Xin chúc mừng ông vừa được vinh danh tại lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 vào tháng 5.2023 vừa qua đối với tác phẩm tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cảm tưởng của ông thế nào khi nhận giải thưởng danh giá này?
Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được Đảng, Nhà nước tặng giải thưởng cho tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tác phẩm mà tôi đã dành rất nhiều tâm huyết trong nhiều năm liền. Suốt quá trình từ khâu sáng tác cho đến khâu hoàn thiện, tôi luôn giữ được mạch cảm xúc về sự hy sinh lớn lao của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhất là khi nghe câu chuyện về mẹ Thứ (Quảng Nam), điển hình cho sự hy sinh cho Tổ quốc với 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ.
Khi mẹ còn sống, mỗi lần đến thăm, tôi thường cầm tay mẹ để cố cảm nhận được nỗi đau của bà. Tôi cố gắng khắc họa một bà mẹ vĩ đại vào tượng đài như một đại diện cho những bà mẹ có con hy sinh trên cả nước. Tôi cố cảm nhận hình ảnh của mẹ bằng cảm xúc, tư duy và tạc lên thành tượng từ tinh thần của mẹ chứ không phải chép lại theo kiểu truyền thần.
Ý tưởng cụm tượng đài đã đến với ông như thế nào?
Với biểu tượng mẹ là suối nguồn, là sự tận hiến vô tận cho Tổ quốc, khi làm tượng, tôi đã lên 4 phương án nhưng có cảm nhận chưa đạt, chưa lột tả được sự vĩ đại của các mẹ. Trăn trở miết, rồi có một lần như trời cho, tôi nằm mơ một khối núi với nước chảy, hình ảnh mẹ Thứ hiện lên rất đẹp. Sáng hôm sau, tôi lấy bút chì phác thảo ngay và hoàn thành chỉ trong 1 buổi. Khi xong bản thảo, tôi mừng vì thấy đúng là hình ảnh bà mẹ gợi được hình ảnh đất nước.
Khối tượng đài là những nhịp, mạch chuyển động chứa nhiều ẩn dụ về một câu chuyện mất mát. Khi làm tượng đài, tôi cố gắng thể hiện phong cách tượng trưng kết hợp với hiện thực là hình tượng chân dung của bà mẹ cùng các nhân vật anh hùng liệt sĩ.
Nỗ lực tìm tòi và xây dựng phong cách riêng, tượng đài của Đinh Gia Thắng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem
S.X
Là nhà điêu khắc có nhiều cụm tượng, như: Chiến thắng Khâm Đức, tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc (Quảng Nam); tượng đài Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi… được đánh giá cao, mỗi sáng tác ông thường chuẩn bị những gì?
Làm tượng đài, trước hết phải có cái tâm trong sáng. Tôi luôn nghĩ về những người đã hy sinh, đổ máu để đất nước có ngày hôm nay. Đối với tôi, mỗi công trình tượng đài là một tác phẩm thực sự và phải làm bằng hết gan ruột, bằng cả trái tim; dùng hết khả năng trí tuệ, kiến thức của mình để xây dựng một công trình hoàn hảo.
Tượng đài đòi hỏi phải chiếm lĩnh không gian. Nếu không làm được điều này thì công trình sẽ thất bại. Cho nên, làm tượng đài phải đòi hỏi kiến thức về mặt kiến trúc, quy hoạch để tính toán được tương quan tỉ lệ giữa chiều cao, chiều rộng với khuôn viên, với cự ly đường dẫn; tính được trường nhìn xung quanh tượng, đâu là điểm nhìn tích cực, đâu là nhiều điểm nhìn hạn chế…
Tôi thường đọc tư liệu rất kỹ để chuẩn bị ý tưởng, kịch bản, nghiên cứu không gian đặt tượng, hình dung không gian đó sau này phát triển lên sẽ như thế nào. Khi làm tượng đài cũng phải dự báo quá trình phát triển đô thị, biến động cảnh quan để tượng đài không bị lạc hậu. Có nghĩa là, phải có tầm nhìn không gian đến hàng trăm năm sau.
Triết lý sáng tác tượng đài tượng đài của ông là gì?
Nói về mặt ngôn ngữ nghệ thuật, tôi muốn tạo ra điều gì đó khác biệt. Tạo ra một tác phẩm lớn thì tính tư tưởng phải cao. Tính tư tưởng phải thể hiện, chuyển tải trong nhân vật mình diễn đạt. Chẳng hạn, tính tư tưởng ở tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng là nhân hậu, bao dung, giản dị, sẵn sàng hy sinh nhưng cũng vừa thể hiện một bản sắc của người Việt "đem đại nghĩa thắng hung tàn". Qua hình ảnh của mẹ cũng thể hiện được tinh thần dân tộc.
Mỗi tượng đài sẽ có những triết lý riêng, cách giải quyết riêng nhưng phải có tính tư tưởng, bởi tượng đài là tác phẩm tồn tại hàng trăm năm sau. Xuyên suốt trong tượng đài phải khắc họa được dấu ấn của một giai đoạn lịch sử, để khi nhìn vào phải thấy được dấu ấn thời gian; không có chung chung kiểu xếp hình mấy nhân vật trên sân khấu.
Lĩnh vực tượng đài thời gian qua gặp không ít "sóng gió", thậm chí nhiều tượng đài bị chỉ trích. Khi sáng tác một tượng đài, tâm lý ông thế nào?
Khi đưa ra tác phẩm, nếu ý kiến thuận chiều thì mình thêm động lực, trái chiều thì nhắc nhở mình phải hết sức cẩn thận bởi đã có những bài học về tượng đài trên cả nước. Có những tượng đài xấu nên khi nghĩ đến tượng đài, người ta nghĩ đến công trình hời hợt, đâm ra thành kiến với tượng đài.
Tôi mong muốn mình góp phần mang lại niềm tự hào và xóa bỏ được định kiến về tượng đài. Tôi luôn nung nấu phải làm gì đó đột phá, thay đổi về ngôn ngữ, cách thể hiện nghệ thuật để từ người dân cho đến các nhà chuyên môn có cái nhìn mới. Tượng đài không phải là những hình tượng nhân vật nhàm chán bởi cảnh đưa tay, dang chân… Nếu chỉ như thế thì tượng đài sẽ khiến cho người xem bất mãn vì kém đầu tư về trí tuệ.
Vậy phong cách điêu khắc tượng đài nào ảnh hưởng đến ông nhiều nhất?
Tôi xem nhiều tác phẩm điêu khắc nối tiếng trên giới và nhận thấy, những tác phẩm mang tính ẩn dụ, thể hiện nội tâm của tác giả dễ gây ấn tượng với tôi. Còn các tác phẩm cổ điển thường giúp tôi có kiến thức ngôn ngữ giải phẫu, chuẩn mực trong tạo hình. Ở Việt Nam, khi xem nhiều tượng đài, tôi cũng đã rút được cho mình nhiều kinh nghiệm.
Những tượng đài lớn và nổi tiếng trên thế giới cũng có những nhược điểm, có những mạch chuyển khô cứng. Khi xem tượng đài này, tôi suy nghĩ phải làm khác đi. Bản thân các khối đá nếu mình biết tạo hình sẽ thành khối có hồn. Mình chặt, mình bạt thế nào để tạo nhịp mạch, tạo sự chuyển động thì sức hút về mặt thị giác sẽ rất mạnh mà không cần tỉa tót nhiều. Tôi ảnh hưởng bởi ngôn ngữ hiện đại và cố gắng tạo ra phong cách riêng của mình.
Là người đam mê và am hiểu âm nhạc, có phải vì thế mà âm nhạc đã đi vào điêu khắc như một phong cách của riêng ông?
Lợi thế của tôi là am hiểu về âm nhạc và chơi thành thạo piano. Tôi muốn đưa chất nhạc vào trong ngôn ngữ điêu khắc. Cảm xúc trong quá trình tôi làm tượng đài đều đến từ âm nhạc. Có lẽ thế mà các tác phẩm của tôi thường không giống ai bởi có những hình khối chuyển động như những giai điệu của một bản nhạc.
Từ năm 6 tuổi, tôi đã nghe nhạc cổ điển. Tôi đặc biệt mê nhạc cách mạng. Suốt quá trình làm tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tôi thường nghe nhạc về mẹ. Khi làm tượng về Trường Sơn lại nghe nhiều về những cô gái mở đường, những cuộc hành quân… Những bài hát đó nuôi dưỡng cảm xúc chính tôi. Trong điêu khắc, tôi cũng rất chú ý đến những khoảng lặng như trong âm nhạc vậy.
Được biết, ông là con nuôi của nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu. Ông có chịu ảnh hưởng hay học tập điều gì từ bố mình trong sáng tạo nghệ thuật?
Bố Phan Huỳnh Điểu là người gắn bó với tôi suốt mấy chục năm qua. Tôi học được ở cụ rất nhiều điều. Trong đó, tôi học được phong cách sáng tác: nắm bắt được những khoảnh khắc xuất thần khi gặp được một câu chuyện hay hoặc một ý tưởng độc đáo lóe lên.
Tôi cũng học được rằng, là người nghệ sĩ càng giản dị, càng nỗ lực để có tác phẩm hay thì đáng quý hơn là lo xây dựng hình ảnh cá nhân bề ngoài. Bố Phan Huỳnh Điểu là người hết sức giản dị, khiêm tốn. Cụ luôn lao động hết mình để có những tác phẩm xuất sắc. Cụ là người luôn động viên tôi và tin tưởng vào sự thành công khi xem các tác phẩm của tôi. Cụ luôn dặn tôi, làm tác phẩm sao cho đạt được "độ chín".
Ông đang theo đuổi, ấp ủ những công trình tượng đài nào?
Tôi đang thực hiện cụm tượng đài Huyền thoại Trường Sơn (đặt tại H.Nam Giang, Quảng Nam) với niềm xúc động và tự hào khi kể về những người đã hy sinh khi mở đường Trường Sơn, con đường huyết mạch tiếp tế cho tiền tuyến. Cảm xúc về những anh lái xe, công binh, chiến sĩ, thanh niên xung phong… sẽ được thể hiện trên cụm tượng chính cao khoảng 28 m, rộng khoảng 30 m. Tôi muốn người đến xem tượng sẽ thấy hình tượng Bác Hồ "đang cùng chúng cháu hành quân".
Tôi cũng ấp ủ và chuẩn bị triển lãm cá nhân vào năm 2025 với các tác phẩm điêu khắc cỡ nhỏ, một số tác phẩm hội họa. Triển lãm sẽ chuyển tải các vấn đề về đưa ngôn ngữ mới, phong cách, nét riêng biệt vào hội họa và điêu khắc, tạo tiền đề mới cho nghệ thuật tạo hình.
Thành công với hướng đi mới, ông có gửi gắm gì đến những nhà điêu khắc trẻ?
Tôi thường nói với các nghệ sĩ trẻ rằng: đừng làm tượng đài theo kiểu đơn đặt hàng mà nó phải thực sự là một tác phẩm. Làm theo kiểu đơn đặt hàng, tượng đài sẽ không tồn tại lâu được. Thứ hai là phải tìm tòi, nghiên cứu, tìm hiểu sâu chứ đừng làm tượng đài như kiểu sắp các nhân vật lên sân khấu. Hay khi làm mảng phù điêu, cấu trúc phải thay đổi, đừng để nhóm nhân vật na ná nhau sẽ gây nhàm chán cho người xem. Quan trọng nhất là tượng đài là phải tác phẩm, đừng đổ lỗi là do địa phương yêu cầu.
Tôi làm tượng đài khác người ta ở chỗ, không phải địa phương yêu cầu gì là mình cũng làm. Tất nhiên sẽ tiếp thu những góp ý nhưng cách làm, ý tưởng thì mình phải bảo vệ và phải giải quyết theo cách của một nghệ sĩ. Tôi cho rằng, một nhà điêu khắc phải bản lĩnh trong bảo vệ cảm xúc, bảo vệ cách diễn đạt, đừng lệ thuộc vào ai. Mình phải có niềm tin là sẽ thành công để nỗ lực và mạnh dạn bảo vệ ý tưởng của mình.
Bình luận (0)