Nhà rường "thế hệ mới"

18/01/2008 22:26 GMT+7

Thời kinh tế du lịch phát triển, du khách đòi uống cà phê nhà rường, ăn cơm nhà rường..., lập tức nhà rường cổ được ưa chuộng trở lại.

Cuộc hồi sinh ngoạn mục

Nhiều năm trước, nhiều ngôi nhà rường cổ của Huế bị tháo dỡ đem bán, nhằm phục vụ thú chơi nhà cổ của các "đại gia" đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ biến mất một nét kiến trúc độc đáo góp phần làm nên giá trị văn hóa lịch sử của cố đô Huế. Nguyên nhân của cuộc "di cư" vào Nam, ra Bắc của nhà rường cổ Huế thì nhiều, nhưng chung quy vẫn là do kinh tế. Có những chủ nhân nhà rường cổ vì không đủ khả năng kinh tế để bảo quản ngôi nhà, đành phải bán đi để tránh cảnh sụp đổ trong mùa mưa bão, đồng thời có khoản thu cải thiện kinh tế gia đình. Có những người không thiếu tiền nhưng thiếu kiến thức và sở thích văn hóa, bị nhịp sống tiện nghi hiện đại lôi cuốn dẫn đến quyết định bán nhà rường cổ, đổi lấy ngôi nhà bêtông, "nhôm kính". Thế là những ngôi nhà rường thưa vắng dần trong không gian sống của Huế.

Những năm trở lại đây, cũng xuất phát từ lý do kinh tế, Huế lại rộn ràng với những ngôi nhà rường mới mọc. Khi nền kinh tế du lịch ngày càng phát triển, khi phần lớn du khách nước ngoài đến Huế với xu thế du lịch văn hóa đặc trưng, nhiều giá trị văn hóa Huế đã được tôn vinh, trong đó có nhà rường Huế. Nắm bắt xu thế này, hàng loạt nhà hàng, quán cà phê ở Huế thiết kế theo mô-típ nhà rường cổ xuất hiện. Như Phú Mộng (Kim Long), Hành Hương (Thủy Xuân), Biệt phủ Thảo Nhi (Cư Chánh), Vỹ Dạ Xưa (Vỹ Dạ), Không Gian Xưa (Nam Giao)... Tất nhiên kiến trúc nhà rường cổ nguyên mẫu không đáp ứng được yêu cầu của loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch. Nhà hàng không thể dừng lại với diện tích sử dụng quá khiêm tốn là ba gian hai chái theo đạo dụ của Vua Minh Mạng ban hành từ năm 1822 mà phải thiết kế thêm các không gian tiện ích khác như sảnh lớn (để tổ chức đám cưới), nhà kho...

Nhà rường Biệt phủ Thảo Nhi

Bên cạnh đó, cuộc hồi sinh ngoạn mục của nhà rường Huế cũng là kết quả của kinh tế tư nhân phát triển. Ngoài cơ ngơi ở trung tâm thành phố, một ngôi nhà rường cổ tọa lạc giữa thiên nhiên ngoại ô đang là "mốt" của nhiều "đại gia" hay nghệ sĩ thành đạt ở Huế. Và những nhân vật này thường có sở thích tạo dấu ấn cá nhân vào ngôi nhà rường yêu quý của mình.

"Cải biên" đến mức nào?

Họa sĩ Bửu Chỉ lúc sinh thời từng phát biểu: "Những nhu cầu cải biên trong kiến trúc của nhà rường Huế, dù để đáp ứng yêu cầu kinh doanh hay sở thích cá nhân, đều cần phải tôn trọng giá trị kiến trúc đặc trưng của nhà rường cổ, phải giữ cho được nét tinh hoa kiến trúc cùng phong cách tao nhã của một không gian Huế luôn tồn tại cùng nhà rường". Thực tế cho thấy phần lớn nhà rường mới ở Huế ít nhiều đều có yếu tố cách tân. Ngay cả nhà rường cổ khi lắp ráp lại cũng được chỉnh sửa, cơi nới. Nếu chúng ta đã từng tự hào kiến trúc nhà rường cổ Việt Nam khác biệt với kiến trúc nhà cổ Trung Hoa, thì nay những ngôi nhà rường "thế hệ mới" lại phơi bày khá lộ liễu ảnh hưởng kiến trúc nhà cổ Trung Hoa. Hơn thế, nhiều bộ phận của nhà rường mới không còn xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu gỗ cũng như không giữ được kỹ thuật kết cấu bằng hệ thống chốt gỗ, mộng gỗ độc đáo. Và nếu vườn cây cảnh, hồ sen, hòn non bộ không thể thiếu với nhà rường cổ thì nay nhiều nhà rường mới phải chen chúc giữa khu phố bêtông cao tầng, trông rất phản cảm.

Rất may là ở Huế hiện nay vẫn có những công trình nhà rường được phục dựng hết sức công phu với chính sự hiểu biết và tâm huyết của những vị chủ nhân, như nhà rường dưới chân đồi Thiên An của họa sĩ Bội Trân, nhà rường khu từ đường nhà họ Thái ở thôn Xuân Hòa do kiến trúc sư Thái Nguyên Bá trùng tu, nhà rường Ngự Hà Viên của chủ nhân Dương Đình Vinh, người được mệnh danh là "Vinh Nhà Rường"... Suy cho cùng, chuyện của mỗi ngôi nhà chính là chuyện của những con người sáng tạo ra nó, sống trong nó. Nhà rường Huế cũng thế!

Nguyễn Phúc Bảo Chương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.