Còn nhớ, năm ngoái Không gian âm nhạc đã làm được điều mà người làm nghề và công chúng ao ước từ lâu - trở thành điểm hẹn âm nhạc chất lượng cao (diễn ra một số/tháng) tại Hà Nội. Đêm diễn nào của Không gian âm nhạc cũng kín chỗ, trong khi giá vé không hề thấp, dù vậy chương trình không thể tự đứng một mình mà vẫn cần nhà tài trợ. Và, sau hơn 10 số, chương trình phải tạm ngưng vì lý do: tìm nhà tài trợ mới. Giữa lúc đó, chuỗi chương trình In the spotlight xuất hiện, và bất ngờ là không dựa vào bất cứ nhà tài trợ nào.
|
So với Không gian âm nhạc, In the spotlight (Tâm điểm âm nhạc) lựa chọn không gian biểu diễn rộng hơn, đón nhận lượng khán giả đông đảo hơn, đồng thời giá vé cũng thấp hơn. Bên cạnh đó, không chỉ giới hạn tại Hà Nội, một số chương trình đã bắt đầu đến với khán giả TP.HCM. Ngay từ đầu, nhà sản xuất đã xác định tiêu chí cho In the spotlight: chất lượng nghệ thuật cao và tìm đến những gương mặt nghệ sĩ lớn. Vì thế, không khó đoán số tiền “khủng” được bỏ ra đầu tư. Không phải không muốn có nhà tài trợ, nhưng việc tìm kiếm là rất khó, nên nhà sản xuất quyết tự buộc mình vào con đường duy nhất và khá liều lĩnh: đặt cược ở chất lượng để hút khán giả. Trước mỗi chương trình là một lần nhà sản xuất lại lo lắng: “Có bán được hết vé hay không”. Nhưng cũng chính áp lực đó đã “ép” ê kíp thực hiện (nhà sản xuất Trần Thanh Tùng, giám đốc âm nhạc Hồng Kiên và ban nhạc Anh Em) “phải đảm bảo chất lượng cao nhất, nếu không sẽ mất dần khán giả” (lời khẳng định của ông Trần Thanh Tùng). Đến giờ, trong một năm In the spotlight đã đi hết 4 số và tiếp tục chuẩn bị cho số thứ 5.
|
Cũng đi theo con đường “tự thân vận động”, nhưng với quy mô nhỏ hơn, Câu chuyện âm nhạc chuẩn bị ra mắt công chúng số đầu tiên (với sự tham gia của ca sĩ - nhạc sĩ trẻ Tạ Quang Thắng) cuối tháng 10 tại Hà Nội. Nghệ sĩ Phan Cường và Phan Kiên quyết định tạo sân chơi nghệ thuật cho chính họ và bạn bè nghệ sĩ. Nhân vật của mỗi số có thể là các nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau. “Chúng tôi muốn được vẽ cá tính âm nhạc của chính mình và của những người trẻ nhưng đã tạo được dấu ấn, hay những nghệ sĩ không quá nổi tiếng nhưng được nhiều khán giả yêu mến. Trong mỗi chương trình, mọi người thường biểu diễn một hai ca khúc, hay như chúng tôi có nơi nào mời đến chơi nhạc thì chơi, chứ chưa có cơ hội để khán giả thấy rõ phong cách, con đường âm nhạc mình đang đi”, nghệ sĩ Phan Cường cho biết. Trong Câu chuyện âm nhạc, mọi thứ “bóng bẩy” của sân khấu được hạn chế tối đa, nhà sản xuất chỉ tập trung chủ yếu cho chất lượng âm thanh (hầu hết các chương trình theo phong cách acoustic). Giá vé được tính toán phù hợp với mọi đối tượng khán giả, trong đó có cả sinh viên. Dù đã chuẩn bị nội dung cho khoảng 3-4 số tiếp theo, nhưng nhà sản xuất vẫn phải nghe ngóng xem khán giả sẽ đón nhận thế nào.
In the spotlight hay “cậu em” sinh sau Câu chuyện âm nhạc sẽ phải bước vào cuộc “cạnh tranh” với chuỗi chương trình được nhà tài trợ “đỡ đầu”, mà sắp tới là Hòa nhạc Việt Nam (mở màn với chương trình của nam ca sĩ Bằng Kiều).
Có hay không có nhà tài trợ, sân khấu ca nhạc chất lượng, nhất là các chuỗi chương trình âm nhạc, đang có phần rộn rã. Và dù chưa thể nói trước hành trình của các chuỗi chương trình sẽ dài hay ngắn, nhưng việc nhà sản xuất dám liều mình, tự vận động cho cuộc chơi nghệ thuật dài hơi, nghiêm túc cho thấy những tín hiệu lạc quan của một sân khấu nhạc Việt “không phụ thuộc”.
Ngọc An
>> Chương trình âm nhạc miễn phí
>> Huế có thêm chương trình âm nhạc đường phố
>> Ra mắt chương trình âm nhạc đường phố "Tôi yêu sự chia sẻ" tại Huế
>> Chương trình m nhạc của tôi với chủ đề 4 mùa yêu thương
Bình luận (0)