Nếu trong ngành y bệnh nào cũng rõ như ban ngày thì đỡ biết mấy cho bệnh nhân cũng như thầy thuốc, vì chẩn đoán chắc ăn, điều trị ăn chắc. “Thầy” nhờ vậy đỡ cực thân, “trò” nhờ đó ít thủng túi. Nhưng vì đời là bể khổ nên lắm chuyện oái oăm. Nói chi bệnh nhân vốn không phải ai cũng có sẵn kiến thức về chuyện bệnh hoạn, ngay cả một số thầy thuốc cũng quên nguyên nhân nhiều bệnh khó biết lý do lại nằm ngay cửa… miệng!
Thưa ông, tôi ở… hàm này!
Nếu tưởng đau răng là vì răng đau thì đúng là không sai theo kiểu hòa vốn nhưng chưa chính xác. Tình trạng viêm tấy nướu răng, sâu răng, vôi chân răng… đều là yếu tố thuận lợi cho đủ thứ bệnh trên hệ tim mạch (rối loạn nhịp tim), thần kinh (mất ngủ, đau đầu), hô hấp (viêm xoang), tiết niệu (viêm bàng quang), tiêu hóa (viêm loét dạ dày)… Trong khi thầy thuốc mất thì giờ với siêu âm, nội soi, thử máu… nhưng lại không khám răng vì đó là việc của nha sĩ. Đáng tiếc vì không ít trường hợp bệnh bỗng thuyên giảm thấy rõ sau khi tình cờ chữa răng!
Mặt khác, bệnh lý nội tạng cũng phản ánh qua cấu trúc khỏe mạnh hay rệu rạo của hàm răng. Nếu thầy thuốc y học cổ truyền từ nhiều ngàn năm trước - tuy không cần mổ xẻ con người - đã biết về mối liên hệ mật thiết giữa mỗi chiếc răng với hệ thống kinh mạch, thì thầy thuốc y học hiện đại - nhờ phương tiện kỹ thuật cao cấp - cũng đã xác minh tính cảm ứng của mỗi chiếc răng với chức năng hay nội tạng đặc thù thông qua nhiều phương pháp đo đạc chính xác. Nói cách khác, thầy thuốc có thể “trông răng mà bắt hình dong, chân răng có tốt thì bộ đồ lòng còn nguyên”. Có qua có lại, bệnh lý nội tạng (tiểu đường, cao huyết áp, thấp khớp, dị ứng…) sớm muộn cũng thừa nước đục thả câu ở vài chiếc răng nào đó.
Phòng nha, tuyến đầu phòng bệnh
Xem răng định kỳ là một trong các tiêu chí thực tiễn để đánh giá diễn tiến của nhiều bệnh không nằm gần hàm răng |
- Tư vấn bệnh nhân về biện pháp vệ sinh răng miệng nhằm mục tiêu ngừa bệnh khác.
- Theo dõi định kỳ cấu trúc không chỉ của răng mà của cả xương hàm để qua đó đánh giá khả năng biến dưỡng của cơ thể, đặc biệt ở bệnh nhân tiểu đường.
- Tầm soát và điều trị bệnh lý răng miệng đến nơi đến chốn để tiếp tay với bác sĩ chuyên khoa khác (nội khoa, da liễu, phụ khoa…).
- Thay thế chất trám răng nếu phát hiện tình trạng dị ứng hay nhiễm độc kim loại nặng.
- Hướng dẫn người bệnh chế độ dinh dưỡng cũng như cách áp dụng sinh tố và khoáng tố cần thiết cho răng, nghĩa là đồng thời cho xương, cho khớp.
Nói một cách tương đối, bệnh nhân nhiều khi nên đến nha sĩ trước khi gõ cửa thầy thuốc chuyên khoa, vì nhận xét của nha sĩ thường hữu dụng cho công việc của bác sĩ nội khoa. Hay hơn nữa là phòng khám đa khoa nào cũng nên có mặt nha sĩ. Tất nhiên, chỉ khi bác sĩ và nha sĩ cộng tác tay trong tay - hình ảnh chưa hẳn dễ tìm trong bối cảnh y tế nước mình, do nhiều thầy thuốc chỉ thích một mình một chợ để tiện việc một người bán vạn người mua!
Mặt khác, mô hình mượn răng xem bệnh chỉ hữu ích nếu bệnh nhân chủ động tìm đến nha sĩ lúc chưa đau răng. Không dễ thực hiện vì mấy ai vui gì khi đến nha sĩ. Không thể trách bệnh nhân vì chưa hiểu tất nhiên khó biết.
Vì vậy, đừng tưởng nha sĩ chỉ biết nhổ răng. Không đơn giản vậy đâu. Bằng chứng là quanh đi quẩn lại chỉ hơn 30 cái răng (chục mười hay chục mười hai tùy người biết giữ mồm giữ miệng hay không), mà quan lang phải học đến sáu năm mới ra trường!
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng / Tuổi Trẻ
(Trung tâm Oxy cao áp, TP. HCM)
Bình luận (0)