Hóa chất, nỗi buồn của người thợ...
Với một trong những người đứng đầu của một cộng đồng nghề thì có lẽ câu hỏi đầu tiên nên được bắt đầu bằng những chia sẻ về nghề đúng không chị?
Là thế hệ đầu tiên của lứa tuổi 8X, những NTM như tôi vẫn còn nhiều niềm vương vấn về một thập kỷ thời trang tóc đơn sơn nguyên thủy của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung những năm 2000: bếp than, nồi nước gội, thanh uốn điện và những chiếc lược nhựa, lô cuốn tóc… Từ những vật dụng giản dị ấy những mẫu tóc mới vẫn được tạo ra. Những niềm vui, sự hào hứng, phấn khởi, những lời khen của khách hàng vẫn đều đặn ríu rít trổ bông trong không gian bé nhỏ của salon Dung Nhi chúng tôi. Sau này, kinh tế phát triển, cuộc sống khá hơn, thiết bị kỹ thuật của ngành tóc đa dạng, tiện dụng hơn, các loại hóa mỹ phẩm phục vụ việc uốn, sấy, nhuộm, dưỡng phong phú, đẹp hơn. Người thợ hiện nay được hỗ trợ có khi lên tới 60%. Niềm vui của khách hàng vẫn vậy. Vẫn là những nụ cười rạng rỡ, lời cảm ơn ríu rít trước mỗi kiểu tóc mới, mỗi sự thay đổi, mỗi sự khác biệt. Thế nhưng, không giản dị như xưa, người thợ bây giờ đối mặt với nhiều nguy cơ hơn,từ chính những gì họ được… hỗ trợ hằng ngày. Đó là các ảnh hưởng của máy móc, thiết bị và đặc biệt là các hóa chất chứa trong sản phẩm mà họ sử dụng.
Chủ đề sức khỏe chưa thật sự được quan tâm, trong cái thế giới làm đẹp đầy ánh sáng này?
Cũng như tôi, nhiều NTM thế hệ 7X, 8X, trở về trước - lứa tuổi đã có góc nhìn vượt ra khỏi ngưỡng cơm áo mưu sinh để dành nhiều thời gian hơn cho chất lượng cuộc sống thì đều chung một nhận định là nghề tóc của chúng tôi không chỉ vất vả mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hại sức khỏe, ảnh hưởng tuổi thọ như: đứng quá nhiều, quá lâu mỗi ngày, hít thở thường xuyên trong một không gian đầy rẫy mùi hóa chất, hương liệu, bụi tóc và đặc biệt là phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều loại hóa chất thông qua các công việc như tạo kiểu, uốn, duỗi, nhuộm, sấy… Xương khớp, hô hấp hay ung thư là những căn bệnh mà chúng tôi có nguy cơ phải đối mặt rất cao. Thế nhưng, biết vậy mà tránh sao cho được lại là một câu chuyện khác. Tôi coi đó như là một nỗi buồn của những người thợ làm tóc, bên cạnh những danh vị, tiền tài có được.
Bảo vệ mình bằng quan điểm làm nghề chứ không kinh doanh nghề! Tôi bắt đầu bước vào nghề là những năm 1998, 1999, 2000. Những năm này, Việt Nam vẫn còn chưa thật sự bắt nhịp được với làng thời trang thế giới. Chỉ đâu đó là vài nhãn hàng hóa mỹ phẩm quen thuộc thôi. Những người thợ như chúng tôi phải tự lực rất nhiều, hầu như không có sự trợ giúp máy móc.
Nay thì khác, mỗi nhu cầu sử dụng khách hàng có hàng trăm lựa chọn về thương hiệu, đẳng cấp, xuất xứ, thành phần, công dụng, chứng nhận khoa học, bảo đảm chất lượng. Mỗi thương hiệu, mỗi dòng lại có hàng chục loại sản phẩm để lựa chọn. Mỗi sản phẩm lại có thêm các sản phẩm phụ trợ để tăng công dụng, kích tính năng. Với một thị trường phong phú như thế thì vấn đề còn lại chỉ là lựa chọn của người thợ. Đáng tiếc là ai cũng biết điều này nhưng không phải ai cũng theo. Có nhiều salon vì lợi nhuận mà lựa chọn sản phẩm trôi nổi nhằm tiết kiệm chi phí nhưng họ lại vô tình phá vỡ các rào chắn bảo vệ sức khỏe cho chính mình - những rào chắn vốn chỉ có ở các sản phẩm chính hãng, đẳng cấp.
Nhưng thật ra, sản phẩm tốt khiến giá thành dịch vụ cao hơn và không phải ai cũng có những khách hàng sẵn sàng trả tiền như chị?
Đúng thế. Nhưng tôi tin rằng nghề làm đẹp là nghề nhân văn (như người ta vẫn nói). Nó là thứ dịch vụ thực hiện trên con người, mang lại niềm vui cho con người. Tuy nhiên, chính vì nhân văn, chính vì đối tượng là con người mà nó phải là nghề cần được tư vấn kỹ càng, bền bỉ. Hay nói một cách khác, người làm nghề cần phải biết “giáo dục” nhận thức cho khách hàng. Không nên “hùa” theo sở thích của khách để rồi lựa chọn những thứ không phù hợp với họ, không bền vững, lâu dài. Với các khách hàng tới salon Dung Nhi, tôi đều chia sẻ với họ rằng: dịch vụ làm đẹp là một dịch vụ có độ bền vững cao. Vì nó tô điểm, bồi tụng các nét đẹp của cơ thể con người. Và nó cần được làm bài bản, khoa học bằng những sản phẩm gần gũi nhất, có nguồn gốc thiên nhiên nhất hoặc đẳng cấp, là tinh túy của khoa học tốt nhất. Có như thế cái đẹp mới được duy trì. Việc làm đẹp mỗi ngày hoặc theo định kỳ mới thực sự được gọi là chăm sóc sắc đẹp đúng nghĩa. Đẹp, trước hết phải được khỏe từ bên trong. Vẻ đẹp trên nền sức khỏe từ bên trong chính là vẻ đẹp sức sống…
Người bán dịch vụ “giáo dục” cho người mua dịch vụ - điều này phải được “nói” ngay từ ở các lớp học nghề, chị có đồng ý thế không?
Có một chân lý là làm nghề không nên hoàn toàn là hoài bão, lý tưởng mà cần hiểu là mưu sinh. Phải nghĩ thế mới thực tế, mới bền, mới trụ được với nghề và có thu nhập tốt từ nghề. Lại kể chuyện cũ. Thời chúng tôi hạn chế nhiều thứ nên vì thế mà sự mày mò, nỗ lực lại cao hơn, phải tự đúc rút kinh nghiệm rất nhiều. Thế hệ của chúng tôi, những người thợ liên kết với nhau bằng sự tương hỗ tình nghĩa trước sự chia sẻ về vật chất. Truyền thông khi đó cũng chưa phát triển.
Thương hiệu là uy tín truyền miệng từ tai này qua tai khác. Những người trong nghề lại nhìn nhau bằng sự nể trọng. Nghề được “truyền dạy” theo đúng nghĩa giữa “thợ cả” và “thợ con”. Vì là truyền, là nghĩa cử trao đi nên chúng tôi học nghề được đo bằng thời gian đằng đẵng, sự tập trung học hỏi theo đôi tay, nhát cắt của bậc tiền bối cần mẫn mỗi ngày. Thời gian để trưởng thành tính bằng số năm, số phần mỗi thập kỷ. Học nghề đi liền với làm nghề - là nhiệm vụ cuộc đời, không ngưng nghỉ. Bây giờ thì khác. Công nghệ hiện đại, khoa học tiên tiến, truyền thông đa dạng, tinh vi, thế giới thông tin rộng, phẳng khiến các bạn chỉ cần bước ra là ăm ắp những thông tin hay, kiến thức tốt. Dịch vụ đào tạo nghề phát triển tạo ra nhiều khóa học từ ngắn hạn đến trung hạn, dài hạn. Tất nhiên mỗi thời, mỗi người mỗi khác. Các bạn trẻ bây giờ rất giỏi. Dám nghĩ, dám làm, táo bạo trong sáng tạo, mạnh mẽ trong đam mê, bạo dạn (thậm chí là liều lĩnh) trong khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu. Nhiều bạn thành công rất đáng nể nhưng cũng có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Tôi thì đồng ý là cần thiết nhất ngay từ nơi đào tạo, tư tưởng học nghề, tinh thần lập nghiệp phải nghiêm túc, lấy bền vững làm mục tiêu. Cố gắng đừng chạy theo hình thức, nóng ruột “hái quả” kẻo thành nông cạn, ăn xổi - ở thì. Đây là một phần của tình trạng chạy theo lợi nhuận quên đi sức khỏe của chính mình tôi nhắc ở trên. Nó cũng phần nào tạo ra một sự nhộn nhạo đáng buồn.
Yêu nghề là làm nghề được lâu nhất. Chứ không phải đạt được danh vị cao nhất là yêu nghề nhất. Đó là quan điểm của tôi
Xin cảm ơn chị!