Nhà cửa, xe cộ đều... mua giùm, đứng tên giùm (?!)

17/04/2006 23:50 GMT+7

Ngày 17/4, phiên tòa xét xử vụ buôn lậu xăng dầu do Trần Thế Hùng cầm đầu tiếp tục phần thẩm vấn để làm rõ tài sản của các bị cáo.

Hùng "xì-tẹc" khai: "Căn nhà số 112 Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM là của Trần Thị Thùy Linh (con gái Hùng) do "ông của Linh cho tiền mua nhưng chưa làm giấy tờ". Căn nhà số E3E4K300 đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, cũng là của Thùy Linh nhưng do Trần Thị Ánh (vợ Hùng) đứng tên giùm. Một trạm xăng và trụ sở Công ty TNHH Thành Phát (diện tích hơn 10.000m2 tại TP Mỹ Tho) cũng là của Thùy Linh, cũng do Phạm Thị Ánh đứng tên giùm. Chiếc xe Landcruiser cũng của Thùy Linh. Riêng chiếc Mercedes thì của Thùy Linh nhưng nhờ Dũng "bùa" đứng tên giùm". Chỉ có căn nhà đường Nguyễn Văn Luông, Q.6, TP.HCM, Hùng xây cho Phạm Quang Mậu (nguyên Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương) nhưng Mậu không nhận. Tương tự, năm 2002 Mậu lên Sài Gòn thấy chiếc Honda@ mới ra đẹp quá, mua với giá 5.200 USD cho "vợ con mừng", nhưng cũng nhờ... Phạm Thị Ánh đứng tên. Trong khi đó thì bà Lê Thị Đào (vợ của Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Tây Nam) thì khẳng định chiếc Mercedes biển số 52T-9559 do bà đưa tiền cho chồng mua. Tòa hỏi nguồn tiền ở đâu? Bà Đào cho biết mình có công ty riêng và không nhận tiền gì của chồng đưa. Nhưng trước tòa, Trần Thế Hùng khẳng định đã bỏ ra 74.000 USD để mua chiếc xe đó cho Nguyễn Hữu Dũng, do Dũng gợi ý và "chính từ tiền buôn lậu mà có".

Tại tòa, đại diện Công ty XNK vật tư đường biển (Công ty đường biển) đề nghị tòa xem xét giúp đòi lại số tiền 72,412 tỉ đồng mà Công ty TNHH Thành Phát đã nợ công ty này vì "tất cả đều là tiền vay và đã được hai bên đối chiếu ngày 11/2/2004 trong... trại giam". Hùng "xì-tẹc" thừa nhận biên bản đối chiếu công nợ do Công ty đường biển đưa ra nhưng trừ lại 2 khoản: "2,2 triệu lít dầu Công ty đường biển đã nhận rồi nhưng chưa quyết toán và khoản 7,2 triệu lít xăng do Lê Hồng Long (Phó giám đốc Công ty đường biển chi nhánh Vũng Tàu) điều 2 xà lan gửi tại kho Tây Nam, Quân khu 7. Số xăng dầu này, theo Hùng, trị giá khoảng hơn 30 tỉ đồng. Nhưng phía Công ty đường biển không thừa nhận đã nhận 2,2 triệu lít dầu. Riêng 7,2 triệu lít xăng thì cho rằng không thể hiện trong biên bản đối chiếu, mặc dù Lê Hồng Long xác nhận 7,2 triệu lít xăng do hải quan đưa vào kho Tây Nam nhưng chưa đưa chứng từ cho Công ty TNHH Thành Phát. Riêng Phùng Công Thắng lại nói "bị cáo hoàn toàn không giao nhận số xăng này mà chỉ làm lệnh di chuyển các xà lan từ Vũng Tàu về kho Tây Nam và đưa cho Lê Hồng Long ký".

Thấy sự việc khá rắc rối, tòa cho gọi kế toán Công ty đường biển và được trả lời: "Không có nhận 2 triệu lít dầu của Thành Phát. Lê Hồng Long thì nói: "Bị cáo cũng không nhớ có nhận lại 2 triệu lít dầu không? Nếu có thì có chứng từ và do chi nhánh tại TP.HCM nhận. Nhưng đại diện chi nhánh TP.HCM lại nói: "Tôi không nhận". Vậy là cuối cùng vẫn chưa biết hơn 9 triệu lít xăng dầu đã đi về đâu, vì đây là một tình tiết mới phát sinh mà cáo trạng cũng chưa thể hiện?!                               

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.