Giải thưởng bao gồm: Cúp Quả Cầu Vàng; Giấy Chứng nhận đạt giải thưởng; Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn cùng tiền thưởng. TS. Trần Nguyễn Hải - Nhà khoa học của trường Đại học (ĐH) Duy Tân đã vinh dự trở thành 1 trong số 10 gương mặt xuất sắc và ưu tú nhất nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2019. Giải thưởng cao quý này là minh chứng cho nhiệt huyết và những nỗ lực cống hiến không ngừng của anh cho nền khoa học - công nghệ nước nhà.
Giải thưởng Quả Cầu Vàng được hình thành để tôn vinh các tài năng trẻ Việt Nam (dưới 35 tuổi) đã có những thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực Khoa học Công nghệ. Trong đó, có các lĩnh vực:
- Công nghệ Thông tin và Truyền thông,
- Công nghệ Y - Dược,
- Công nghệ Sinh học,
- Công nghệ Môi trường, và
- Công nghệ Vật liệu mới.
Theo thông tin của Ban Tổ chức, chất lượng hồ sơ các ứng viên có sự đột phá qua các năm. Đặc biệt năm 2019, 20 ứng viên được bầu chọn trong tổng số 45 hồ sơ đăng ký đều có các công bố quốc tế rất tốt cả về cả số lượng và chất lượng. Do vậy, 10 tài năng trẻ nhận giải Quả Cầu Vàng 2019 là những nhân tố tài năng và thật sự xuất sắc.
Thành công mà TS Trần Nguyễn Hải gặt hái ngày hôm nay là kết quả của cả một quá trình miệt mài cống hiến cho nghiên cứu. Những thành tích “đáng nể phục” của anh phải kể đến 64 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc Web of Science (WoS), trong đó đa phần các bài báo đều thuộc hạng cao nhất Q1 trong lĩnh vực theo WoS năm 2020 (44/64, chiếm gần 70%) và chỉ số trích dẫn (>1500 lần theo dữ liệu Scopus). Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu và dành được nhiều sự quan tâm của công chúng, như:
- “Mistakes and inconsistencies regarding adsorption of contaminants from aqueous solutions: A critical review” - được công bố trên tạp chí Water Research năm 2017, được trích dẫn hơn 500 lần và hiện tại đang đứng ở vị trí số 1 trong top các bài báo được trích dẫn nhiều nhất của tạp chí sau 3 năm công bố;
- “Thermodynamic parameters of cadmium adsorption onto orange peel calculated from various methods: A comparison study” được tạp chí Journal of Environmental Chemical Engineering (hạng Q1, NXB Elsevier) bình chọn là một trong 8 công trình tiêu biểu về xử lý nước bằng công nghệ hấp phụ, được trích dẫn gần 200 lần và lọt vào top các bài báo được trích dẫn nhiều nhất của tạp chí,…
|
Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải thưởng danh giá này, TS Trần Nguyễn Hải bày tỏ: “Tôi đến với khoa học, vì yêu khoa học và mong muốn được khám phá những điều thú vị của cuộc sống. Do vậy, khi biết mình trở thành 1 trong 10 tài năng trẻ nhận giải Quả Cầu Vàng, tôi cảm thấy rất vui mừng và vinh dự nhưng cũng mang theo mình một áp lực không nhỏ. Nhận được giải thưởng đã khó, giữ được giá trị và danh tiếng của giải lại càng khó hơn. Làm việc tại ĐH Duy Tân, tôi nhận thấy nhà trường đang có sự quan tâm rất lớn đầu tư cho nghiên cứu khoa học cũng như có những chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học để công bố các công trình chất lượng. Tôi đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đã xây dựng được một nhóm cộng tác gồm các Giáo sư và Phó giáo sư ở các nước như: Úc, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Brasil, Iran, Nam Phi, Belarus, Algérie... để cùng nhau chia sẻ ý tưởng và thực hiện các công trình nghiên cứu hữu ích cho cuộc sống trong thời gian tới”.
Làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng ở TP.Hồ Chí Minh thuộc trường ĐH Duy Tân, TS Trần Nguyễn Hải đang gặt hái thêm nhiều thành công mới trong lĩnh vực Công nghệ - Môi trường. Tiêu biểu là công trình nghiên cứu công nghệ xử lý arsen với tên gọi “Laterite as a low-cost adsorbent in a sustainable decentralized filtration system to remove arsenic from groundwater in Vietnam”, được đăng trên tạp chí đầu ngành Science of the Total Environment đã đi vào giai đoạn triển khai ứng dụng tại Việt Nam.
Hiện tại, anh còn làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu tiên tiến (cacbon hình cầu/hydroxide cấu trúc lớp kép) ứng dụng trong xử lý nước ô nhiễm” do Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (Quỹ NAFOSTED) tài trợ từ năm 2019. Dự án đã công bố thành công trên các tạp chí danh tiếng trong ngành như:
- Tạp chí Journal of Hazardous Materials với tên bài báo là “Innovative spherical biochar for pharmaceutical removal from water: Insight into adsorption mechanism”,
- Tạp chí Science of the Total Environment với tên bài báo là “Peanut shells-derived biochars prepared from different carbonization processes: Comparison of characterization and mechanism of naproxen adsorption in water”, và
- Tạp chí Environmental Technology & Innovation với tựa bài báo là “One-stage preparation of palm petiole-derived biochar: Characterization and application for adsorption of crystal violet dye in water”.
Không chỉ là nhà khoa học trẻ tuổi đã có nhiều dấu ấn trong nghiên cứu khoa học, TS Trần Nguyễn Hải còn là thành viên Ban Biên tập của 17 tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus. Trong đó, có tạp chí Science of The Total Environment và Chemosphere (thuộc NXB Elsevier), Journal Separation & Purification Reviews (Taylor & Francis), Journal of Chemical Technology and Biotechnology (Wiley), Current Pollution Reports (Springer), và Water Science and Technology (IWA) là 6 tạp chí quốc tế uy tín điển hình.
|
Song song với công tác nghiên cứu, TS Trần Nguyễn Hải thường xuyên tham gia vào các hội thảo, diễn đàn, các buổi giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học. Điển hình, TS Hải là đồng diễn giả của 4 hội thảo online do Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến Y tế (CHIR; một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận) tổ chức thường xuyên vào các ngày cuối tuần. 4 chủ đề tọa đàm đã tổ chức bao gồm:
- Công bố/xuất bản quốc tế,
- Bình Y văn,
- Đạo đức trong Nghiên cứu khoa học, và
- Chọn lựa Tập san Khoa học trong công bố quốc tế.
Trong nghiên cứu, anh đặt hết tâm huyết, sự kỳ vọng của bản thân để đưa những “đứa con tinh thần” của mình lên top đầu các bảng xếp hạng uy tín thế giới. Còn trong công việc bình duyệt khoa học (ở các Ban biên tập), anh luôn nỗ lực hỗ trợ Tổng biên tập thẩm định chất lượng bản thảo và mời các chuyên gia khác cùng bình duyệt. Ở vị trí Nhà Bình duyệt, anh luôn đòi hỏi các bản thảo phải được chuẩn bị một cách chỉn chu bởi các tác giả và thể hiện rõ tính mới và tầm quan trọng của đề tài. Một bản thảo được anh đề xuất chấp nhận đăng trên tạp chí phải đảm bảo tiêu chí của một bài báo chất lượng “impact paper”, nghĩa là phải đảm bảo 2 yếu tố: Hàm lượng khoa học tốt “good science”, và Cách viết, cách diễn đạt, giải thích số liệu phải thật tốt “good writing”.
Dù ở bất cứ vị trí nào, TS Trần Nguyễn Hải đều cố gắng cống hiến tất cả tài năng, trí tuệ của bản thân để cùng với các nhà khoa học của Việt Nam có thêm nhiều công trình chất lượng công bố trên các tạp chí uy tín của thế giới.
ĐẠI HỌC DUY TÂN
- 1 trong 500 Đại học Tốt nhất châu Á năm 2020 theo QS Ranking.
- Đại học thứ 2 của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định ABET của Mỹ.
- Xếp thứ 3/4 ĐH của Việt Nam (thứ 1854 thế giới) trên bảng xếp hạng các ĐH trên Thế giới - CWUR.
- Xếp thứ 3/8 ĐH của Việt Nam (thứ 1147 thế giới) trên bảng xếp hạng theo Học thuật - URAP.
- Xếp thứ 2 của Việt Nam trên bảng xếp hạng Nature Index 2019.
|
Bình luận (0)