Nhà khoa học cần một đồng lương xứng đáng

19/02/2010 01:38 GMT+7

Trao đổi đầu năm với Thanh Niên , giáo sư Ngô Bảo Châu đã thẳng thắn đề cập đến rất nhiều vấn đề liên quan tới giới trẻ cũng như chính sách về khoa học, giáo dục của Việt Nam.

* Anh từng nói: “Khoa học không phải là con đường dễ dàng và dễ giàu”. Có lẽ nên bổ sung: “không dễ nổi tiếng” nữa. Anh có nghĩ vì thế mà ít bạn trẻ dám theo con đường này?

- Tôi cho là có một số lệch lạc trong quan niệm của nhiều bạn trẻ. Nếu lấy giàu và nổi tiếng làm mục đích thì có thể thất vọng hai lần. Thứ nhất là thất vọng vì không đạt được mục đích. Thứ hai là trong trường hợp đã đạt được mục đích, bạn lại thất vọng vì hóa ra đó không phải cái bạn muốn.

* Anh có trang mạng cá nhân mang tên Thích học toán, đó là nơi anh trò chuyện với những người cùng đam mê, hay anh sử dụng nó như một chiếc cầu để dẫn bạn trẻ bước vào khoa học?

- Trang Thích học toán chủ yếu để trò chuyện toán học. Tôi cho rằng những ý tưởng quan trọng nhất thực ra là những gì đơn giản nhất. Vì thế có thể diễn giải được ở hình thức trò chuyện như ở Thích học toán. Nhưng tất nhiên, tôi không ảo tưởng là bạn đọc của Thích học toán có thể ngộ được mọi chuyện chỉ bằng cách đọc blog của tôi. Để thu nhận được một cái gì có giá trị, bạn cũng phải trả giá, tức là phải quay lại vật lộn với sách vở. Thích học toán có thể dắt tay bạn đến chân núi, rồi bạn sẽ phải tự leo. Ít nhất ngọn núi gần trông không đáng sợ như ngọn núi xa. Cái mục đích đầu tiên và cuối cùng của blog Thích học toán là góp một chút hơi để thổi lại tinh thần hiếu học.

Giáo sư Ngô Bảo Châu

* Việt Nam thường đạt được thành tích khá tốt trong các kỳ thi Olympic, nhưng không có nhiều những nhà khoa học thành công ở tầm quốc tế. Có một sự bất cập nào đó trong giáo dục, đào tạo chăng?

- Đạt thành tích tốt trong các kỳ thi Olympic dễ hơn nhiều so với thành công trong khoa học. Vì ta chưa có nhiều thầy nghiên cứu giỏi nên ta cũng chưa có trò nghiên cứu giỏi. Từ không đến có là một bước nhảy vĩ đại. Có lẽ trước hết ta nên dò xét lại trong cơ chế, có gì cản trở sự phát triển của khoa học thì nên bỏ. Thực ra, xã hội ta chưa ngộ ra sự cần thiết của một môi trường hàn lâm toàn vẹn, nơi người ta biết đặt học tập lên trên hết. Ở ngoài môi trường này, nghiên cứu khoa học thực sự khó có thể nảy mầm.

* Anh từng bày tỏ lo lắng trước cuộc suy thoái tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Vậy đâu là nguyên nhân? Do người Việt trở nên lười đi hay do nền giáo dục không kích thích được tinh thần hiếu học?

- Người Việt xưa nay vẫn có truyền thống hiếu học. Nhưng thường là học để làm quan, chứ hình như không đặt trọng tâm lên cái khát khao hiểu biết của con người. Với xã hội thay đổi nhanh chóng trong những năm gần đây, người ta càng ngày càng đặt trọng tâm lên câu hỏi học để làm gì. Vô tình khi đặt câu hỏi đó, cái mục đích gì đó đã quan trọng hơn việc học.

“Nếu lấy giàu và nổi tiếng làm mục đích thì có thể thất vọng hai lần. Thứ nhất là thất vọng vì không đạt được mục đích. Thứ hai là trong trường hợp đã đạt được mục đích, bạn lại thất vọng vì hóa ra đó không phải cái bạn muốn”.

* Một hiện trạng đau đầu của giáo dục Việt Nam là bệnh thành tích, tư duy phẩm hàm. Ngay cả ở cấp cao, như chuyện bổ nhiệm chức danh giáo sư cũng có rất nhiều bất cập. Theo anh, lối thoát cho tình trạng này là gì?

- Ý kiến riêng của tôi có lẽ sẽ gặp nhiều sự phản đối. Tôi cho rằng giáo sư nên trở thành một chức vụ có một đồng lương xứng đáng và có một trách nhiệm cụ thể. Ở các nước, phong hàm giáo sư là việc của các trường, nhưng với tình trạng yếu kém chung của chúng ta, có lẽ việc phong chức vụ giáo sư vẫn phải đặt ở cấp nhà nước, tuy là chức giáo sư vẫn phải phân bổ về các trường. Tất nhiên việc này vô cùng khó, vì nhiều trường vẫn thích nhận cán bộ trung bình hơn là nhận người thật giỏi về làm việc. Tôi vẫn chỉ có một câu trả lời chung cho bệnh thành tích, tư duy phẩm hàm là cần thổi lại tinh thần hiếu học.

* Anh vẫn thường xuyên về giảng dạy và tham gia các hoạt động khoa học ở Việt Nam. Đặc biệt, anh đã đóng góp nhiều ý kiến, anh thấy ý kiến của mình được tiếp nhận ra sao?

- Cùng với các đồng nghiệp ở Viện Toán học và trường ĐH Sư phạm, tôi có tham gia tổ chức một lớp cao học quốc tế. Chúng tôi đã được lãnh đạo Bộ Khoa học - Công nghệ cũng như Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp đón một cách trọng thị. Nhưng để lớp cao học này thực sự đi vào hoạt động thì quả thực có vô vàn khó khăn. Tuy kinh phí đề nghị rất khiêm tốn so với ý nghĩa của việc cụ thể này đối với tương lai của toán học Việt Nam, mỗi một bước đi là một bước vấp cơ chế, rồi phải tìm cách lách nếu muốn đi tiếp. Trong xã hội của chúng ta hiện nay, chuyện này là bình thường nhưng đây là chuyện vô cùng đáng tiếc. Anh có nhiệt tình, nhưng cũng chỉ có một quỹ thời gian hạn chế. Anh muốn sử dụng quỹ thời gian đó một cách có ý nghĩa hơn là đối phó với các cơ chế vô lý.

* Nhiều trí thức tinh hoa Việt Nam đã chọn ở lại một nước phát triển để làm việc. Theo anh, đâu là nguyên nhân chính? Việt Nam chưa thể cung cấp điều kiện làm việc cho họ hay chính sách của Việt Nam không khuyến khích họ trở về?

- Theo tôi nghĩ, một nhà khoa học chuyên nghiệp phải đặt câu hỏi làm khoa học thế nào cho giỏi trước câu hỏi làm ở đâu. Có hai việc khó làm ngay được, nhưng xã hội nên dần dần có ý thức. Thứ nhất, khoa học khó nảy mầm ở ngoài một môi trường hàn lâm toàn vẹn. Thứ hai, nhà khoa học cần một đồng lương xứng đáng.

* Xin cảm ơn anh.

 

Giáo sư Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Anh từng đoạt Huy chương vàng Olympic toán quốc tế. Anh bắt đầu du học tại Pháp năm 1990 và bảo vệ tiến sĩ năm 1997. Sau đó, anh công tác ở Trung tâm Khoa học quốc gia Pháp cho đến năm 2004, rồi nhận lời làm giáo sư Đại học Paris 11. Từ năm 2007, anh công tác tại Viện Nghiên cứu tiên tiến (Institute for Advanced Study) ở Princeton, New Jersey, Mỹ. Trao đổi với Thanh Niên, anh cho biết đã nhận lời về làm giáo sư cho Đại học Chicago từ tháng 9.2010.

Công trình chứng minh Bổ đề Cơ bản thuộc Chương trình Langlands đã được Tạp chí Time bình chọn là một trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu của năm 2009. Trước đó, trong một công trình liên quan tới Bổ đề Cơ bản, Ngô Bảo Châu và nhà toán học Pháp Gérard Laumon đã được trao Giải thưởng Clay. Năm nay, Ngô Bảo Châu sẽ trình bày báo cáo khoa học tại phiên toàn thể Hội nghị Toán học thế giới tại Ấn Độ. Giới khoa học quốc tế và Việt Nam nhận định Ngô Bảo Châu là ứng viên sáng giá nhất cho Huy chương Fields, giải thưởng được mệnh danh là “Nobel Toán học”.

Sau những gì đã đạt được, Ngô Bảo Châu được đánh giá là một trong những nhà toán học xuất sắc nhất thế giới hiện nay.

Đỗ Hùng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.