Nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý năm 2016 thắp đuốc khoa học tại Quy Nhơn

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
11/07/2022 17:33 GMT+7

GS Duncan Haldane (nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý năm 2016) cùng nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã dự hội nghị vật lý quốc tế và thắp đuốc khoa học nhằm chào mừng Năm Quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững.

Ngày 11.7, tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE - ở TP.Quy Nhơn, Bình Định), Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) phối hợp với Bộ KH-CN, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị Điện tử lượng tử Topo và lễ thắp đuốc khoa học nhằm chào mừng Năm Quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững lần đầu tiên trên thế giới.

Tham dự hội nghị có 74 nhà khoa học đến từ 13 quốc gia trên thế giới, trong đó có GS Duncan Haldane (71 tuổi, giáo sư của Đại học Princeton, Mỹ), đạt giải Nobel Vật lý năm 2016 và GS Đàm Thanh Sơn (Trường ĐH Chicago, Mỹ), giải Dirac 2018.

Ngoài ra, dự lễ khai mạc còn có 60 học sinh đến từ 5 trường chuyên: THPT chuyên Chu Văn An và THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định), THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) và THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên).

GS Duncan Haldane trò chuyện với các học sinh Việt Nam

hoàng trọng

Theo Ban tổ chức, các đại biểu tham dự hội nghị là các nhà nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu các tính chất điện tử của các vật liệu lượng tử. Hội nghị sẽ nêu bật những phát triển gần đây trong nghiên cứu các tính chất cân bằng và không cân bằng của các vật liệu lượng tử mới như các trạng thái Topo của vật chất, các hệ hai lớp xoắn, các vật liệu từ, TMDs (transition metals dichalcogenides), siêu dẫn, các hiện tượng lượng tử trong hệ trung mô...

GS Duncan Haldane và GS Đàm Thanh Sơn chụp ảnh lưu niệm với các học sinh trường chuyên

hoàng trọng

Tại lễ khai mạc còn có nghi thức thắp đuốc khoa học. Theo đó, 1 học sinh xuất sắc nhất đại diện cho 5 trường chuyên nói trên thực hiện nghi thức tạo lửa từ ánh sáng mặt trời (thông qua hội tụ ánh sáng từ gương cầu lõm) để mồi lửa cho ngọn đuốc khoa học. Sau đó, ngọn lửa sẽ được truyền qua ngọn đuốc mồi theo thứ tự: ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH-CN Việt Nam; GS Nurit Avraham, Viện Khoa học Weizmann (Israel); GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam và GS Duncan Haldane sẽ là người cuối cùng châm lửa từ đuốc mồi lên đài đuốc.

Ngọn đuốc khoa học sẽ được đốt cháy liên tục trong suốt 1 tuần diễn ra hội thảo khoa học này.

GS Duncan Haldane đốt đuốc khoa học tại Trung tâm ICISE ở TP.Quy Nhơn

hoàng trọng

Hội nghị sẽ bế mạc vào ngày 16.7. Bên lề hội thảo còn có các sự kiện như: GS Đàm Thanh Sơn nói chuyện khoa học và giao lưu với 60 học sinh ưu tú của 5 trường chuyên thuộc các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên vào chiều 11.7; GS Duncan Haldane nói chuyện khoa học đại chúng tại TP.Quy Nhơn chiều 13.7 và tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) chiều 19.7.

GS Duncan Haldane và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long (ngoài cùng bên phải) trồng cây lưu niệm tại ICISE

hoàng trọng

Sự kiện khoa học đầu tiên hưởng ứng Năm quốc tế khoa học cơ bản

Hội nghị Điện tử lượng tử Topo có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 năm 2022. Sự kiện này được Hội đồng chủ trì đề án trình Liên hiệp quốc và UNESCO công nhận là sự kiện khoa học đầu tiên trên toàn thế giới hưởng ứng Năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững 2022 do Liên hiệp quốc thông qua tháng 1.2022 và UNESCO tổ chức lễ công bố chính thức vào ngày 8.7.

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, là người đồng chủ trì đề án trình Liên hiệp quốc lấy năm 2022 làm Năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững và Việt Nam là một trong các nước tác giả của đề xuất đề án.

GS Trần Thanh Vân

Hoàng trọng

GS Trần Thanh Vân cho biết: Chủ tịch Ban tổ chức Năm Quốc tế khoa học cơ bản đã công nhận hội nghị Điện tử lượng tử Topo tại ICISE là hội nghị đầu tiên của Năm Quốc tế khoa học cơ bản và đã trao cho Hội Gặp gỡ Việt Nam ngọn lửa khoa học để đưa về đây chiếu sáng trong thời gian hội nghị, để cùng nhau lan tỏa tình yêu khoa học cho toàn thể Việt Nam và nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, tạo điều kiện để các nhà khoa học thế giới đến Việt Nam và chia sẻ với các nhà khoa học nước nhà về các tiến bộ, khám phá mới nhất trong một bầu không khí thảnh thơi, thuận lợi cho sự xuất hiện những ý tưởng mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.