Khép lại năm 2023 một cách không thể rực rỡ hơn: Cùng "cộng sự ruột" Hoàng Thùy Linh, DTAP là cái tên được xướng lên nhiều nhất tại Làn Sóng Xanh Music Awards 2023 (vừa công bố tối 5.1) bằng chiến thắng áp đảo tại 4 hạng mục: Top 10 ca khúc được yêu thích (See tình), Ca khúc của năm (See tình), Hòa âm phối khí (See tình), Album của năm (Link). Những cú ghi điểm đó cũng giúp Hoàng Thùy Linh ẵm luôn giải Nữ ca sĩ của năm. 7 bài hát: Miền đất hứa, Vũ trụ có anh, Ý trời, Bóng phù hoa, Bo xì bo, Đẩy xe bò và Người ôm pháo hoa do DTAP sản xuất cũng đều vào bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh cùng 5 đề cử tại các hạng mục; Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa đầu - chương trình truyền hình thực tế do DTAP đảm trách vai trò Giám đốc âm nhạc giành giải Chương trình giải trí ấn tượng của VTV Awards 2023…; và đặc biệt là ca khúc See tình cùng điệu nhảy của nó trở nên thịnh hành trên thế giới… DTAP đưa tới sự kinh ngạc khi khó ai nghĩ bảng thành tích đó lại được làm nên bởi một nhóm sản xuất âm nhạc mới thành lập được non 5 năm với 3 thành viên "tay ngang", tốt nghiệp cử nhân Kinh tế và chưa từng được học nhạc một cách bài bản.
"Mọi người nhìn vào thấy đó như câu chuyện cổ tích, nhưng chúng tôi thấy đó là câu chuyện về sự cố gắng", 3 chàng trai của DTAP đồng lòng chia sẻ với Thanh Niên.
Điều gì đã giúp biến sở đoản thành sở trường, thậm chí đã kịp đưa DTAP trở thành nhà sản xuất âm nhạc "quyền lực" nhất hiện nay của showbiz Việt, là lựa chọn hàng đầu của nhiều ngôi sao hạng A chỉ sau chưa đầy 5 năm trình làng?
Như nhiều anh chị em trong nghề, chúng tôi cũng đều là những người đam mê âm nhạc từ bé, khác chăng là thay vì học nhạc, chúng tôi đã chọn theo đuổi ngành Kinh tế. Để biến sở đoản thành sở trường quả là một câu chuyện dài, 5 năm qua gần như không có ngày nào chúng tôi không cần mẫn tự học, cố gắng cập nhật mọi chuyển động lớn nhỏ của nền âm nhạc thế giới cũng như nhạc Việt, đặc biệt là về công nghệ. Mỗi cơ hội hợp tác với các anh chị lớn cũng là một cơ hội được học hỏi, cọ xát.
Thêm vào đó, tư duy của những cử nhân Kinh tế cũng phần nào giúp chúng tôi hình dung được rõ hơn đường đi nước bước của mình trong câu chuyện sẽ làm âm nhạc như thế nào. Đôi khi ngay cả sở đoản cũng có thể là… thế mạnh khi mà có những sáng tạo, nếu là những nghệ sĩ chuyên nghiệp chưa chắc họ đã làm, nhưng chúng tôi lại làm, và không ít sự "liều lĩnh" đó đã được cho là sáng tạo. Nó có thể cũng như khi người ta yêu nhau, hiểu nhau quá đôi khi chưa chắc đã tốt! Phần nào đó, có lẽ còn vì chúng tôi thuộc về thế hệ gen Z, một thế hệ dám chơi dám chịu, không sợ sai và khi cần thiết, sẽ luôn dám vượt ra ngoài khuôn khổ.
Làm cách nào để một nhóm 3 chàng trai trẻ vô danh lại có thể tiếp cận nhanh đến thế với các ngôi sao hạng A chỉ trong một thời gian rất ngắn? Những kiến thức được học trong trường Kinh tế về nghệ thuật marketing chăng?
Đầu tiên, chúng tôi… đi hỏi người này, người kia email của các nghệ sĩ, và cũng chỉ dám gõ cửa các bạn trẻ chứ không dám tiếp cận các anh chị lớn, để gửi đi các bản demo của mình. Nhưng kết quả là cú hành nghề marketing đầu tiên của chúng tôi bị thất bại thê thảm: hầu hết các email đa phần không được phản hồi hoặc bị từ chối. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì sáng tác và cần mẫn gửi đi. Cho tới một ngày, chị Hoàng Thùy Linh để mắt tới chúng tôi và bản hit Để Mị nói cho mà nghe rồi sau đó album Hoàng hình thành, đã thực sự đưa tới những bước ngoặt.
Ngay từ đầu, chúng tôi vốn dĩ là những người không được chọn, và để trở thành người được chọn, chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn. Có thể xuất phát điểm chúng tôi không bằng các bạn được đào tạo bài bản trong trường nhạc, nhưng điều duy nhất khiến chúng tôi tự tin là không ngừng cố gắng mỗi ngày, để có thể trở nên giỏi hơn, ít ra là so với chính mình. Cuối cùng thì câu chuyện về thái độ vẫn là điều tiên quyết nhất. Thái độ đôi khi đưa tới trình độ.
Có không, công thức cho một bản hit, để có thể thiết lập nhanh đến thế, một danh sách dày đặc bản hit?
Quan sát đường đi của các ngôi sao thành danh ở ta cũng như trên thế giới sẽ thấy, câu chuyện về cá tính âm nhạc là rất quan trọng. Một sản phẩm âm nhạc được đo ni đóng giày cho mỗi nghệ sĩ trước hết và trên hết là phải làm bật nổi được cá tính âm nhạc đó của họ, phải tối ưu hóa được dấu ấn cá nhân đó của họ, để không thể bị trộn lẫn.
Đề bài thì có vẻ to tát thế nhưng thật ra khi bắt tay vào việc, chúng tôi thường bắt đầu từ những điều rất nhỏ và ở ngay gần mình, cũng như mọi người. Chẳng hạn như những câu nói quen thuộc, những trò chơi, những lời hát ru, hay một nhân vật trong một tác phẩm văn học mà ai cũng từng được học... Chẳng hạn bản hit Bo xì bo chỉ đơn giản được bắt đầu từ một câu nói mà bọn con nít chúng tôi thường hay nói với nhau khi giận nhau và dọa "nghỉ chơi", không chơi với nhau nữa. Vậy giờ giả dụ, người ta "cắm sừng" mình đi, thì thay vì thất tình, mình sẽ Bo xì bo, sẽ nghỉ chơi…
Chúng tôi thực ra không suy nghĩ quá nhiều. Có những thứ tưởng phức tạp nhưng thật ra rất đơn giản, chỉ là trong thế giới của người lớn, họ hay thích làm mọi việc phức tạp lên thôi. Cũng có thể do chúng tôi còn trẻ, nên đôi khi cũng vẫn còn vương nhiều nét trẻ con trong tính cách, và cả trong sáng tác.
Đen Vâu nói: "Nhiều khi ta muốn ta được bé lại, để khi đi trốn có người đi tìm", còn với DTAP, là… để được gì?
Để bắt đầu một dự án âm nhạc, hay khi tính đường đi nước bước cho một nghệ sĩ, buộc lòng nhà sản xuất phải dùng tới lý trí của mình, lý trí của một "người lớn", để tư duy sâu sắc về chuẩn mực của sản phẩm, đường đi của sản phẩm…, nhưng khi bước vào thế giới của sáng tạo, chúng tôi lại muốn được thả lỏng nhất, và luôn sẵn lòng cho phép mình được thả lỏng, với tư duy của một đứa trẻ. Có một câu nói mà chúng tôi rất tâm đắc: "Làm việc lớn bằng niềm hân hoan của những đứa trẻ".
Làm việc nhóm thường bị cho là một trong những kỹ năng yếu nhất ở lao động Việt, huống hồ đây lại còn là trong lĩnh vực sáng tạo, rất dễ va quệt cá tính. Trước giờ ở VN, nhà sản xuất âm nhạc cũng thường là những cá thể độc lập. Vậy cách nào để DTAP có thể duy trì tốt phép cộng 1+1+1 =… 1 trong suốt 5 năm qua?
Đúng là ở VN, mô hình nhà sản xuất âm nhạc gồm một nhóm 3 người như DTAP quả thực đang rất hiếm nhưng trên thế giới thì lại vô cùng phổ biến, thậm chí có nhóm còn lên tới 10 - 11 người. Có câu: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau", quả đúng với DTAP vì mô hình đồng đội này giúp tận dụng được thế mạnh của từng người: người lo ca từ, người lo giai điệu và người còn lại thì lo về hòa âm phối khí. Để đủ hứng khởi đi cùng nhau, tất nhiên mỗi người trong chúng tôi đều sẵn có một cá tính của riêng mình. Nhưng khi cùng dốc lòng nuôi nấng đứa con chung, chúng tôi sẽ bỏ cái tôi của mình xuống, và lúc đó chỉ có một cái tôi duy nhất, đó chính là DTAP.
Ở thời điểm show Hoàng Thùy Linh sắp khai cuộc, cú "sẩy miệng" của nhân vật chính đã ít nhiều gây bất lợi cho việc bán vé. Là nhà sản xuất chương trình, DTAP có chút nao núng nào lúc đó? Điều gì đã giúp ê kíp "lật ngược thế cờ"?
Đứng trong showbiz, cách chúng tôi chọn thường là không quá để tâm tới mạng xã hội. Thời điểm làm show Vietnamese Concert cho chị Linh cũng vậy, chúng tôi cũng gần như không đăng gì, đọc gì, để mà biết có bất lợi hay không. Chúng tôi chỉ cần biết một điều: Âm nhạc bản thân nó là sự kết nối, và chúng tôi tin vào những điều đặc biệt mà chúng tôi riêng dành cho show diễn quan trọng đó của Hoàng Thùy Linh. Những gì mọi người nhìn thấy chỉ là cột mốc ở cuối con đường, nhưng đó là kết quả của một sự chuẩn bị dài hơi từ rất lâu trước đó.
Thuở còn u tối, Mị trong Vợ chồng A Phủ từng nhìn ra khoảng trắng mờ bên ngoài cửa sổ mà không biết là sương hay nắng. Vậy nếu "để DTAP nói cho mà nghe", thì cách nào sẽ giúp con người ta tới được "nơi bình minh đầy nắng"?
Câu hỏi này quả thật thú vị, vì đó cũng chính là hình ảnh mà DTAP bị ám ảnh khi đọc Vợ chồng A Phủ, và cuối cùng, chúng tôi đã tìm cách đưa Mị ra khỏi ô cửa hẹp đó để được nhìn thấy nắng bằng những ca từ và giai điệu rộn rã như chúng ta đã cùng nghe thấy. Khi chọn hình tượng hoa muống biển cho ca khúc chủ đề của show Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, điều DTAP muốn nói với các bạn cũng như thế: Dù bạn sinh ra từ một bãi cát khô cằn, vẫn hãy luôn hướng về nơi có ánh sáng và biết tựa vào nhau đến đủ sức mạnh đón những con sóng sẽ đến trong cuộc đời mình.
Từ 3 anh chàng sinh viên chia nhau 3 hộp cơm chay và tới nay là những đơn đặt hàng "khủng" chỉ sau chưa đầy 5 năm, với DTAP, tiền nhiều để làm gì?
Tiền chủ yếu được tái đầu tư cho âm nhạc, để sau 5 năm thành lập, từ một phòng thu khiêm tốn đầu tiên với vỏn vẹn chỉ 10 m2, trong một căn gác ổ chuột, xung quanh đầy gián (mà vẫn cả gan tiếp chị Tóc Tiên, anh Lam Trường tỉnh queo), DTAP hiện đã xây dựng được 4 phòng thu đạt chuẩn quốc tế. Sản xuất âm nhạc không chỉ đầu tư vào công nghệ mà còn là đầu tư vào con người. Không chờ tới "phiên đổi gác", DTAP hiện đã kịp xây dựng được cho mình một đội ngũ kế cận gồm 35 bạn trẻ, trong đó bạn trẻ nhất còn thuộc thế hệ Alpha, trong mong muốn sẽ xây dựng được một tổ hợp âm nhạc hoàn chỉnh nhất. Để tới một ngày nếu chúng tôi buông tay, thì DTAP cũng vẫn còn ở đó. Với chúng tôi, cách tiêu tiền đó mang lại hạnh phúc lớn lao hơn nhiều so với việc đổ tiền cho những món hàng hiệu.
Tròn 20 năm trước, diva Mỹ Linh cùng ê kíp khi thực hiện album Made in Vietnam cũng từng ôm giấc mơ "ra biển" nhưng sau đó chỉ dừng tại đó vì "suy cho cùng vẫn là do rào cản ngôn ngữ, văn hóa khiến mình ít nhiều vẫn còn e dè và thiếu đi sự mạnh dạn cần thiết…", như ca sĩ từng bộc bạch. Khi những bản hit của mình đi được xa hơn ngoài biên giới, một đại diện tiêu biểu cho thế hệ gen Z như DTAP liệu có dám mơ xa hơn?
Khoảng gần một năm nay và nhất là sau khoảnh khắc được nghe thấy, nhìn thấy See tình trên sân khấu của Blackpink, chúng tôi bắt đầu nghĩ xa hơn về trách nhiệm của những người trẻ chúng tôi, với mong muốn thay đổi một điều gì đó cho nhạc Việt trên bản đồ âm nhạc thế giới. So với thời chị Mỹ Linh, thế giới phẳng ngày nay đã giúp phá bỏ được nhiều rào cản cũ, lại cộng thêm cái "máu liều" của thế hệ gen Z, nên việc nắm bắt các cơ hội "ra biển" của nghệ sĩ trẻ Việt cũng đã bắt đầu trở nên rộng mở hơn. Chúng tôi nghĩ là chúng tôi dám đó!
Nhưng để một chuyện lớn như thế xảy ra, sẽ còn cần những con sóng khác. Chúng tôi đang đóng một con thuyền, và không ngừng tìm thêm những thủy thủ mới có thể đồng hành, và trên hết vẫn là tinh thần vượt sóng. Cần chuẩn bị thật kỹ, vì không biết con sóng sẽ ập đến lúc nào, và khi nó đến, phải sẵn một con thuyền đủ to để có thể cưỡi sóng.
Rào cản lớn nhất với DTAP là bản thân chúng tôi có thực sự giỏi và có đủ niềm tin để "vượt biển" hay không.
Một lời chúc cho năm con rồng?
Chúc cho năm con rồng không ai phải gồng, cũng không phải đi lòng vòng!
Bình luận (0)