Nhiều bạn CN giải thích: mọi thứ đều tốt khi ở trong NLT, trừ những chuyện sau: các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, vui chơi giải trí cho CN còn thiếu đủ bề. Ở ngoài không tốt bằng, giá cả mắc hơn nhưng cái gì cũng có!
Giá rẻ, tốt
Chỉ cần đóng 180.000 đồng tiền thế chân tài sản và trả trước tiền trọ 120.000 đồng/tháng là bất cứ CN nào cũng có thể đường hoàng vào sinh sống tại NLT Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM).
Ở đây, mỗi phòng đặt bốn giường tầng dành cho tám người ở, hai nhà tắm, hai nhà vệ sinh và bếp nấu ăn. Tiền điện 1.500 đồng/kWh, nước 3.500 đồng/m3, tiền gửi xe tùy theo loại dao động 10.000-40.000 đồng/tháng. Với mức giá đó mỗi tháng một CN chỉ tốn khoảng 200.000 đồng cho tất cả chi phí trong NLT, rẻ hơn so với thuê phòng trọ bên ngoài khoảng 100.000 đồng.
Giá rẻ vậy nên các bạn sinh viên cũng xin vào lưu trú. Riêng với sinh viên khi muốn vào ở phải đóng sáu tháng tiền trọ, cộng 180.000 đồng tiền thế chân tài sản. Cũng có một số người lao động phổ thông đăng ký vào ở.
Ngồi nhẩm tính chi phí một tháng trong NLT, Thành Chiến (Khu chế xuất Tân Thuận) nói: “Gần 200.000 đồng chứ mấy. Ở đây an toàn nên yên tâm làm việc, không phải nơm nớp lo trộm cạy cửa như mấy đứa bạn ở trọ bên ngoài”.
Thành Chiến cũng như các bạn CN khác là Tín, Thanh... lúc trước trọ ở bên ngoài, nhưng giá cả leo thang từng ngày, chi phí nhà trọ tăng vùn vụt mà lương vẫn giậm chân tại chỗ nên các bạn xin vào ở trong NLT Khu chế xuất Tân Thuận để tiết kiệm. Nhìn quanh ước lượng diện tích căn phòng rộng khoảng 20m2, Tín nói: “Bên ngoài căn phòng như thế này cũng phải 1 triệu đồng. Cộng thêm tiền điện, nước chia cho bốn đứa ở thì mỗi đứa chi hết hơn 300.000 đồng/tháng”.
Nhưng chưa là nơi để sống
Tiện cho công nhân độc thân, vợ chồng công nhân |
Không khí về đêm ở NLT Linh Trung rất yên ắng. Ngoài mấy bàn bi da, bàn cờ tướng trong căngtin chủ yếu dành cho các bạn nam chơi thì không có gì khác để vui chơi. Khuôn viên NLT cũng không có chiếc ghế đá nào.
“Khu vực gần đây không có chỗ nào để giải trí” - Đạt, một CN ở đây, nói. “Giá như ở đây có công viên thì hay biết mấy, có nơi để dạo lòng vòng cho vui” - Phương, bạn cùng nhóm với Đạt, ước. Phòng nào có tivi thì mở xem, còn không thì ngủ sớm. CN muốn dùng Internet phải ra các tiệm bên ngoài, muốn đọc báo phải chờ người bán dạo vào bán từ hơn 8g sáng mỗi ngày nhưng khi đó nhiều CN đã đi làm.
Khác với cảnh đông người tại các khu nhà trọ nằm gần Khu chế xuất Linh Trung 1, lối ra vào NLT Linh Trung phải băng qua một con đường vắng bên hông sân bóng dẫn vào khu nghĩa trang thành phố, rồi rẽ vào con đường đất bụi vài trăm mét nữa mới đến nơi. CN - nhất là các bạn nữ - muốn mua gì hay tìm hoạt động nào đó giải trí ở bên ngoài đều phải gọi nhau cùng đi cho đỡ sợ.
NLT dành cho CN ở Khu chế xuất Tân Thuận cũng nằm tại một khu vực vắng vẻ trên đường Bùi Văn Ba (P.Tân Thuận Đông, Q.7). “NLT xa chợ, ra ngoài mua đồ phải đi hơn 1km”, đó là một trong nhiều lý do khiến bạn Vân không chọn ở trong NLT mà thuê phòng bên ngoài, mặc dù chi phí đắt hơn khoảng 100.000 đồng/tháng. Tại đây, sân chơi thể thao của CN là bãi đất trống nhỏ, các bạn muốn chơi bóng đá tự làm cầu môn “khung thành đá cục”, còn thích đánh bóng chuyền cứ dựng “lưới dã chiến”. Các đội thể thao CN trong NLT Tân Thuận đều phải thuê sân bãi ở bên ngoài luyện tập để thi đấu các giải phong trào CN.
Chỉ tay về phía những bánh tạ sắt cũ nằm chỏng chơ dưới đất trong phòng tập thể hình của NLT Tân Tạo, anh Trần Tuấn Khanh (thuộc đội an ninh phòng cháy chữa cháy Khu công nghiệp Tân Tạo) làm nhiệm vụ bảo vệ ở đây cho biết: “Mấy bộ tạ này do đội bảo vệ chuyển qua, rồi chung tiền mua thêm vài dụng cụ khác để mấy anh em tập thể hình. Còn muốn chơi bóng thì ra bãi đất trống ngoài kia”. Giải trí chỉ có vậy.
Tại các NLT dành cho CN ở TP.HCM hiện nay, đâu cũng thấy các bạn CN “lấp kín” vì giá phòng rẻ, chứ không còn cảnh “chê” NLT như trước nữa. Nhưng để CN xem NLT không chỉ là nơi ở giá rẻ mà còn là nơi sống đúng nghĩa của mình sau những giờ làm việc cực nhọc, thì việc tạo ra nhiều sân chơi thể thao - tinh thần và các dịch vụ đời sống phù hợp cho các bạn là điều hiện nay còn thiếu.
Theo Nguyễn Nam - Châu Tường (Tuổi Trẻ)
Bình luận (0)