Lâm với những tòa nhà hai ba tầng mới xây...

Nhà cổ phơi nắng mưa

Cứ về Mông Phụ năm sau, thấy mới mẻ hơn năm trước. Hội làng năm 2006, vào nhà ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm Sui, thấy còn hoang phế. Lần này trở lại, thấy đã dựng lên một khu bếp khang trang nghe nói để phục vụ khách du lịch, nhưng ngôi nhà chính đã được dỡ ra làm lại. Ông Hùng kể Nhà nước đang tu tạo ngôi nhà cổ với chi phí gần 200 triệu đồng. Có tài liệu nói ngôi nhà được xây dựng vào năm 1653, 17 thế hệ đã sinh sống. Đây cũng là một trong 10 ngôi nhà cổ nhất của làng Mông Phụ vừa được tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là di tích văn hóa. Mái đã dỡ, rui mè xếp đống, tấm bạt xanh đỏ căng bên trên không che nổi nước mưa khiến nền nhà đọng đầy nước. Ông Hùng bảo nhà gỗ cũ thế kia nước ngấm vào là hỏng hết ngay. "Nhà nước giúp cho thì tốt thôi, nhưng vấn đề là làm sao cho nhanh, cho tốt, chứ cứ phơi nắng mưa thế này thì cũng buồn".

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý khu di tích làng cổ Đường Lâm cho hay, trùng tu nhà cổ Đường Lâm là dự án sử dụng ngân sách nhà nước nhưng được sự bảo trợ về kỹ thuật của Nhật Bản. Phía bạn luôn yêu cầu rất cao về kỹ thuật, trong khi ngân sách nhà nước có mức độ và thế là dẫn đến bàn bạc kéo dài.

Ngôi nhà 5 gian ở xóm Sui của ông Phan Văn Thụ thuộc loại lớn nhất trong những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm. Phần mái đã được gia đình tự nâng cấp, phần cửa do Nhà nước đầu tư. Ông Thụ cùng con trai có vẻ bức xúc khi chỉ vào những cánh cửa làm quá ẩu, gỗ co ngót, mộng há to. Gian cuối cùng cửa đã gần như sập xuống song không được dự án sửa chữa. "Có tiền là chúng tôi xây như thế kia ngay", ông chỉ tay ra những ngôi nhà tầng mới xây cao vút.

Bảo tồn và phát triển giá trị làng cổ cách nào?

Có đến 40 ngôi nhà kiên cố kiểu mới đã được xây dựng trong hai thôn Mông Phụ và Đông Sàng - tức phần quan trọng nhất của làng cổ Đường Lâm.
Rất may, từ năm 2006, khi Đường Lâm - làng cổ đầu tiên ở Việt Nam trở thành Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì mọi chuyện đã có phần thay đổi. Ban quản lý di tích làng được thành lập, các cuộc hội thảo, tuyên truyền được tổ chức thường xuyên hơn và vì thế ý thức của người dân địa phương đã có nhiều chuyển biến. Trong làng Mông Phụ, không có ngôi nhà nhiều tầng nào được xây mới. Nhà mới xây đều một tầng và lợp ngói, mọi hoạt động xây dựng trên địa bàn đều được kiểm soát bằng giấy phép.

 

Một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn cho công việc bảo tồn nhà cổ Đường Lâm. Nhà cổ vừa thấp vừa tối, nếu không đạt được lợi ích gì, đặc biệt là về kinh tế, sớm muộn bà con cũng hoán cải cho tiện sinh hoạt. Từ tháng 2.2008, du khách đến thăm làng cổ đã phải mua vé 15.000 đồng/người. Tháng 10.2008, mỗi gia đình có nhà cổ loại 1 đã được cấp 70.000 đồng gọi là tiền trông nom di tích hằng tháng và được phép tổ chức dịch vụ ăn nghỉ tại gia phục vụ du khách. Ngoài thôn Mông Phụ là phần lõi, Đường Lâm còn có các thôn Đông Sàng, Cam Lâm, Đoài Giáp, Cam Thịnh với gần 300 ngôi nhà cổ khác.

 Làm thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát triển giá trị của làng cổ Đường Lâm với tư cách một di sản văn hóa lịch sử nhưng lại có con người đang sinh sống bình thường? Một bản quy hoạch vừa được trình lên các cấp có thẩm quyền của TP Hà Nội. Và nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho làng cổ Đường Lâm một hành lang pháp lý và ngân sách đủ lớn để giữ gìn nguyên trạng làng cổ. Một trong những nội dung được nhiều người kỳ vọng trong quy hoạch, là những gia đình nào đã trót xây nhà cao tầng, nếu chấp nhận di chuyển đi nơi khác sẽ được đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên, đó mới là tinh thần được phổ biến trong cuộc họp mà chưa trở thành hiện thực để bảo tồn và phát triển làng cổ, nhà cổ Đường Lâm.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.