Nhà khoa học lý giải việc mình nhận lời hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học

Quý Hiên
Quý Hiên
17/05/2022 18:18 GMT+7

Theo TS Nguyễn Phú Hùng, nhà khoa học hướng dẫn một dự án được chọn đi dự thi ISEF 2022, mình nhận lời hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học vì mặt tích cực của hoạt động, nên rất buồn khi bị dư luận hiểu sai.

Như Thanh Niên đã phản ánh, dự án “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi” một nhóm học sinh thuộc Sở GD-ĐT Thái Nguyên là 1 trong 7 dự án được Bộ GD-ĐT chọn gửi dự thi cuộc thi ISEF 2022.

Trong quá trình triển khai dự án, nhóm học sinh được TS Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên, hướng dẫn.

Khi nội dung dự án được công khai trên trang của ISEF, cũng như với nhiều dự án khác của Việt Nam dự thi ISEF, dự án bị nghi ngờ là sản phẩm chủ yếu của thầy, chứ thực chất không phải của học sinh.

Việc đoạt giải hay không phụ thuộc vào học trò

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Nguyễn Phú Hùng cho biết, theo quy chế của Bộ GD-ĐT thì trường ĐH được khuyến khích hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học. Theo đó, trường ĐH có trách nhiệm trợ giúp học sinh có thiết bị máy móc, đề xuất hướng nghiên cứu, sau khi học sinh có ý tưởng khởi đầu.

Trong quá trình thực hiện dự án, học sinh có cơ hội đến trường ĐH để làm các thí nghiệm trong đề tài của mình (có thể là một phần, hoặc có thể nhiều phần, tuỳ vào mức độ của các thí nghiệm).

Dự án của học sinh Sở GD-ĐT Thái Nguyên được chọn dự thi ISEF 2022 là một dự án bị nghi ngờ do thầy ở trường ĐH làm hộ, vì có hàm lượng khoa học cao.

Quý Hiên chụp Tài liệu

“Việc đoạt giải hay không phụ thuộc vào học trò. Các thầy cô hướng dẫn các bạn ấy làm một vài thí nghiệm để thực hiện nghiên cứu của mình. Còn các bạn ấy có hiểu vấn đề hay không, có trả lời được các chất vấn của ban giám khảo hay không, là phụ thuộc vào học sinh. Thầy cô ở trường ĐH không có nhiều thời gian để hướng dẫn các bạn ấy một cách chi tiết được. Nên khi có chủ đề, thường thì các bạn ấy tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời”, TS Hùng chia sẻ.

TS Hùng cho rằng nếu nói các thí nghiệm trong dự án khoa học của học sinh chỉ trường ĐH mới làm được, học sinh không tự làm được, là không hoàn toàn đúng.

“Không phải tự nhiên mà thế giới người ta tổ chức cuộc thi này. Quan trọng là sau khi tham gia, học sinh học được nhiều cái, như học được cách đặt vấn đề, học được cách giải quyết vấn đề, nên trưởng thành lên rất nhiều”, TS Hùng nói.

Theo nội dung dự án của học sinh Thái Nguyên dự thi ở ISEF 2022, nhiều nhà khoa học thắc mắc thầy hay các em tự làm các việc sau: lên ý tưởng dự án, thiết kế phương pháp nghiên cứu, chiết xuất saponin, nuôi cấy tế bào, vận hành các thiết bị phân tích, xử lý số liệu?

TS Hùng cho biết: “Bảo học sinh nghĩ ra và làm từ đầu đến cuối là không đúng. Nhưng học sinh có ý tưởng. Trong trường hợp này là các em bảo các em muốn nghiên cứu một cây thuốc nào đó có khả năng trị bệnh, và đặc biệt là bệnh ung thư, sau đó giáo viên của các em đến trao đổi với trường ĐH. Chúng tôi cho biết phòng thí nghiệm của trường có nghiên cứu các cây thuốc tác động lên tế bào ung thư thế nào, và gợi ý cho các em nghiên cứu như thế”.

TS Hùng cho rằng, việc học sinh của Sở GD-ĐT Thái Nguyên tiếp cận cùng hướng phòng thí nghiệm của mình đang nghiên cứu là hợp lý, vì các thầy cô ở trường ĐH không thể thiết kế riêng hướng nghiên cứu cho các em. Trước hết do bản thân các em không có kinh nghiệm, thứ hai là liên quan tới nhiều vấn đề, như phòng thí nghiệm có sẵn các dòng tế bào nghiên cứu khác hay không.

TS Hùng nói: “Khi đăng ký đề tài dự thi với Bộ GD-ĐT, học sinh cũng ghi rõ dự án của các em là một phần trong đề tài nghiên cứu của chúng tôi. Đôi khi người ta không đọc hết nên đã hiểu nhầm, và nói đây hoàn toàn là ý tưởng của học sinh, thì điều đó là không đúng”.

Các thầy cô ĐH làm mẫu, học sinh làm theo

Theo TS Hùng, dự án sử dụng khoảng 3 - 4 kỹ thuật nghiên cứu gì đó. Các em được làm quen với những kỹ thuật này trên phòng thí nghiệm, các thầy cô ở trường ĐH sẽ làm mẫu cho các em ấy xem, sau đó các em làm lại các bước. Khi vào phòng thí nghiệm, học sinh có ghi chép lại cách các bạn ấy đã làm, với các thí nghiệm đơn giản mà tự các em làm được. Thời gian học sinh thường xuyên vào phòng thí nghiệm là khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 năm ngoái.

“Nói một cách chân thành, học sinh không phải lúc nào cũng vào được phòng thí nghiệm, vì các em còn phải đi học. Nhưng nói một cách khách quan là có nhiều thí nghiệm học sinh có làm được, vì làm lặp lại cũng không khó”, TS Hùng chia sẻ.

TS Hùng cho biết thêm: “Việc nuôi tế bào, việc thực hiện một vài thí nghiệm liên quan tới tế bào, thì các học sinh làm được. Còn phân tích số liệu thì đương nhiên là phải có sự hướng dẫn của thầy cô trường ĐH, vì họ mới biết cách để phân tích. Việc chiết xuất saponin là các bạn ấy được thầy cô chuyên về hoá hướng dẫn làm”.

Trước những bàn tán về tầm vóc của đề tài mà học sinh triển khai, TS Hùng cho rằng thực chất là các dự án được gọi tên “hoành tráng” như thế để tạo ấn tượng, còn nội dung đề tài thì không hẳn là “mang tầm đề tài tiến sĩ” như dư luận tưởng.

Thực tế là nội dung nghiên cứu của học sinh được trình bày ngắn gọn, với khoảng 4 - 5 kết quả. Khi đánh giá thì ban giám khảo căn cứ vào những nội dung học sinh tự tìm hiểu được, qua phần trả lời trực tiếp các câu hỏi của các thầy cô trong hội đồng.

“Tôi để ý thấy các năm trước có nhiều tên đề tài nghe thì rất hay, nhưng do học sinh không hiểu hết nội dung, tham gia vào nghiên cứu không sâu nên, cũng không được các thầy cô đánh giá cao”, TS Hùng nhận xét.

TS Hùng cũng cho biết sau khi kết thúc cuộc thi cấp quốc gia, ông đã từ chối không tiếp tục hướng dẫn học sinh theo đuổi các cuộc thi tiếp theo vì ông rất bận. Hơn nữa, lúc đó trong dư luận cũng có một số bình luận cho thấy mọi người không hiểu về cuộc thi như ông hiểu.

“Đánh giá một cách khách quan thì cuộc thi này có tính 2 mặt. Nếu ai đó tham gia thi để đạt giải nọ giải kia thì nó là vấn đề của bệnh thành tích. Nhưng với tư cách nhà khoa học, thì mình có thể hy vọng sâu xa hơn là khơi gợi, tạo cho học sinh niềm đam mê nghiên cứu từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

Khi tham gia, học sinh tự đặt ra các câu hỏi, đưa ra các vấn đề, tìm hiểu, nêu ý tưởng, rồi nghiên cứu, từ đó các em thu được cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Sau này khi vào ĐH thì các em có thể đam mê hơn để trở thành người nghiên cứu.

Như vậy, nó cũng có mặt tích cực chứ không hoàn toàn chỉ có tiêu cực. Xuất phát từ suy nghĩ đó nên tôi đã đồng ý tham gia hướng dẫn các em dù rất bận, mà cũng mãi gần đây tôi mới tham gia. Từ lợi ích thuần tuý của khoa học thì đây là việc tốt. Dư luận nói nọ nói kia khiến chúng tôi rất buồn. Vì mình cũng được học hành tử tế, cũng mong muốn đem cái mình học hành để làm được gì đó… Tôi mong muốn báo chí chia sẻ để dư luận hiểu đúng vấn đề hơn, hiểu được cả 2 mặt của việc này”.

TS Nguyễn Phú Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.