Theo Reuters, Takata cũng cho hay họ đang tìm 1,6 tỉ USD tiền viện trợ từ công ty Mỹ Key Safety Systems (KSS). Đây là một trong những vụ công ty phá sản lớn nhất Nhật Bản. Takata phải đối mặt hàng chục tỉ USD chi phí và tiền phạt sau gần một thập niên là tâm điểm của nhiều đợt thu hồi ô tô và đơn kiện từ người tiêu dùng. Túi khí do hãng này sản xuất bị cho là mắc lỗi khiến 17 người chết và 180 người bị thương.
Công ty ở Mỹ của Takata vừa nộp đơn phá sản tại Delaware hôm 25.6, với khoản tiền phải trả từ 10 tỉ USD đến 50 tỉ USD. Công ty mẹ ở Nhật Bản thì nộp đơn xin bảo vệ phá sản với Tòa án Tokyo sáng nay 26.6.
Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo cho hay cổ phiếu Takata sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 27.7. Việc nộp đơn phá sản mở ra cánh cửa giải cứu tài chính từ hãng sản xuất phụ tùng ô tô KSS. Takata xem KSS là nhà tài trợ, giúp công ty tiếp tục sản xuất hàng triệu túi khí thay thế sản phẩm bị lỗi. Tiền thu được từ số hàng bán ra sẽ được dùng để giải quyết thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ.
Dù vậy, nộp đơn phá sản không phải là dấu chấm hết cho nhiều vấn đề. Honda Motor, khách hàng lớn nhất của Takata, cho biết họ chưa đạt thỏa thuận cuối cùng về trách nhiệm trong đợt triệu hồi xe với công ty này. Honda cho biết hãng sẽ tiếp tục đàm phán với nhà cung ứng song dự kiến sẽ gặp khó trong việc nhận tiền bồi thường.
Takata là doanh nghiệp Nhật Bản ra đời cách đây 84 năm. Hãng đối mặt với nhiều vụ kiện và đợt triệu hồi xe hàng tỉ USD trong thời gian gần đây. Các hãng xe có dùng túi khí Takata và phải thu hồi để sửa gồm Honda, BMW, Toyota Motor và nhiều hãng khác.
Takata cho biết thỏa thuận với KSS sẽ giúp công ty tiếp tục hoạt động mà không gặp gián đoạn. Theo kế hoạch, KSS sẽ thâu tóm toàn bộ tài sản của Takata, trừ một số tài sản và hoạt động nhất định liên quan đến túi khí trong các đợt triệu hồi xe toàn cầu.
tin liên quan
Cổ phiếu hãng sản xuất túi khí ô tô Nhật lao dốc sau tin phá sảnCông ty sản xuất túi khí Nhật Bản Takata có thể đang đi đến cuối con đường.
Bình luận (0)