Nhà sử học Dương Trung Quốc: Căn bản là xác lập được giá trị đúng

21/12/2012 06:00 GMT+7

Đối sánh xưa nay là điểm nổi bật trong câu chuyện hằng ngày tới tranh luận nghị trường của Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Dương Trung Quốc.

Đối sánh xưa nay là điểm nổi bật trong câu chuyện hằng ngày tới tranh luận nghị trường của Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Dương Trung Quốc.

Không học hàm, học vị, ông Dương Trung Quốc có đóng góp rất riêng cho lịch sử - nhắc lại những ngụ ngôn lịch sử tại nghị trường. Những vấn đề ông lên tiếng bao giờ cũng nóng, và cách ông lên tiếng khiến chúng hiện rõ bản chất vấn đề trong đối sánh thời đại xưa nay.

Nhiều ý kiến cho rằng người dân Việt Nam hiện không yêu lịch sử. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Tôi không biết ý kiến đó của ai mà lại võ đoán thế khi dám khái quát rằng người dân Việt Nam không yêu lịch sử. Có chăng gần đây nhiều người lo rằng phải chăng giới trẻ không thích học môn lịch sử, kiến thức lịch sử nhiều lỗ hổng hoặc nặng nhất là “quay lưng lại với lịch sử” hiểu theo nghĩa ít quan tâm.

Tôi cho rằng với các bạn trẻ đúng là có vấn đề mang tính thời đại (tức là không riêng ở Việt Nam) như quá nhiều mối thông tin và kiến thức mà giới trẻ phải quan tâm để đáp ứng nhu cầu học hành, giải trí và hướng nghiệp nên tri thức lịch sử bị sao lãng.

 

Với một dân tộc trải qua nhiều thử thách như Việt Nam lịch sử sẽ là một nhu cầu và cũng là một nguồn lực cho cả trẻ lẫn già

Nhưng mấu chốt lại là tri thức lịch sử mà “chúng ta” (trong đó có những nhà lãnh đạo chính trị, ngành giáo dục và giới sử học) mang đến cho giới trẻ hiện là cái gì? Một lịch sử chủ quan như “chúng ta” muốn chứ không phải như nó đã từng có, lại được chuyển tải thành những nguyên lý giáo điều luôn bị chính trị hóa, lại bằng những phương thức nghèo nàn và thiếu hấp dẫn. Điều đó khiến giới trẻ học đường buộc phải tiếp thu như một sự khổ sai trí nhớ và người lớn có nhiều trải nghiệm đời sống thì mất lòng tin...

Nếu việc nghiên cứu, nhận thức và quảng bá lịch sử được cải thiện theo đúng bản chất của sử học là trung thực và công bằng hơn thì tôi tin rằng với một dân tộc trải qua nhiều thử thách như Việt Nam lịch sử sẽ là một nhu cầu và cũng là một nguồn lực cho cả trẻ lẫn già. Lịch sử đã từng chứng minh điều đó nhất là mỗi khi ta mất nước hoặc có nguy cơ mất nước.

Trong những phát biểu của mình ở Quốc hội, ông thường hay mượn xưa để nói nay, phải chăng đấy là phương cách né tránh?

Một trong những giá trị của lịch sử là tính ngụ ngôn. “Ôn cố tri tân” vốn là một cách nhận thức rất biện chứng của người xưa, nhưng theo tôi vẫn còn giá trị với thời nay. Tôi tham gia Quốc hội với tư cách một người hoạt động trong lĩnh vực sử học và một phần nữa là báo chí. Các đại biểu có tri thức nghề nghiệp sẽ khai thác tri thức sở trường để phát biểu. Những tri thức khác họ phải tự nghiên cứu hay tham khảo để phát biểu ý kiến và biểu quyết. Do đó, nếu tôi khai thác những tri thức sử học thì đấy chính là một sở trường để đóng góp ý kiến của mình đối với Quốc hội chứ đâu phải né tránh. Tôi nghiệm thấy những quan điểm của mình lấy lịch sử như một tấm gương đối sánh có tính thuyết phục hơn là những lập luận thuần túy mang tính suy luận bằng ý chí.

Trong kinh tế khó khăn hiện nay, văn hóa và lịch sử sẽ “cứu” kinh tế như thế nào?

Đơn giản thì chúng ta có thể nói đến du lịch, những hoạt động kinh tế trên lĩnh vực văn hóa để tìm ra những giải pháp sinh lợi... Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Sự phát triển xã hội là tổng hòa mọi yếu tố tác động vào con người của xã hội ấy, con người vừa là nguyên nhân lại cũng vừa là kết quả cho nên đầu tư vào con người sẽ tạo ra những giá trị bền vững.

Những khó khăn bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế phải tìm từ con người (đường lối lãnh đạo, tổ chức xã hội, tổ chức và thiết chế kinh doanh...) mà suy cho cùng là sự xung đột hay hài hòa lợi ích. Không phải tự nhiên mà người dân Mỹ (cũng như châu u) tổ chức“chiếm phố Wall”. Rõ ràng đó là thông điệp quy kết những sai lầm về chính sách tài chính mà suy cho cùng thì chính là xung đột giữa sự làm giàu vô độ của giới tài chính (nhờ những chính sách ngắn hạn) với lợi ích toàn xã hội (nhìn vào mục tiêu dài hạn).

Ở ta cũng tương tự nhưng với quy mô và một vài nhân tố riêng quy định bởi những đặc thù thiết chế chính trị và xã hội mà thôi. Rõ ràng “tham nhũng”, “lợi ích nhóm” là những cái ta đã vạch ra được nhưng chưa tìm được giải pháp. Giải pháp sẽ không chỉ là những chính sách kinh tế thuần túy mà cuối cùng là những chính sách tác động đến con người, tức là đến văn hóa. Tuy có lúc có nơi lạm dụng, nhưng không phải tự nhiên mà ngày nay đụng đến cái gì chúng ta cũng nhắc đến văn hóa.

Những nghiên cứu lịch sử trong nước thường ít tính thực tiễn so với lịch sử nghiên cứu nước ngoài về Việt Nam. Ông nghĩ gì về nguyên nhân dẫn đến nhận định đó?

Dễ hiểu, trước hết vì người nước ngoài họ nghiên cứu trong một môi trường “tự do hơn”, không bị ai chi phối khi nghiên cứu, kiểm duyệt lúc công bố. Hơn nữa phương pháp của họ đa dạng, mang tính tổng hợp, nói đơn giản là tiên tiến hơn. Về phần ta thì trước hết phải nói đến tính lạc hậu về phương pháp, vẫn còn giáo điều (do nguồn đầu tư, tổ chức nghiên cứu mang nặng tính nhà nước và những ràng buộc về quyền công bố), phiến diện. Hơn nữa nghiên cứu lịch sử đương đại mang nặng tính chính trị, phục vụ đường lối, tăng sáng giảm tối... Nói cho cùng là còn thiếu dân chủ trong nghiên cứu nên nó thiếu tính thực tiễn hiểu theo nghĩa nó chỉ là “thực tiễn một nửa”, mà thực tiễn không phải là cái bánh mì, nên một “nửa sự thực không phải là sự thực” như câu thành ngữ ta hay nói tới.

Theo ông, cần làm sao để có phong trào nghiên cứu đọc sách lịch sử trong xã hội?

Đọc sách chỉ là một phương cách mà thôi. Cái căn bản làm sao xác lập được hệ thống giá trị đúng đắn của xã hội đối với những vấn đề của đời sống hiện đại. Như thế việc đọc sách hay sự trân trọng biết gìn giữ và phát huy những giá trị của quá khứ mới bền vững để trở thành một nhu cầu của người đọc sách, người viết sách.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Ngữ Thiên
(thực hiện)

>> Nguyễn Trí Kiên - Không ngừng học hỏi để thành công
>> Có một người phụ nữ Việt như thế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.