'Nhà giàu' Venezuela đã sa cơ như thế nào?

30/07/2017 12:30 GMT+7

Nền kinh tế Venezuela đang lao dốc và một cuộc khủng hoảng chính trị đang để lại vô số hậu quả.

Venezuela từng là cường quốc giàu có nhất khu vực Mỹ Latin vào những năm 1990. Không những thế, nước này còn có cả một thời huy hoàng với những khoản tiền mặt nhiều vô tận khi nắm giữ nguồn cung dầu thô lớn nhất thế giới. Sức mạnh thương hiệu quốc gia của đất nước Nam Mỹ vào thời điểm ấy mạnh đến độ cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chọn Venezuela là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông vào năm 1997.
Tuy nhiên, những năm tháng tươi đẹp đó đã không kéo dài lâu. Năm 1999, Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền và ủng hộ chủ nghĩa dân túy. Ông cắt đứt mối quan hệ với Mỹ, chuyển hướng quay sang Nga và Trung Quốc, cả hai nước này đều cho Venezuela vay hàng tỉ USD. Song, chính quyền ông Chavez đã vượt xa các chương trình phúc lợi và định giá cho mọi thứ. Họ tuyên bố tài sản nông nghiệp là của nhà nước, nhưng sau đó lại bỏ rơi lĩnh vực này, thay vào đó lại để kinh tế đất nước phụ thuộc vào việc bán dầu cho nước ngoài.
Chưa kể bất bình đẳng trong nước cũng bắt đầu trở nên sâu sắc. Một số lượng nhỏ những người giàu có đã nắm quyền kiểm soát mọi thứ. Bây giờ, chính phủ Venezuela đang hết tiền trong khi vẫn còn những khoản nợ ngập đầu phải trả trong năm nay, giá cả hàng hóa tăng vọt, nguồn thức ăn trong nước không đảm bảo, bệnh viện quá tải...
Các kệ hàng trống rỗng bên trong một siêu thị tại thủ đô Caracas, Venezuela Ảnh: Reuters
Theo CNN, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro đã ngừng cung cấp số liệu thống kê đáng tin cậy về tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Trong khi đó, các quan chức lại nhận hàng triệu USD hối lộ cho các dự án xây dựng.
Hàng hóa xuất khẩu giá trị nhất của Venezuela là dầu thô giảm mạnh về giá trị. Năm 2014, khi giá dầu vào khoảng 100 USD/thùng, một số quốc gia đã tăng sản lượng khai thác bằng cách áp dụng các công nghệ mới. Nhưng không may là nhu cầu dầu thô trên toàn cầu lúc đó lại không đi lên. Quá nhiều dầu đã khiến giá dầu giảm xuống chỉ còn 26 USD/thùng vào năm 2016. Hiện tại giá dầu đang dao động quanh mức 50 USD/thùng, và điều đó có nghĩa là thu nhập của Venezuela giờ đây đã giảm hẳn một nửa so với năm 2014.
Giá dầu “chìm” và tiền mặt của chính phủ dần cạn kiệt làm cho việc kiểm soát giá cả trở thành một vấn đề lớn. Venezuela đã phải in tiền với tốc độ chóng mặt khiến đồng bolivar mất giá. Thái độ không mấy cởi mở của ông Maduro đối với kinh doanh nước ngoài đã tạo ra một cuộc di cư tập thể của hàng loạt doanh nghiệp lớn, trong đó có Pepsi, General Motors và United Airlines. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ thất nghiệp ở nước này có thể lên tới 25% trong năm nay.
Tình hình lạm phát trong nước còn tồi tệ hơn. Trong năm 2010, một USD có giá trị khoảng 8 bolivar, nhưng tỷ giá hối đoái hiện nay đã thay đổi đáng kể khi 1 USD đổi được 8.000 bolivar, theo tỷ giá hối đoái không chính thức được hầu hết người dân Venezuela sử dụng. Giá cả hàng hóa tại quốc gia Nam Mỹ được dự báo có thể tăng kinh ngạc lên mức 2.000% trong năm tới. Để bắt kịp tình hình lạm phát, Tổng thống Maduro buộc phải tăng lương tối thiểu ba lần trong năm nay. Điều này có thể tạo ra sự trợ giúp ngắn hạn cho người nghèo, nhưng về cơ bản nỗi đau vì đồng tiền vô giá trị sẽ còn kéo dài.
“Nền kinh tế Venezuela thực sự hỗn loạn. Nó diễn biến theo hướng lao dốc mà không có một điểm quay đầu nào”, Alberto Ramos, nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về Mỹ Latin tại Goldman Sachs, nói.
Trong nhiều năm qua, ông Maduro đã ưu tiên lựa chọn trả các hóa đơn nợ nần cho Trung Quốc và Nga thay vì đầu tư xây dựng kinh tế, hoặc mua thực phẩm, thuốc men từ bên ngoài.
Venezuela thường phải mua thực phẩm chủ yếu từ Brazil, Colombia và Mexico vì chính phủ đã ngừng trồng trọt ở những vùng đất nông nghiệp trù phú cách đây nhiều năm. Nhưng theo công ty nghiên cứu Panjiva, trong sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu lương thực từ các nước trên sang Venezuela giảm 61% so với cùng kỳ năm 2015.
Sự thiếu hụt trong y tế cũng ở mức báo động. Có tới 756 phụ nữ tử vong trong và ngay sau khi sinh con vào năm 2016, tăng 76% so với năm 2015. Gần 11.500 trẻ sơ sinh tử vong vào năm ngoái, tăng 30% so với năm trước đó. Các trường hợp sốt rét cũng lên đến con số 240.000 trong năm 2016.
“Ngay cả bệnh viện cũng không có thức ăn cho bệnh nhân. Chúng tôi vẫn không có thuốc men, máy chụp CT hay máy chụp X-quang. Chúng tôi không có gì cả”, tiến sĩ Huniades Urbina-Medina, trưởng khoa nhi tại bệnh viện Niños J.M. de los Rios tại thủ đô Caracas, cho biết.
Câu chuyện “nhà giàu” Venezuela sa cơ không chỉ có thức ăn và thuốc, mà còn có cả sự rò rỉ chất xám nghiêm trọng khi cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy tầng lớp thượng lưu, trung lưu tại đây phải rời khỏi đất nước. Theo nghiên cứu của Tomas Paez, Giáo sư xã hội học thuộc Đại học Trung tâm Venezuela, có gần 2 triệu người dân chuyển ra nước ngoài từ năm 1999 đến nay.
Ông Maduro gần đây thường đổ lỗi cho các đối thủ của ông về những tai ương kinh tế mà đất nước đang gánh chịu. Ông cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với nhà lãnh đạo Venezuela là bằng chứng cho thấy Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến kinh tế. Song, bất kể vị trí đổ lỗi nằm ở đâu, thì sự suy thoái kinh tế vẫn là một sự thật khắc nghiệt mà cường quốc Latin một thời phải thẳng thắn đối diện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.